Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động, tôi cứ ngồi dưới mà khóc suốt. Năm nay lần đầu tiên tôi tham gia lễ 20/11 bên sư môn sau 10 năm xa cách. Các thầy cô đã nghỉ hưu cũng tới tham dự lễ (Tôi liếc quanh thì không thấy sư phụ mình đâu) . Các sư phụ đọc những vần thơ rất hay, rất ý nghĩa cho chúng tôi nghe nữa chứ. Sư phụ tôi vốn nổi tiếng là gàn dở nhất cái tỉnh này, ông không muốn tham gia những buổi lễ màu mè như thế này đâu nên chắc đã trốn ở nhà. Mặc dù tôi đã trưởng thành, và cũng đã là sư phụ của các đệ tử nhí, nhưng không thấy sư phụ mình tham dự lễ tôi cũng thấy tủi thân, bơ vơ thế nào ấy.
Các sư phụ đã về hưu nhận hoạ và những lời tri ân (sư phụ tôi vắng mặt) |
Năm nay, sư phụ chưởng môn nhân (thầy hiệu trưởng) đón nhận danh hiệu cao quý nhất của nhà giáo: Nhà giáo nhân dân. Sư phụ chưởng môn nhân là 1 trong 2 người đầu tiên của tỉnh đón nhận danh hiệu cao quý này (trước đây tỉnh tôi chưa ai được vinh dự nhận danh hiệu này cả)
Sư phụ chưởng môn nhân |
Theo thống kê, 1/3 giáo viên của trường tôi là xuất thân của trường ra, các sư phụ đã già và sắp phải nghỉ ngơi, nên mong muốn chúng tôi tiếp tục cố gắng để "vững tay chèo" trên con thuyền tri thức, tiếp tục đưa các thế hệ sau sang sông. Sư phụ chưởng môn nhân có nói một câu làm tôi ngồi dưới khóc: - "Ai cũng bảo rằng nghề giáo là nghề bạc bẽo, cũng như ông lái đò đưa khách sang sông mà có mấy ai quay lại, nhưng thầy quan niệm rằng, hạnh phúc của người chèo đò là cho đi kiến thức của mình để làm bệ phóng cho những đứa con nhảy lên những bậc thang cao hơn mà không đòi hỏi sự đền đáp...".
Tới phần cựu học sinh đọc lời tri ân, Thu Hà cô bạn cùng khoá với tôi học bên lớp chuyên văn cũng có những lời bùi ngùi khó tả: - " Chúng con ra đi từ mái trường này và một lần nữa được các thầy cô yêu thương mở rộng vòng tay đón chúng con trở về. Giờ đây, chúng con cũng đã là thầy cô, cũng được các học trò nhỏ gửi những lời chúc đến chúng con, nhưng chúng con vẫn cảm thấy mình còn rất nhỏ, chúng con cũng muốn gửi tới các thầy cô những lời chúc, lời ca tiếng hát của mình với lòng biết ơn sâu sắc. Dù cuộc sống còn những điều chưa như mong muốn, đâu đó còn đầy rẫy những bon chen, nhưng dưới mái trường Lương Thế Vinh thân yêu, những điều đó đều được chặn lại trước cánh cổng kia, để chúng con đón nhận một môi trường giáo dục trong sạch, các thầy cô đã giúp chúng con hiểu rằng, dưới ánh sáng mặt trời này, không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo, và không có cái đẹp nào đẹp hơn cái đẹp của tri thức...". Sau lời tri ân là các cựu học sinh hát tốp ca, tôi ngồi dưới nghe mà xúc động không tả.
Cựu học sinh hát tốp cả sau lời tri ân |
Các tiết mục văn nghệ của học trò, các học trò tự sáng tác một bài hát dành tặng thầy cô. Bài hát riêng cho trường . Công nhận các đệ tử nhí cũng nghệ sĩ không kém các sư phụ lão thành. Ngoài ra còn có phần trao học bổng Lê Tự Rô. Thầy Lê Tự Rô là giáo viên chuyên toán của trường tôi, đã mất từ năm 2005. Sau khi mất gia đình thầy đến trường gửi lại số tiền tiết kiệm mà thầy dành dụm được, gửi ngân hàng lấy tiền lãi hàng năm để trao học bổng Lê Tự Rô, cho những học sinh hiếu học gia đình khó khăn. Ngoài những học sinh đang học tại trường được nhận học bổng Lê Tự Rô, có một trường hợp đặc biệt là một em đang học năm nhất, sư phạm Toán, DHSP cũng được nhận học bổng này. Tôi nghe nói nhà em rất nghèo, không có xe đạp để đi học, điện thoại cũng không. Hồi em còn học tại trường đạt thành tích cũng thứ dữ (thầy hiệu trưởng đọc thành tích thì ở dưới hoc sinh vỗ tay nhiệt liệt vì nể). Biết hoàn cảnh như thế, nhà trường vẫn tiếp tục trao học bổng cho em. Thầy hiệu trưởng mong rằng em sẽ sớm học xong và về trường cống hiến (Phía dưới chúng tôi xúc động, bảo đùa (mà cũng là thật) với nhau là giáo viên trường chuyên tương lai). Tôi nghe nói gia đình em không cho đi ngành sư phạm, vì nghèo quá bố mẹ muốn em đi ngành khác để dễ kiếm tiền, nhưng vì thần tượng thầy cô mình, em đã chọn con đường này, mặc dù em nhận được học bổng của một số trường khác nhưng đã từ chối và nhất quyết đi sư phạm bằng được. Học trò trường tôi là vậy đó, những người đã đi sư phạm là bằng mọi giá làm bằng được. Có người học thạc sĩ nước ngoài về, nhưng không thèm dạy tại các trường đại học mà nhất quyết về sư môn dạy cho bằng được. Học trò trường tôi sống rất tình cảm nhỉ, mặc dù bình thường thì không biểu hiện ra mặt đi nữa.
Các đệ tử nhí tự sáng tác và hát bài hát dành riêng cho trường tại buổi lễ |
Ngày hôm nay, tôi thấy rất ấm áp tại ngôi trường, ngôi nhà của mình, trong vòng tay che chở của các thầy cô, và trong sự yêu thương của các học trò.
Dung sư tỷ |
Và các sư muội |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét