Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Thầy mãi là number 1 trong trái tim tôi!

Thầy là người định hướng và chọn cho tôi ngành sư phạm
Thầy là người dạy tôi biết sống thật thà, không dối trá
Thầy là người truyền cho tôi tâm huyết của nghề đưa đò
Thầy là người truyền những kiến thức và nét đẹp khoa học cho tôi
Thầy chỉ dạy tôi biết yêu những thứ thuộc về nghệ thuật và nét đẹp tâm hồn
Thầy mãi là người thầy tuyệt vời nhất trong trái tim tôi.

Thầy tôi
Hôm nay, 25/11/2012 Mừng thọ thầy 70 tuổi. Tôi tới thăm thầy, tự nhiên bật khóc như một đứa bé. "Cổ nhân thất thập cổ lai hy", nghĩ đến mà chạnh lòng. Thầy ơi, mong thầy sống mãi với chúng con. Chúng con yêu thầy lắm.

Bánh kem mừng thọ Thầy


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Anh!!!!

Trời mưa, ướt mắt xanh
Anh về trong nắng gió
Lời thơ em bỏ ngỏ
Vầng trăng tỏ lòng em?

Ngày xưa em chưa quen
Anh sao kì lạ quá
Một ngày chợt nhận ra
Anh luôn là tất cả.

Nhưng dòng đời hối hả
Bụi đường không buông tha
Em về nơi đất lạ
Và tháng ngày trôi qua

Rồi anh cũng đi xa
Hôm nay trời lạnh giá
Anh luôn là tất cả
Giữa cuộc đời bôn ba.

Ngày chia ly

Yêu anh bất kể tháng ngày
Yêu anh bất kể đắng cay ngọt bùi
Yêu anh chẳng có ngày vui
Yêu anh chỉ có ngậm ngùi đau thương.
Bây giờ đàn đứt tơ vương
Rời xa anh đó, muôn phương em về
Biết rằng ngày sẽ lê thê
Biết rằng anh sẽ hả hê trong lòng
Em giờ đâu dám nhớ mong
Anh vui với bạn, lệ lòng em mang.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Dự lễ 20/11

Sáng nay 20/11/2012, tôi đã tham dự lễ kỉ niệm 30 năm ngày NGVN tại sư môn hiền hoà, cùng các sư phụ, huynh đệ, tỷ muội đồng môn và những đệ tử nhí vô cùng đáng yêu.


Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động, tôi cứ ngồi dưới mà khóc suốt. Năm nay lần đầu tiên tôi tham gia lễ 20/11 bên sư môn sau 10 năm xa cách. Các thầy cô đã nghỉ hưu cũng tới tham dự lễ (Tôi liếc quanh thì không thấy sư phụ mình đâu) . Các sư phụ đọc những vần thơ rất hay, rất ý nghĩa cho chúng tôi nghe nữa chứ.  Sư phụ tôi vốn nổi tiếng là gàn dở nhất cái tỉnh này, ông không muốn tham gia những buổi lễ màu mè như thế này đâu nên chắc đã trốn ở nhà. Mặc dù tôi đã trưởng thành, và cũng đã là sư phụ của các đệ tử nhí, nhưng không thấy sư phụ mình tham dự lễ tôi cũng thấy tủi thân, bơ vơ thế nào ấy.
Các sư  phụ đã về hưu  nhận hoạ và những lời tri ân (sư  phụ tôi vắng mặt)

Năm nay, sư phụ chưởng môn nhân (thầy hiệu trưởng) đón nhận danh hiệu cao quý nhất của nhà giáo: Nhà giáo nhân dân. Sư phụ chưởng môn nhân là 1 trong 2 người đầu tiên của tỉnh đón nhận danh hiệu cao quý này (trước đây tỉnh tôi chưa ai được vinh dự nhận danh hiệu này cả)
Sư phụ chưởng môn nhân

Theo thống kê, 1/3 giáo viên của trường tôi là xuất thân của trường ra, các sư phụ đã già và sắp phải nghỉ ngơi, nên mong muốn chúng tôi tiếp tục cố gắng để "vững tay chèo" trên con thuyền tri thức, tiếp tục đưa các thế hệ sau sang sông. Sư phụ chưởng môn nhân có nói một câu làm tôi ngồi dưới khóc: - "Ai cũng bảo rằng nghề giáo là nghề bạc bẽo, cũng như ông lái đò đưa khách sang sông mà có mấy ai quay lại, nhưng thầy quan niệm rằng, hạnh phúc của người chèo đò là cho đi kiến thức của mình để làm bệ phóng cho những đứa con nhảy lên những bậc thang cao hơn mà không đòi hỏi sự đền đáp...".

Tới phần cựu học sinh đọc lời tri ân, Thu Hà cô bạn cùng khoá với tôi học bên lớp chuyên văn cũng có những lời bùi ngùi khó tả: - " Chúng con ra đi từ mái trường này và một lần nữa được các thầy cô yêu thương mở rộng vòng tay đón chúng con trở về. Giờ đây, chúng con cũng đã là thầy cô, cũng được các học trò nhỏ gửi những lời chúc đến chúng con, nhưng chúng con vẫn cảm thấy mình còn rất nhỏ, chúng con cũng muốn gửi tới các thầy cô những lời chúc, lời ca tiếng hát của mình với lòng biết ơn sâu sắc. Dù cuộc sống còn những điều chưa như mong muốn, đâu đó còn đầy rẫy những bon chen, nhưng dưới mái trường Lương Thế Vinh thân yêu, những điều đó đều được chặn lại trước cánh cổng kia, để chúng con đón nhận một môi trường giáo dục trong sạch, các thầy cô đã giúp chúng con hiểu rằng, dưới ánh sáng mặt trời này, không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo, và không có cái đẹp nào đẹp hơn cái đẹp của tri thức...". Sau lời tri ân là các cựu học sinh hát tốp ca, tôi ngồi dưới nghe mà xúc động không tả.
Cựu học sinh hát tốp cả sau lời tri ân

Các tiết mục văn nghệ của học trò, các học trò tự sáng tác một bài hát dành tặng thầy cô. Bài hát riêng cho trường . Công nhận các đệ tử nhí cũng nghệ sĩ không kém các sư phụ lão thành. Ngoài ra còn có phần trao học bổng Lê Tự Rô. Thầy Lê Tự Rô là giáo viên chuyên toán của trường tôi, đã mất từ năm 2005. Sau khi mất gia đình thầy đến trường gửi lại số tiền tiết kiệm mà thầy dành dụm được, gửi ngân hàng lấy tiền lãi hàng năm để trao học bổng Lê Tự Rô, cho những học sinh hiếu học gia đình khó khăn. Ngoài những học sinh đang học tại trường được nhận học bổng Lê Tự Rô, có một trường  hợp đặc biệt là một em đang học năm nhất, sư phạm Toán, DHSP cũng được nhận học bổng này. Tôi nghe nói nhà em rất nghèo, không có xe đạp để đi học, điện thoại cũng không. Hồi em còn học tại trường đạt thành tích cũng thứ dữ (thầy hiệu trưởng đọc thành tích thì ở dưới hoc sinh vỗ tay nhiệt liệt vì nể). Biết hoàn cảnh như thế, nhà trường vẫn tiếp tục trao học bổng cho em. Thầy hiệu trưởng mong rằng em sẽ sớm học xong và về trường cống hiến (Phía dưới chúng tôi xúc động, bảo đùa (mà cũng là thật) với nhau là giáo viên trường chuyên tương lai). Tôi nghe nói gia đình em không cho đi ngành sư phạm, vì nghèo quá bố mẹ muốn em đi ngành khác để dễ kiếm tiền, nhưng vì thần tượng thầy cô mình, em đã chọn con đường này, mặc dù em nhận được học bổng của một số trường khác nhưng đã từ chối và nhất quyết đi sư phạm bằng được. Học trò trường tôi là vậy đó, những người đã đi sư phạm là bằng mọi giá làm bằng được. Có người học thạc sĩ nước ngoài về, nhưng không thèm dạy tại các trường đại học mà nhất quyết về sư môn dạy cho bằng được. Học trò trường tôi sống rất tình cảm nhỉ, mặc dù bình thường thì không biểu hiện ra mặt đi nữa.
Các đệ tử nhí tự sáng tác và hát bài hát dành riêng cho trường tại buổi lễ

Ngày hôm nay, tôi thấy rất ấm áp tại ngôi trường, ngôi nhà của mình, trong vòng tay che chở của các thầy cô, và trong sự yêu thương của các học trò.
Dung sư tỷ
Và các sư muội

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Học trò

Học trò trường tôi khá là lãng mạn, hihi, nhiều lúc các em làm tôi cảm động. Các em thể hiện tình cảm với tôi cũng giống giống với phong cách tôi thể hiện tình cảm với thầy cô của tôi. Thầy nào trò nấy, sóng trước đổ đâu, sóng theo đổ đấy, quả là không sai bạn nhỉ???

1. Hôm đó tôi mệt, nên cuối giờ dành ít phút cho các em ngồi vẽ vời linh tinh. Lúc đi về, tôi loay hoay đang định tắt phòng máy thì thấy một em còn ngồi trong phòng chưa về, tôi đứng đợi. Lát sau em bước tới tôi nói rất nhỏ và chạy biến: "Cô xuống chỗ máy em ngồi coi xong rồi mới tắt máy nha cô". Tôi cũng tò mò đi xuống, thì ra em vẽ một bức tranh tặng tôi trên máy tính. Tôi mỉm cười một mình, đúng là học trò.

2. Tôi đang ngồi một mình trong phòng máy, có một học trò đang đứng trước cửa, tôi thấy lạ nên chạy tới hỏi thăm. Thì ra em chỉ chờ tôi ra, chúc tôi vài câu nhân ngày 20/10 rồi cũng chạy biến. Sao học trò quý tôi đều thuộc dạng e lệ hết vậy???
Học trò 10 Toán 2

3. Tan trường, tôi đang khoá cửa đi về thì một học trò đang đứng chờ tôi. Tôi chưa kịp hỏi thì em đã nói: "Cô ơi, cô coi dùm em nước hoa hồng em làm vậy đúng chưa cô???".  Tôi mở thử sản phẩm của em, coi thử rồi bảo là dùng được rồi. Bất chợt em bỏ lọ nước hoa hồng vào túi rồi đưa về phía tôi: "Em tặng cô lọ này, em làm tới 2 lọ cô à" . Tôi từ chối, bảo ở nhà tôi tự làm một lọ vẫn còn rất nhiều, em hãy đem chia sẻ với các bạn khác trong lớp thì em nhất định không chịu, bảo tôi phải dùng sản phẩm em làm.
Chuyện về nước hoa hồng là thế này. Một hôm tôi vô tình thấy lớp 10 Sinh cắm hoa tươi để trên bàn giáo viên, tôi vô tình lỡ miệng nói rằng hoa hồng còn có tác dụng làm đẹp. Sau đó tôi chỉ các em cách ngâm hoa hồng với rượu trắng để lấy tinh dầu hoa hồng, có tác dụng làm se chân lông cho những em có làn da dầu. Các em thích bí quyết làm nước hoa hồng của tôi lắm, học trò trường chuyên ít khi quan tâm đến việc giữ nhan sắc, các em hay thức khuya dậy sớm học nên thường trông gương mặt khá thê thảm (kinh nghiêm xương máu của tôi thời đi học để lại).

Học trò 10 Hoá 2


4. Tôi bước vào lớp, các em đứng lên chào, tôi ra hiệu cho các em ngồi xuống và chuẩn bị tiết dạy. Các em vẫn đứng, tôi liền bảo: "Ngồi xuống đi mấy đứa". Các em vẫn cứ không chịu ngồi, có em nói vọng lên: "Hôm nay tụi em tự nhiên thích đứng cô ơi". Tôi thắc mắc hỏi sao kì vậy, thì các em bắt nhịp bài hát "cô giáo em". Bài này tôi rất thích đấy nhé. Học trò tôi lãng mạn ghê chưa.

5. "Cô ơi, em thay mặt các bạn tặng cô hoa này làm kỉ niệm". Đó là một bình hoa sống đời còn tươi rói. Tôi bất ngờ quá, cảm ơn các em, nhìn mặt các em đang rạng rỡ. Hoa sống đời về ý nghĩa thì bạn biết rồi đấy. Trường tôi có hai loại hoa khá được nhiều người yêu thích: Hoa xương rồng biểu tượng cho ý chí vượt gian khổ, và hoa sống đời biểu tượng của sự vĩnh cửu với thời gian.


6. Năm nay, tôi nhận được cùng lúc 2 chậu hoa rất đặc trưng của sư môn: Một là chậu hoa sống đời như đã nói ở trên, chậu thứ 2 là chậu hoa xương rồng, với lời chúc lãng mạn:

7. Và những tấm thiệp tự làm, cùng những lời cảm động từ học trò:
Nghe có từ xinh đẹp là mê rồi, hihi
Thiệp do các em tự làm, đẹp ghê đi
7. Tôi cũng nhận được khá nhiều quà của các lớp tôi dạy. Tuy nhiên, đối với tôi mà nói, những món quà đó không mang lại cho tôi sự thoải mái khi nhận, nhất là từ học trò của mình. Ngày nhà giáo là ngày để nhớ ơn các thầy cô đã dạy dỗ mình, nếu có cảm tình đặc biệt với thầy cô nào, các học trò nên dành thời gian đi thăm hỏi thầy cô đó, chứ không phải ngày này là ngày tặng quà. Hiểu như thế sẽ mất đi ý nghĩa của ngày đặc biệt này. Tôi biết có một số em nhà ở huyện rất khó khăn (tôi cũng từng như thế), tôi không muốn các em phải nhịn ăn, nhịn uống để đi mua những món quà tặng tôi. Tôi ví dụ mỗi học sinh trong lớp đóng 100 ngàn để mua quà tặng các thầy cô bộ môn đi, thực lòng mà nói, số tiền đó đối với thầy cô thì không nhiều, nhưng đối với các em, nhất là những em ở huyện xa, nhà khó khăn, 100 ngàn đó các em có thể ăn sáng được cả tuần. Vậy là thay vì được ăn bữa sáng, các em phải nhịn, vậy có đau lòng không???? Vô tình, lại giáo dục cho các em thói quen không tốt. Học trò, thương các em không hết, tôi sao lại nỡ lòng đi làm khổ các em trong những ngày này. Nếu hiểu cho tôi, các em chỉ cần học tốt, ngoan là tôi rất vui rồi, còn muốn lãng mạn thì tặng tôi những tấm thiệp tự làm hay những chậu hoa tự trồng là tôi rất thích. Tôi từ chối nhận quà thì các em lại thắc mắc: "Sao cô nhận chậu bông của lớp kia???". Tôi giải thích là chậu bông hay thiệp các em tự làm thì tôi rất vui khi nhận, các em lại giận dỗi bảo tôi thương lớp này, không thương lớp các em. Thế phải làm sao kia chứ??? Tôi dự định sang năm tôi phải dặn trước là không được tặng quà và phải cương quyết không nhận, chỉ nhận hoa tự trồng và những tấm thiệp tự làm thôi.


"Ăn xin Facebook" thời nay

Nguồn: http://vn.news.yahoo.com/10-%E1%BA%A3nh-hot-trong-ng%C3%A0y-tr%C3%AAn-facebook-012508759.html
Bức ảnh này được liệt vào những bức ảnh hot nhất trên facebook

Một người thầy!

Thầy không phải là thầy chủ nhiệm của tôi, nhưng trong danh sách những người thầy number1 của tôi, thầy đứng số 2,chỉ sau thầy chủ nhiệm của tôi mà thôi.

Chủ nhật, còn 2 ngày nữa mới tới ngày nhà giáo, nhưng tôi vẫn quyết định đến nhà thầy. Lí do đi thăm thầy vào ngày chủ nhật là vì cô bạn lớp trưởng của tôi chỉ có ngày chủ nhật mới về BH, còn lại ngày thường vẫn đi làm trên thành phố. Lí do nữa là chủ nhật chính là ngày sinh nhật của thầy, và lí do cuối cùng là tôi rất sợ đến nhà thầy vào đúng ngày 20/11. Ngày đó học trò cũ các lứa về rất đông, nếu như mọi năm là phải đứng chờ chết luôn. Tôi và cô bạn lớp trưởng quyết định đi ngày chủ nhật là thế.

Kí ức về thầy là lúc tôi vừa bước chân vào lớp 10, tôi ở kí túc xá, thầy khi đó là quản sinh kí túc xá và cả gia đình thầy sống trong đó luôn. Vì lẽ thế, mà tính tình tôi thầy hiểu rất rõ. Thầy dạy môn Lý, chuyên phụ trách về mảng thí nghiệm vật lý và có thể nói là người dạy thí nghiệm xuất sắc nhất của tỉnh tôi. Tuy nhiên, vì thầy chủ nhiệm của tôi là một nhân vật cực kì xuất sắc nên so với thầy chủ nhiệm của tôi, thầy có vẻ mờ nhạt hơn. Thời phổ thông có 2 sự kiện về tôi có liên quan tới thầy, mà cho đến bây giờ, mỗi khi bất chợt nghĩ lại chuyện đó tôi lại lăn ra cười một mình.

Sự kiện thứ nhất, ở kí túc xá thì học sinh chúng tôi thay phiên nhau trực ban trước cổng (để tránh tình trạng có người lạ vào), phòng trực ban giống như phòng bảo vệ trước cổng các công ty vậy đó. Thông thường một ca trực là một buổi, và một tháng thì tới lượt tôi trực một lần. Ngày hôm đó, tới lịch trực của tôi, mà tối hôm trước tôi thức khuya cặm cụi giải mấy bài lý đến 4h sáng mới ngủ, buổi sáng đi học, trưa về ăn xong cơm thì mắt tôi díu lại chỉ muốn ngủ một giấc. Tôi ôm cuốn sách ra phòng trực ban ngồi, buồn ngủ quá mà không dám ngủ, giờ trực ban mà ngủ bị thầy bắt được là sẽ bị gọi lên viết bản kiểm điểm vì tội vô trách nhiệm trong công việc. Đến 1h chiều thì tôi chợt thấy xe thầy chạy vù ra khỏi cổng kí túc xá, đang mệt, nghĩ rằng nếu thầy đi dạy thì cũng 4h mới về, tội gì không ngủ một giấc cho khoẻ (phòng trực ban có kê chiếc giường nhỏ cho những bạn nam ngủ tại phòng trực vào ca đêm, con gái chúng tôi chỉ trực ca ngày). Tôi mệt quá, nằm thiu thiu ngủ, không mở mắt nổi. Tôi hơi tỉnh khi nghe có giọng nói của thầy: - " Gọi con bé nó dậy" rồi sau đó nghe tiếng xe vù đi. Tôi mở mắt thì thấy một anh học lớp trên đang đứng trước cửa gọi tôi. Anh này còn nói là thế nào chiều về tôi cũng bị phạt nặng, vì trước đây anh ấy cũng một lần ngủ quên khi trực mà phải viết bản kiểm điểm và chạy 50 vòng quanh kí túc xá, sau đó là mời phụ huynh. Tôi nghe xong hình phạt thì tá hoả, vì biết chắc sẽ không thoát tội, trước tới giờ thầy xử phạt nghiêm lắm. Ý định cầu cứu thầy chủ nhiệm chợt hiện lên (thầy chủ nhiệm của tôi vốn có tiếng bênh học trò, bất kể đúng sai, học trò thầy mà người khác dám xử thì thầy không bao giờ khoanh tay ngồi yên, cho nên khi lớp tôi đi phá phách gì đấy thì các giáo viên khác thường không dám xử tại chỗ mà phải thông qua thầy chủ nhiệm của tôi trước). Nhưng tôi đành từ bỏ ý định đó, vì chiều nay thì tôi đã lên máy chém rồi, mà tới sáng hôm sau thì tôi mới gặp được thầy chủ nhiệm, hic hic hic nước xa không cứu được lửa gần. Cả buổi chiều tôi hì hục viết bản kiểm điểm trong tâm trạng lo lắng vô cùng, đó là bản kiểm điểm tôi viết lần đầu tiên trong đời. Tôi viết trước vì biết thế nào chiều nay thầy về mà chẳng phải viết, nên thà viết trước còn hơn. 5h chiều, thầy vừa về tới là tôi mang bản kiểm điểm qua phòng thầy nộp luôn. Tôi rụt rè bước vào phòng, run run nhìn thầy sám hối. Thầy đứng đó, khoanh tay lại và vẻ mặt rất nghiêm nghị làm cho chân tôi đi không muốn vững:
- Thưa thầy, con xin nộp bản kiểm điểm. - Tôi mở lời yếu ớt và đứng đó chờ đợi phán quyết
Thầy chiếu tia mắt nghiêm nghị vào tôi, một phút mà tôi cứ tưởng là một thế kỉ.
- Cất đi. - Thầy nói gọn, giọng ra lệnh, tôi nghe ù tai đi và thái độ còn ngạc nhiên gấp 10 lần. Nếu thầy phạt tôi chạy 50 vòng quanh sân, có lẽ tôi cũng không ngạc nhiên bằng lời thầy vừa nói.
Tôi không biết vì sao thầy lại tha tôi dễ dàng đến vậy, có thể là thầy sợ sẽ đụng chạm tới "Già làng" gàn dở - tức thầy chủ nhiệm của tôi, mà cũng có thể thầy biết tối hôm trước tôi thức khuya làm bài nên không tránh khỏi cơn buồn ngủ. Đám bạn cùng phòng với tôi ngạc nhiên lắm, coi tôi như là kì tích, còn tôi thì sau mấy ngày mới hoàn hồn, và tôi cũng không kể cho thầy chủ nhiệm tôi nghe chuyện đó vào giờ sinh hoạt lớp nữa.

Sự kiện thứ 2 là một hôm tôi nổi tính ba gai (thầy chủ nhiệm của tôi dạy rằng lâu lâu nên đổi khẩu vị chút, nếu ai chưa từng nghỉ học thì thử nghỉ 1 lần xem sao, nếu chưa từng quậy phá thì thử 1 lần xem sao, nếu ai sống quá hiền lành thì thử đanh đá 1 lần xem sao...Quan điểm của thầy tôi là để tăng cường khả năng sinh tồn và thích nghi thì không được nghiêng quá về 1 phía nào đó: vd: quá hiền lành, hoặc quá đanh đá đều không được), tôi làm đơn xin nghỉ học vì lí do ốm (thực ra tối hôm trước thức khuya học nên sáng hôm sau tôi mệt mỏi chứ không hề ốm). Cô bạn cùng phòng mang đơn của tôi lên phòng thầy kí rồi mang lên trường nộp dùm tôi. Tôi nghe cô ấy kể lại rằng, lúc kí đơn thầy có hỏi bạn ấy là tôi ốm thật hay ốm giả, để tối nay dạy xong ca cuối thầy sẽ ghé phòng tôi kiểm tra thử. Tôi nghe xong thì chột dạ, các bạn đi học hết rồi tôi ngồi ở nhà không ngủ được vì sợ cái án treo lơ lửng trên đầu, mất cả vui. Buổi trưa các bạn về, tôi không dám ló mặt lon ton đi ăn cơm, sợ thầy thấy tôi khoẻ như trâu thì lộ hàng hết. Một bạn mang cơm về phòng cho tôi, chiều hôm đó, lúc nào nghe tiếng xe thầy chạy về là tim tôi muốn rớt ra ngoài, tôi leo lên giường trùm mền kín mít và giả bệnh, nghe tiếng xe thầy đi là tôi ngồi dậy thở phào nhẹ nhõm. Tối hôm đó, tôi bệnh thật, bắt đầu lên cơn sốt, có lẽ vì sợ quá mà tôi bệnh luôn. 9h tối, sau khi thầy dạy xong ca cuối cùng thì thầy ghé qua phòng tôi. Tôi sốt mê man,  bàn tay thầy sờ lên trán tôi nóng hổi. Thầy vội vàng chạy về phòng và nhờ cô (vợ thầy) nấu cho tôi một tô cháo, rồi mang qua cho tôi kèm viên thuốc hạ sốt. Thầy lo lắng cho tôi không khác nào người cha có đứa con bị bệnh. Tôi ân hận vô cùng, suốt những ngày phổ thông sau sự kiện đó, tôi không hề nghỉ học thêm buổi nào nữa. Mặc dù, nếu tôi nghỉ 1 vài buổi thì thầy chủ nhiệm cũng sẽ không hề la mắng tôi, nhưng nghĩ tới người thầy quản sinh kí túc xá của mình, tôi lại chăm chỉ đến trường.

Tôi rời phổ thông, và gặp nhiều biến cố trong cuộc đời, không dám về gặp thầy. Thời tôi không có điện thoại, tôi ở sát bên mạn sườn thầy nhưng không dám vác mặt ghé thăm thầy, không biết làm thế nào thầy biết được tung tích của tôi và nhờ vợ bỏ cả ngày trời đi kiếm tôi, cô kiếm được tôi bắt tôi theo cô về nhà gặp thầy, và tôi bị thầy mắng một trận vì tội...ở gần mà không tới thăm thầy. Sau đó tôi đi xa xa một chút, đi làm vất vả, mua được chiếc điện thoại, không biết làm cách nào thầy cũng biết được số điện thoại của tôi và...gọi tôi về thăm thầy. Mỗi lần tôi về, thầy hay tìm hiểu tư tưởng định hướng của tôi, nếu tôi có ý nghĩ lệch lạc là chỉnh ngay, nhờ thế mà tôi trở thành người lương thiện như bây giờ, hehehe.

Sau thời gian sóng gió, tôi cũng ra trường, đi làm. Thầy biết tôi sắp ra trường liền điện thoại hỏi dự định của tôi. Tôi biết trong thâm tâm, thầy muốn tôi về sư môn dạy. Dĩ nhiên về sư môn là một mơ ước của tôi, vì bên mái trường kỉ niệm, tôi đã được nuôi dạy không những kiến thức, mà còn trở nên là một công dân tốt, biết ăn ngay sống thẳng, không làm những chuyện trái đạo đức lương tâm. Nhưng tôi có một cái khó, đó là sư môn tôi đều là những người tài giỏi, từ các sư phụ đến anh chị em đồng môn, tôi sợ mình sẽ không đủ sức để gánh vác công việc này. Tôi nói dối với thầy là tôi dự định xin việc ở thành phố, cho thầy khỏi bắt tôi về. Mặt khác, tôi lẳng lặng xin vài nơi ở tại BH, nói thực ra tôi không muốn sống ở Tp.HCM với cái không khí ngột ngạt xô bồ. Cuối cùng tôi cũng được toại nguyện, tôi xin được một trường ở BH, tôi dọn đồ về ngay, và dạy ở đó. Tôi ở sát sườn thầy, nhưng dĩ nhiên thầy không biết (tôi lấy làm khoái chí lắm). Được 6 tháng yên lành thì một hôm thầy gọi điện (tôi bất hiếu thật, thân làm học trò nhưng lúc nào cũng là thầy gọi điện hỏi thăm tôi chứ tôi chớ hề gọi. Tôi mang tâm trạng của đứa con tội lỗi, nhát gan không dám gọi chứ không phải là tôi không nhớ thầy đâu nhé). Lần này câu đầu tiên thầy không phải hỏi thăm tôi nữa, mà tuôn một tràng:-  " Về BH khi nào sao không nói thầy biết? Bây giờ qua đây gấp".

Nghe xong cú điện thoại tôi muốn độn thổ, hoá ra thầy biết tôi đang ở BH rồi, làm sao đây??? Tôi đến gặp thầy. Thầy ngồi trên chiếc ghế, tay khoanh lại, nghiêm nghị, y như gần 10 năm trước thầy chuẩn bị phạt tôi khi tôi phạm lỗi. Dù tôi đã lưu manh hơn xưa, nhưng tôi vẫn run run như một đứa con trót lầm lỗi khi bước vào cửa nhà thầy. Tôi tưởng thầy sẽ mắng (nhìn mặt thầy lúc đó là biết tôi sắp bị quát rồi) nhưng thầy chỉ nhẹ nhàng: - " Bên bộ môn thầy Q.H đang thiếu, giờ con không đi ngành Lý nữa nên không thể về bộ môn bên thầy, con về dạy hợp đồng cho trường đi. Năm nay bộ môn thầy Q.H không tuyển được người nào hết, mặc dù lượng hồ sơ nộp vào rất nhiều nhưng thầy Q.H lại không chọn được ai cả, cũng may thầy nghe được tin con về rồi, vậy là giải quyết ổn thoả, tưởng con còn ở Tp thì chịu thua, chứ về đây chẳng lẽ con không muốn về trường????". Tôi cúi đầu, im lặng.

Tôi định mở miệng từ chối thì thầy không cho, bảo cho tôi một tuần suy nghĩ. Nói thật, tôi nghĩ ngợi ghê lắm trong 1 tuần sau đó. Không phải tôi không muốn về trường, nhưng trường tôi trường chuyên, tôi lo mình không đủ sức. Tôi nào có phải là tài giỏi gì đâu, tôi chỉ là một đứa con bình thường bên cạnh những anh em đồng môn tài giỏi, tôi phải làm sao???. Vả lại, lương tôi lúc đó cũng không có bao nhiêu, tôi không đủ sống, tôi cứ phân vân hay là về trường dạy hợp đồng như lời thầy đề nghị nhỉ??? Tôi cuối cùng rồi cũng đồng ý. Về lại trường, khung cảnh xưa, kỉ niệm ùa về, mỗi ngày tôi bước chân vào cổng là một ngày sống trong kỉ niệm. Các anh chị em đồng môn cùng khoá hoặc cách tôi một hai khoá đều nhận ra tôi, biết tôi cũng là học trò cũ nên khá thân thiện, tôi dễ dàng hoà nhập lại trong không khí của sư môn hiền hoà, trong sư môn đa số giáo viên trẻ đều là những đứa con xuất thân từ trường. Tôi không biết rằng, tôi đã bị thầy dụ dỗ về lại trường bằng cách đó. Một đứa con cứng đầu như tôi cuối cùng cũng bị gô cổ về lại một cách tự nguyện.

Hôm nay, tôi và cô bạn lớp trưởng đến nhà thăm thầy. Mặc dù tôi hàng ngày vẫn gặp thầy trên trường, nhưng thời gian để tâm sự với thầy lại chẳng bao nhiêu, tôi thì cũng khá bận nhiều việc. Nửa năm rồi tôi mới đến nhà thầy, vẫn ngôi nhà xưa, nhưng nhà thầy có một cái mới: chiếc xe 7 chỗ. Các sư phụ tôi vốn có máu đi chơi (nhìn tôi là biết, tôi thừa hưởng máu giang hồ từ các sư phụ mà). Chiếc xe này là công cụ để thầy và gia đình đi lang thang khắp các miền đất nước. con gái thầy hiện đang học ở Phần Lan cũng là một tay mê đi phượt hết cỡ. Thầy đã lớn tuổi, sắp nghỉ hưu, dĩ nhiên không đi phượt xe máy như đám trẻ chúng tôi được rồi. Thầy còn rủ tôi đi về Vĩnh Long quê thầy trong dịp nghỉ sắp tới. Cô bạn lớp trưởng thì khỏi nói, cô ấy và chồng (2 vợ chồng cô bạn lớp trưởng tôi cũng từng học trong trường ra) cũng máu me đi chơi, mà đi chơi theo kiểu giang hồ bụi phủi, phải nói là nhiều nơi trong nước ngoài nước 2 vợ chồng họ đều mò tới được, nghe cô ấy kể các nơi đã đi mà tôi cũng sợ, bởi tính ra tôi đi ít hơn họ mấy trăm lần.

Chúng tôi trò chuyện với thầy, lâu lâu lại bị ngắt quãng, vì học trò cũ về thăm thầy khá đông. Hôm nay chưa phải là ngày nhà giáo, chứ nếu đúng ngày, có khi ngồi chờ cả tiếng mà chưa tới lượt tôi được vào thăm thầy. Thỉnh thoảng có khách, tôi lại chạy ra mở cửa, có lần thầy nhờ tôi mở cửa mà buột miệng: " Vân, con chạy ra mở cửa dùm ba". Thì ra trong thâm tâm thầy, tôi giống như một đứa con, chứ không phải chỉ là một học trò. Tôi còn nhớ, hồi tôi học lớp 11, có quản sinh khác tới thay thầy, thầy dọn về ngôi nhà mà hiện giờ thầy đang sống. Ngày nhà giáo năm đó, tôi cũng lọt tọt đạp xe từ kí túc xá đến nhà thầy định thăm thầy, tới cổng mới thấy đang có rất nhiều các anh chị cựu học sinh đứng chờ xếp hàng dài. Nhà thầy đang ăn cơm tối, vì thầy phải tiếp các học trò từ sáng đến tối vẫn chưa được ăn gì. Thấy tình hình đó, tôi nghĩ thầm là có chờ đến khuya cũng chưa tới lượt mình, nên lặng lẽ quay xe định về. Ai ngờ em gái thầy chạy ra cổng, mở cửa và gọi tôi vào (mấy chục học trò đang đứng đó, nhưng chỉ mình tôi được gọi vào thôi). Thầy lấy chén bảo tôi ngồi ăn cơm cùng gia đình và giải thích vội với tôi rằng do học trò đông quá nên từ sáng giờ thầy chưa hề được nghỉ một phút để ăn cơm. Thầy gắp thức ăn cho tôi, trong đó, lần đầu tiên tôi được ăn món chế biến từ heo rừng. Thầy ăn vội chén cơm, tiếp tục ra tiếp học trò, tôi ngồi lại ăn cơm cùng với vợ thầy và em gái. Ngày hôm đó, tôi rất ngạc nhiên vì sao tôi lại được ưu ái đến vậy.

Lần này về gặp thầy, tôi còn được thầy training và giảng giải cho tôi một số kiến thức, quan điểm sống, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Thầy sợ rằng, trong môi trường và nhịp sống như hiện nay, những người trẻ chúng tôi tâm lí không vững, dễ bị đồng tiền và quyền lợi làm lưu mờ đi đạo đức nghề nghiệp. Thầy còn dạy tôi không bao giờ được tự ti hèn nhát, có thể tôi không được xuất thân cao quý hay giàu sang như những người khác, nhưng tôi không được khiếp sợ hay tự ti, vì những điều đó không đánh giá được gì cả, họ giàu có, hay quyền cao chức trọng chưa chắc đã là do bản thân họ tự tạo nên, một bộ phận không nhỏ nhờ dựa dẫm mà có. Thầy dạy tôi phải biết tự tin nơi bản thân mình, dù rằng so ra tôi không bằng ai trong xã hội, nhưng ít ra tôi đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, tự đi làm kiếm tiền và lo cho bản thân ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn mà không hề dựa vào gia đình (nhà tôi rất nghèo, nên hồi đó nuôi tôi đi học đại học là điều rất khó khăn đối với gia đình tôi). Tôi từng đi làm rất nhiều việc để có thể tự lo cho mình từ hồi còn là học sinh phổ thông. Tự dưng thầy kể chuyện quá khứ đó của tôi ra để cho một đàn em của tôi đang học đại học làm gương. Tôi thấy xấu hổ quá, vì tôi có phải tài giỏi gì đâu, chẳng qua do hoàn cảnh mà tôi phải chịu khó thôi. Còn sư đệ của tôi thì thành tích học tập rất đáng nể vô cùng.

Lời thầy dạy, tôi xin giữ cho riêng mình mà không kể chi tiết được. Tôi vẫn hiểu rằng, dù cuộc sống của tôi có chật vật và đồng lương có khiêm tốn đến đâu, tôi vẫn phải giữ được đạo đức ngành giáo, cũng là giữ lòng tự trọng cho mình. Phương pháp thầy giáo dục có khác thầy chủ nhiệm tôi, nhưng thực ra, hai thầy rất giống nhau về quan điểm.

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Bỗng chốc



"Bỗng chốc bạn nhận ra rằng có một sự khác biệt tinh tế giữa việc giữ chặt một bàn tay với việc trói buộc một tâm hồn

Rằng những ngày nắng mang đến nỗi buồn không kém những chiều mưa...

Và bạn học được cách ngẩng cao đầu, chấp nhận thất bại như một người lớn chứ không phải khóc lóc như một đứa bé…"

Đó không  phải là những lời nói của tôi, mà là những lời tôi đọc được trên báo cách đây đã rất lâu, bây giờ, tâm trạng tôi đang buồn man mác vậy đó.

Bỗng chốc thấy mình trưởng thành, thấy mình có thể chịu đựng được nỗi đau, thấy mình mạnh mẽ, tự tin, và quan trọng, thấy mình chọn đúng con đường đã đi và không bao giờ hối hận. (cái này là lời của tôi, hehehe)

Bỗng chốc chợt nhận ra rằng cuộc sống vẫn đáng yêu, ta không nên phí những thời gian quý báu cho những việc vô bổ như: Yêu người không yêu mình, lo tham công danh chức vụ, tham giàu... Những cái đó rồi cũng qua nhanh, đời người vốn là thế. Đến chết  thì giữa người quyền cao chức trọng và bình dân, giữa người giàu và người nghèo... cũng chỉ khác nhau là mộ người này to hơn mộ người kia mà thôi, nhưng cuối cùng mọi người vẫn phải đến cái chết.

Bỗng chốc buổi chiều cuối tuần trở nên hâm, viết vài dòng tuỳ bút.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Vì sao tôi phát cuồng vì Nguyễn Đức Quỳnh Dung?

1. Học giỏi: Cái này thì chị ấy quá ok rồi, miễn chê, miễn bình luận.

2. Giản dị: Nhìn chị ấy với tác phong:
Với 2 bộ đồ,
và chiếc ba lô,
cộng chiếc xe thồ,
chở rất nhiều đồ,
ta đi giang hồ,
bốn bể xô bồ...

Đấy đấy, là tôi mê ngay.

3. Tự tin: Thỉnh thoảng tôi thấy chị ấy viết rằng chị ấy xinh đẹp, chị ấy tự tin và hài lòng với chính bản thân mình. Nhiều người, có thể là có chút nhan sắc nhưng luôn không hài lòng vì một chút khiếm khuyết nào đó của cơ thể. Cho nên, tôi cũng thích cái sự tự tin của chị ấy nốt.
Một antifan chém chị ấy với những lời lẽ như sau: "...Cũng may là bà xấu hoắc, chứ bà mà đẹp đẹp chút là đã bị bán từ lâu rồi đó. Tui nghĩ phải có người dám nói thật thì bà mới tỉnh...". Tôi đọc mà vừa buồn cười vừa tội cho cái tên đó, đẹp đâu phải chỉ có gương mặt đẹp là được. Thi hoa hậu người ta còn chấm cả phần tài năng của thí sinh mà. Nghĩ mà tội cho những người chỉ biết cái đẹp hạn hẹp là có chút nhan sắc, cũng tội cho những người có chút nhan sắc là tưởng mình đẹp. Cái đẹp hình thức phải đi chung với cái đẹp trí tuệ nữa cơ, nếu chỉ đẹp hình thức, khác nào quạ đen khoác áo lông công????

4. Bản lĩnh: Con trai đi giang hồ một mình còn sợ, huống chi con gái. Chị ấy rất bản lĩnh khi xử lí tình huống, cộng thêm sự khôn ngoan, cái đẹp cá tính của chị ấy không phải ai cũng có thể cảm nhận được, nó toát từ bên trong toát ra, chứ không chỉ đơn thuần là một người đẹp theo những nghĩa rất hẹp.

5. Chịu khó: Cái này là dĩ nhiên rồi, đi giang hồ vất vả, dãi nắng dầm sương, ăn cực ăn khổ, ngủ bờ ngủ bụi chứ không phải hưởng thụ như mọi người nghĩ đâu (dĩ nhiên cũng có cái sướng của việc đi bụi), thậm chí đi bụi dài ngày như chị có thể ăn uống bị thiếu chất nữa đấy. Đôi khi nhìn chị ấy da cháy nắng nghĩ mà thương, dù vậy chị ấy vẫn nở  nụ cười mãn nguyện trên gương mặt làm tôi cũng thấy vui.

6. Giang hồ: Chị Quỳnh Dung đi giang hồ cũng ngang cơ nhân vật Hoàng Dung của Kim Dung rồi (có điều chưa thành bang chủ cái bang như H. Dung thôi), hihihi. Gọi 3 người Dung này là tam Dung nhỉ????

Tóm lại, tôi đang phát cuồng vì chị ấy!!!!!!!!!!!!!!!

(Nguyễn Đức Quỳnh Dung : blogger Thichdibui.blogspot.com )

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Linh tinh một ngày

Hôm nay, không thấy hắn lên khoa tôi cũng chẳng thèm để ý, vì trong lòng đã có chủ trương delete hắn rồi. Nhưng khi nghe bác trưởng khoa bảo hắn bị đau mắt hột thì cũng còn chút xót thương trong lòng. Nghĩ tới hồi tôi bệnh hắn và bạn bè tới thăm, vậy mà lúc hắn bệnh tôi làm ngơ cũng không đành lòng, cuối cùng rồi cũng dại dột đi gọi điện. Nếu tôi cứ vậy làm sao mà delete hắn được chứ, ngu ơi là ngu!!!!

Một cô bạn tôi quen khi đi giang hồ bên Thái gửi tin nhắn qua Facebook với nội dung:
Hà hà, bà tám Leata này chắc xem được mấy tấm hình tôi chụp chung với hắn trên facebook nên...định hớt tí chuyện đây mà. Hồi đi Thái tôi có lôi 1 tấm hình thẻ tôi chôm chỉa được của hắn cho cô bạn này coi nên nhìn mặt quen  bà ta nghi ngờ tợn là tôi đang yêu đương gì đấy. Bạn bè tôi khi coi hình trên facebook cũng nhắn tin hỏi ầm ầm là ai thế (Tôi vốn ít chụp hình chung với con trai, nên dân tình dễ sinh nghi lắm). Thật là tức, có tiếng mà không có miếng!!! Bây giờ làm sao còn làm ăn gì được nữa, dại ơi là dại.

Hôm nay tự nhiên thấy mệt, tư tưởng hơi mông lung, sắp tới cần hoàn thành nhiều kế hoạch cho cuộc sống sau này, nên có hơi ngẫm nghĩ. Đang cần sự trợ giúp của 2 cậu em trong một số việc, nên gọi điện về nhà.  Trái tim đã không còn thấy đau, vì đã đau quá nhiều.

Mưa lâm râm, mát mẻ, buồn. Mặc chiếc áo dài nổi bật trên sân trường, ôm chậu hoa sống đời mà học trò vừa tặng, tự nhiên thấy mình xinh. Nhận được lời khen của học trò: "Hôm nay cô đẹp quá".

Đi gặp sư mẫu nhờ tư vấn tình cảm, vì có chút khó nghĩ trong lòng, sau khi nghe tư vấn xong thấy vô cùng thoải mái. Không dám đi gặp sư phụ, sợ sư phụ sẽ thất vọng về đứa con yếu đuối này.

Không có gì là không thể, cố gắng làm việc chăm chỉ mỗi ngày, để anh không còn quan trọng và hiện diện trong tâm trí nữa. Hôm nay, mình biết là mình làm được.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Dại !!!

Đàn ông và phụ nữ đều dại dột như nhau trong chuyện tình cảm, và sự dại dột đó đều không mang lại hạnh phúc cho họ. Đó là kết luận của tôi khi quan sát nhiều trường hợp. Có thể những điều tôi quan sát không hẳn hoàn toàn đúng (tôi có phải là chuyên gia trong chuyện tình cảm đâu mà hôm nay đi bàn chuyện tình cảm nhỉ???) Thế này thì Shakespeare cũng phải sống dậy mất thôi. Hahaha

Sau đây là những cái dại của phụ nữ mà tôi thấy được:
1. Cả tin: Phụ nữ thường cả tin hơn đàn ông, cho nên đàn ông nói gì phụ nữ thường tin nấy. Họ ít khi biết được rằng, tiềm năng trời ban cho họ chính là sự nhạy cảm, vậy mà họ rất ít khi dùng đến. Để sống hạnh phúc hơn, phụ nữ nên tin vào trực giác của mình hơn là tin ở lời nói đàn ông.
2. Cam chịu: Phụ nữ phương tây thì tôi không biết, phụ nữ Châu Á thường có tính cam chịu. Họ thường để người đàn ông của mình bắt nạt và cam chịu sự bắt nạt đó. Khi vừa mới bắt đầu yêu, họ đã thường phải chiều chuộng người yêu nhiều hơn cái họ nhận được, vậy mà họ vẫn làm việc đó một cách tự nguyện mà không biết rằng, họ đang tự đào mồ chôn chính họ trong cuộc sống tương lai nếu tiến tới với những người đàn ông ích kỉ đó. Đàn ông thường không thoả mãn những gì họ đang có.
3. Dựa dẫm: Thói quen dựa dẫm của phụ nữ ở chỗ hay thích kiếm người đàn ông giàu có để có tương lai ổn định và một cuộc sống giàu sang cho mình, thậm chí các cô hay nhìn bề ngoài mà không chịu khó nhìn kĩ xem nhân cách anh ta có đáng tin hay không, có khả năng mang lại hạnh phúc thực sự cho mình hay không??? Điều này thể hiện càng rõ nét hơn ở những cô chân dài não ngắn và có chút nhan sắc, cộng thêm tính tình thích chưng diện. Họ không biết rằng, nếu chẳng may người đàn ông giàu có họ lấy, nhưng không yêu vô tình bị phá sản chẳng hạn, họ còn sống với người đó được cả đời nữa hay không. Sao không độc lập một chút và tập thói quen tự lo cho mình nhỉ???
4. Im lặng: Phụ nữ hay giữ im lặng về người họ yêu như một điều bí mật, thế nên mới có chuyện, một chàng trai cùng lúc tán tỉnh hai cô gái ở chung phòng với nhau mà hai cô này đều không hay biết, 2-4-6 đi với cô này, 3-5-7 đi với cô kia. Thực ra nếu hai cô chịu tâm sự với nhau thì đâu đến nỗi, ở đây chàng trai đó đã khai thác triệt để yếu điểm của phụ nữ, đó là kín đáo về chuyện tình cảm. Còn đám con trai, nếu đang tán ai, các anh bạn đều được biết một cách rõ ràng chi tiết, và họ thường chia sẻ vấn đề riêng tư với nhau nhiều hơn, thế nên nếu có xảy ra cạnh tranh thì cũng công bằng và trực diện. Tôi hay chơi với đám con trai, mấy thằng bạn thân vì sợ tôi gà mờ nên chỉ chiêu này cho tôi phòng thân đấy. Con gái đừng dại như thế nhé.

Và những cái dại của đàn ông:
1. Ham của lạ: Thấy con gái, đặc biệt là gái đẹp thì bay vào ngay. Họ không chịu dành một phút suy nghĩ xem hoa đẹp có độc tố hay không. Những vụ tan cửa nát nhà, vợ chồng li dị, con cái thiếu cha /mẹ thường có xuất phát rất nhiều từ tính trăng hoa của đàn ông. Làm sao để biết được anh ta có tính trăng hoa hay không, hãy nhờ một cô gái xinh đẹp thử anh ta. Phụ nữ trước khi chọn đối tượng hãy suy nghĩ thật kĩ về những người có tính này, và hãy nghĩ thật kĩ xem bạn có đủ bản lĩnh để chèo chống mái ấm gia đình qua những cơn sóng gió nếu có ý định đi xa hơn với người như thế không nhé. Tôi thì tôi không đủ sức làm công việc đó rồi, gặp dạng này tôi rút êm cho được việc.
2. Khôn lỏi: Đàn ông là chúa hay khôn vặt. Họ không như phụ nữ, phụ nữ thường ngu ngốc và yêu chết một người, còn họ đang yêu đương cô này vẫn nghĩ đến chuyện đi tán tỉnh cô khác. Vậy mới có chuyện một khi sự việc vỡ lỡ ra, các cô tan nát cõi lòng, thậm chí có cô còn ngu ngốc mở đường cho tên họ Sở đó quay về với mình. Nếu bạn đang là nạn nhân của mớ hỗn tạp đó, hãy thoát nhanh lúc còn kịp. Ở đời không thiếu người hiền đức, tại sao phải cun cút dâng mình cho người không thực sự xứng đáng??? Vậy đàn ông khôn vặt có dại không? dại quá đi chứ, vì họ chẳng bao giờ tìm được những cô gái khôn ngoan và có tấm lòng thực sự. Các cô khôn ngoan sẽ bỏ của chạy lấy người vì các cô đủ khôn để nhìn thấy tương lai phía trước. Những người đàn ông khôn vặt nếu không gặp loại con gái ngu ngốc, dại dột thì cũng gặp loại ma mãnh, xảo quyệt, vì những đối tượng đó mới "đủ gan" để sống với họ.
3. Gia trưởng: Đàn ông phương Tây thì tôi không biết, đàn ông Châu Á nói chung là có tính gia trưởng, không ít thì cũng nhiều. Hiếm có anh nào chịu khó vào bếp phụ vợ rửa chén, lặt rau... Họ không biết rằng, hạnh phúc chính là nhận tình yêu của ai đó, và cho đi tình yêu của mình. Nếu họ cứ tiếp tục nhận mà không cho, một ngày nào đó, tình yêu sẽ không còn giá trị như ban đầu của nó, và sự sụp đổ sẽ đến khi có người đàn ông khác đối xử galang với người phụ nữ của họ.
4. Quan trọng: Đàn ông quan trọng sự nghiệp, đối với họ, lấy ai không quan trọng bằng tiến thân như thế nào. Cho nên mới có chuyện, lo sự nghiệp trước, rồi lấy vợ sau, có sự nghiệp rồi thiếu gì gái đẹp nó lấy. Nếu bạn phát hiện ra đối tượng bạn đang có xu hướng đó thì hãy suy nghĩ lại một phút xem nhé. Coi chừng sau này sẽ ân hận suốt đời vì bạn chẳng quan trọng gì đối với anh ta cả, không có bạn anh ta cũng sẽ cưới cô khác thôi. Chuẩn bị tâm lí còn bỏ chạy, nếu bạn là một cô gái khôn ngoan.
 5. Đẹp: Con gái đẹp nguy hiểm thì đàn ông đẹp càng nguy hiểm hơn, vì họ ý thức được bản thân họ "giá trị" như thế nào. Hiếm (hiếm thôi nhé, chứ không phải là hoàn toàn không) có người phụ nữ nào sống hạnh phúc suốt đời với một người đàn ông đẹp nếu không cam chịu nhịn nhục để anh ta ra ngoài trăng hoa lá...

Haizzz, sau mấy tháng nghiên cứu tình yêu mới phát hiện nhiêu đó thôi, đúng sai chưa biết, nhưng đó là kinh nghiệm của tôi tích góp được.


Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Bún măng vịt

Thứ 7 đi dạy buổi sáng, buổi chiều tôi đi chấm thi văn nghệ từ 1h30 đến 7h tối mới được về. Tôi lăn ra ngủ không biết trời đất là gì. Sáng chủ nhật thức dậy cơ thể mệt mỏi, lại cúp điện nên không làm việc được. Thôi thì tận dụng thời gian rỗi nấu ăn tẩm bổ vậy.

Để làm món bún này thì cực nhanh. Bạn chỉ cần mua ít măng, thịt vịt và một bộ lòng cùng ít gia vị là có ngay một tô bún ngon lành.

Nhân tiện thấy quýt ngon, tôi mua luôn về ăn, vì không phải ai cũng mua quýt tươi ngon thế này với giá tôi mua đâu nhé, tôi tham khảo tất cả các nơi giá khoảng 30-35 ngàn/kg, nhưng tôi mua chỉ 22 ngàn/kg thôi. Vì sao tôi mua được vừa tươi ngon vừa rẻ ư??? Quan sát, quan sát và...quan sát :)


Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Những đứa con trường chuyên

Tôi không biết những trường chuyên của các tỉnh khác như thế nào, có khác học trò trường tôi hay không. Nhưng ở trường tôi, qua bao thế hệ học trò, năm nay trường tôi bước vào tuổi 18 trưởng thành, tôi có một chút những nhận xét về trường tôi (sư môn) như sau:

1. Học giỏi: Đã bước chân vào trường chuyên điều đầu tiên là phải học giỏi, có thể không phải là cực kì xuất sắc, nhưng cái khoản học hành phải rất ok. Cộng thêm môi trường học hành và cường độ làm việc cao độ để giữ thế thăng bằng, nếu bạn không học, bạn sẽ mãi mãi bị bỏ lại, vì thế nhiệm vụ hàng đầu của học trò trường chuyên muôn thuở vẫn là học nữa, học mãi.

2. Cá tính: Chúng tôi là những lứa học trò đầu tiên, nhận được sự đào tạo của các sư phụ, sư mẫu là những người thầy, người cô tốt nhất trong tỉnh, ngoài việc học dĩ nhiên chúng tôi còn được thầy cô rèn luyện cả tâm hồn, tính cách, tính thích ứng và khả năng sinh tồn... Con người dĩ nhiên ai cũng biết sợ, nhưng không được sợ hãi trước những sự sai trái, vì như thế sẽ là hèn nhát. Ngoài cái chung, chúng tôi có phong cách riêng nên không lầm lẫn và đâu được. Dù là công việc hay tình cảm, phải để chúng tôi tự nguyện  và tâm lí thoải mái, chúng tôi tự biết nhiệm vụ của mình, nếu hành xử với chúng tôi theo kiểu hầm hố và bức tử, chúng tôi không thèm làm đâu.


3. Nghệ sĩ: Không phải chỉ có lớp chuyên văn mới có tính nghệ sĩ, mà hầu hết học trò trong trường đều có cái máu đó. Nếu không làm thơ, thì cũng đàn hát nghêu ngao như những người nghệ sĩ nghiệp dư phiêu bạt lãng du, thậm chí có người còn biết múa ba- lê nữa. Học trò trường tôi khá nhạy cảm với cái đẹp và biết cảm nhận cái đẹp của nghệ thuật, khá nhiều người biết chơi đàn, còn hát thì ai cũng hát nghe được. Người tệ tệ như tôi ít ra làm được vài bài thơ con cóc. Trường hợp cá biệt, có em còn nổi tiếng trên cộng đồng mạng vì máu nghệ sĩ nữa đấy. Đây là 1 ví dụ nhỏ về máu nghệ sĩ của học trò trường tôi, các em ngồi ở góc thư viện hát, hai em này là cựu học sinh 12 chuyên Lý, con nhà tự nhiên nhưng rất nghệ sĩ:



4. Xinh đẹp: Ngày thường bận học xù đầu xù cổ nên các học sinh ăn mặc giản dị, bụi phủi xấu xấu bẩn bẩn và ít quan tâm đến dung mạo của mình, nhưng chỉ cần có lễ hội hay các cuộc thi văn nghệ, các em như từ vịt hoá thành thiên nga xinh đẹp. Một số người bảo học trò trường tôi nhìn mặt mày trông ...đần đần thế nào ấy. Xin lỗi nhé, làm ơn nhìn kĩ lại đi, các em có cái đẹp trí thức mà không phải cô chân dài óc ngắn nào muốn có cũng được như thế đâu. Tôi công nhận có nhiều người nhìn đã thấy đẹp, nhưng không phải là vẻ đẹp của trí thức sáng sủa, nên những người đó nếu được thiên hạ khen là đẹp cũng không hợp khẩu vị với sư môn của tôi.

5. Biểu lộ tình cảm: Sư môn tôi nổi bật 2 cách biểu lộ tình cảm, một là nhẹ nhàng e lệ, còn trường hợp kia là lãng mạn hầm hố. Mẫu người như tôi thuộc dạng yếu bóng vía, khá e lệ khi thể hiện, nhóm người thuộc tuýp tôi là quan sát và biểu đạt, đòi hỏi người đối diện phải nhạy cảm. Nhóm còn lại, đang có xu hướng ưu thế của trường tôi là lãng mạn và hầm hố. Thời đi học, tôi bị một phen suýt tắt thở vì cái thằng bạn nối khố chặt nguyên một cành phượng lớn chở trên chiếc xe đạp mang lên lớp tặng tôi. Hay trường hợp cô bạn lớp trưởng dáng người có chút xíu phải "vác" một bó hoa to ngang bằng bạn ấy về nhà trong ngày sinh nhật của mình. Biểu đạt tình cảm với thầy cô cũng vậy, có em ngại chỉ chúc thầy cô được vài câu rồi bỏ chạy, có em bạo dạn thì làm một bữa hoành tráng thật shock (VD: Học trò chúc sinh nhật cô chủ nhiệm )

6. Quậy nhưng không phá: Học trò trường tôi không phải là những con gà mờ chỉ biết học, các em cũng rất hồn nhiên và trong sáng, cũng rất tinh nghịch, nhưng các em không nghịch dại, phá phách và gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì đơn giản, các em ý thức được việc mình đang làm, ngoài ra còn một lý do vô cùng quan trọng: bảo vệ danh tiếng cho trường. Con nhà danh môn chính phái thì không được làm mất tiếng tăm sư môn bao thế hệ đã xây dựng.

5. Tính đồng môn: Chúng tôi luôn được các thầy cô dạy về tính đoàn kết: "Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Thế hệ trước và thế hệ sau có sự liên kết, sợi dây vô hình nào đó gắn bó chúng tôi lại với nhau. Hồi tôi đi học, các anh chị khoá trước ra trường trở về thăm vẫn thường hay dặn: "Giữ liên lạc để có gì khi các em lên thành phố học đại học các anh chị sẽ hỗ trợ". Nếu hai người học cùng trường và cách nhiều thế hệ không biết nhau, chỉ cần phát hiện ra đồng môn thôi thì sẽ khác liền. Hồi tôi học đại học, một hôm được 1 thầy bộ môn dẫn cả lớp đi chơi, thầy đối xử với tôi cũng bình thường như các bạn khác. Hỏi ra mới biết thầy học khoá 01 của trường, tôi học khoá 05, cách nhau xa vậy không biết huynh muội đồng môn là dĩ nhiên, nhưng sau khi biết "người nhà" rồi thì khác hẳn ngay, tôi gặp nhiều trường hợp vậy lắm. Tuy nhiên, đối xử khác có nghĩa là thân thiện, hay giúp đỡ và chia sẻ nhiều vấn đề cá nhân hơn, chứ không có nghĩa là nâng điểm cho tôi đâu nhé. Nếu là dân trường tôi thì hầu như ai cũng ghét việc gian lận điểm chác cả, tiêu chí là cạnh tranh công bằng. Bạn bè thân của tôi, đa số đều là bạn bè cùng lớp cấp 3. Chúng tôi giống nhau về những nét tính cách lớn, thậm chí gu ăn uống và thưởng thức nghệ thuật cũng tương đồng nhau.

6. Tình thầy trò: Học trò trường tôi khi nói về các thầy cô của mình, điều đầu tiên đó là: rất tâm lí. Chúng tôi được sự giáo dục của các sư phụ lão làng nên các sư phụ tâm lí là phải, thế hệ sau đó được sự giáo dục của những thầy cô trẻ hơn, đa phần là các thầy cô trẻ đều từng là học trò cũ của trường nên tâm lí nốt, thừa hưởng từ sự giáo dục của các sư phụ mà. Để ý mới thấy trường tôi ngộ lắm, không có nhiều thế hệ, mà chỉ có 2 thế hệ chính: một là các giáo viên lão làng, quy tụ những người giỏi nhất tỉnh về trường từ khi trường mới thành lập, thế hệ kế tiếp là thế hệ cựu học sinh về trường dạy. Hiện nay các sư phụ lão làng đã và sắp nghỉ hưu gần hết (thầy chủ nhiệm của tôi đã nghỉ hưu cách đây 10 năm), cho nên thế hệ giáo viên trẻ chiếm đa số, đa phần là cựu học sinh nên tình cảm gắn bó với trường cũng thắm thiết không kém thế hệ khai quốc công thần là các sư phụ. Ở trường tôi, tình cảm gắn bó theo kiểu gia đình. Các sư phụ lão làng như là người cha, người mẹ, nên mỗi khi cần gì, chúng tôi hay hỏi ý kiến tư vấn của các sư phụ. Còn các anh chị em đồng môn thì rất thân thiết, không hề xảy ra việc đụng chạm hay mất đoàn kết nội bộ. Chúng tôi cũng không có cái kiểu tranh giành mấy cái chức vụ như một số nơi vẫn hay xảy ra, thậm chí còn sợ mấy cái việc bận rộn đó vướng chân con đường học hành nữa. Quyền lợi và công việc thường san sẻ đều cho nhau. Đặc biệt là luôn động viên nhau học lên, trong cùng  bộ môn, nếu người này đi học thì những người khác thường vui vẻ gánh luôn phần việc cho người đi học mà không câu nệ, người học xong thì gánh phần việc cho người khác tiếp tục đi học... Đơn giản, chúng tôi cùng là những đứa con của trường.

Trường tôi không chỉ là một ngôi trường, mà còn là ngôi nhà để những đứa con trở về, để được đón nhận vòng tay yêu thương từ các thầy cô. Tôi không biết tôi sẽ làm việc trong bao lâu tại trường, vì cuộc đời vốn không ai biết trước, nhưng tôi cũng muốn cống hiến một khoảng thời gian nào đó ở trường, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và uốn nắn tính cách cho tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì môi trường làm việc, có các học trò giỏi ngoan, có các sư phụ tài giỏi, có các anh chị em đồng môn thân thiện, biết nhường nhịn nhau như một gia đình. Ở trường, tôi không có cảm giác lạc lõng, không sợ bị người khác nhìn ngó như sinh vật lạ vì tính cách khác biệt, vì trường tôi các anh chị em có tính cách khá giống nhau, dễ thông cảm cho nhau cái mà người khác không hiểu được.

Học trò làm loạn

Sáng thứ năm tuần vừa rồi, giờ ra chơi có một chút lạ khi học trò túa ra sân và đứng chờ điều gì đó. Tôi thấy lạ, gọi 1 em lại hỏi thì các em kéo tay tôi đứng lại và dụ dỗ tôi đứng xem chung với các em. Tôi thấy ngại nên đi vào phòng giáo viên, nhưng cũng len lén nhìn ra xem thực ra là chuyện gì. Một lúc sau các em ra sân và bắt đầu nhảy theo kiểu Kang Nam, để chúc mừng sinh nhật cô giáo chủ nhiệm X. Lý. Sư tỷ của tôi, Xuân Lý là gv chủ nhiệm lớp 12 sinh. Sư tỷ thuộc thế hệ học trò cũ của trường, khoá đầu tiên. Ngày hôm đó, các em đã rất cố gắng để bày tỏ tình cảm với cô của mình bằng một món quà giản dị pha lẫn nét khủng bố. Đó là đặc điểm rất đáng yêu của học trò trường tôi.



Xem xong đoạn video trên mạng, có học trò hỏi tôi rằng : "Cô ơi, cô có muốn sinh nhật cô sang năm tụi em tổ chức như vậy không cô???". Tôi tá hoả, và mỉm cười cầu tài, ráng nặn ra nụ cười dễ thương nhất mà trả lời học trò rằng: "Thôi, tha cho cô với, em hãy quên ý tưởng đó đi". Hehehe

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Hiệp khách và trăng


Trăng tròn như chiếc nón
Núp sau hàng cây xanh
Đêm về trong gió lộng
Hiệp khách rối tơ lòng.

Bầu trời đêm xanh trong
Ánh trăng vàng dịu mát
Ôi mùi hoa thơm ngát
Lạc vào đêm trăng thanh.

Cuộc sống vốn mong manh
Sinh ra làm phận gái
Thân yếu gầy mảnh mai
Nhưng lại thích ba gai.

Trăng về đêm đẹp quá
Chiếu soi đường cô liêu
Anh còn trong kỉ niệm
Bên nhau một buổi chiều!

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Phát hiện ra thằng bạn lớp kế bên đi bụi thứ dữ

P.H.N là một người bạn học cùng khoá thời phổ thông với tôi, tôi chỉ biết bạn ấy chứ không chơi chung. Hồi phổ thông tôi chỉ thích chơi với các bạn trong lớp tôi thôi. Bạn này học bên lớp chuyên Tin -  hàng xóm kế lớp tôi, bạn có  thành tích học tập thời đi học khá nể, và cũng có tiếng số má trong giới tin học hiện nay.

Từ khi đi bụi, tôi có hay lang thang lên mạng đọc các bài viết du lịch bụi, phát hiện ra ông tướng "rù rù" chỉ biết học này liều hơn tôi tưởng. Bạn ấy cầm 4tr đồng VN mà dám đi bụi xuyên Đông Dương, tôi cũng phát sợ. Đặc biệt khả năng viết lách của ông ta cũng good quá chừng. Ai bảo học trò trường chuyên chỉ biết học? Mấy bạn cùng lớp với tôi cũng toàn đi chơi thứ dữ, nhưng các bạn ấy lại không có thói quen viết blog và thường chỉ up hình lên fb chia sẻ với bạn bè thân thôi.

Mà hình như sư môn của tôi có máu đi giang hồ hay sao ấy, bạn P.H.N có viết rằng đi bụi giúp bạn ấy có cảm giác như là một " lãng tử phiêu du chốn giang hồ". Cái này là do máu đi giang hồ của các sư phụ để lại nè, heheheh...

Chia sẻ link blog của bạn ấy nhé:
http://www.ngonpham.com/2007/02/i-bui-xuyen-ong-duong-2-giac-mo-hien_4747.html
http://www.ngonpham.com/2007/02/i-bui-xuyen-ong-duong-3-tren-at-lao_5631.html
http://www.ngonpham.com/search/label/travel?updated-max=2007-08-12T09%3A17%3A00%2B07%3A00&max-results=4


Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Đường dưới chân ta (nhạc phim Tây Du kí)



(Đây là bài hát mà tôi thích đến nỗi nghe hoài không chán, thích hợp cho dân giang hồ)
Anh quẩy hành lí, tôi dắt ngựa
Đón mặt trời mọc, tiễn biệt ráng chiều
Đạp lên bao gập ghềnh thành đường chúng ta đi
Chiến thắng mọi hiểm nguy rồi lại lên đường
Từng mùa xuân hạ thu đông
Trải bao phen ngọt bùi cay đắng
Xin hỏi đường ở nơi nào vậy?
Đường ở dưới chân ta...


Jouney to the West 1986  问路在何方?Where is the Way?

你挑着担  牵着马
Ni tiao zhe dan  Wo qian zhe ma
You're carrying the luggage, I'm leading the horse
迎来日出 送走晚霞 
Ying lai ri chu   Song zou wan xia
Welcome the sunrise and pack off the sunset glow
踏平坎坷 成大道
Ta ping kan ke   Cheng da dao
Stamp the rough roads flat and make them wider
罢艰险 又出
Dou ba jian xian   You chu fa  
Overcome the hardships,then walk on
又出
You chu fa
Go on

啦啦~~~~~~
La la la ~~~~~

一番番春秋冬夏
Yi fan fan chun chiu dong xia
From spring to winter year after year
一场场酸甜苦辣 
Yi chang chang suan tian ku la
Go through the joys and sorrows of life
问路在何方
Gan wen lu zai he fang
Where is the way?
路在脚下
Lu zai jiao xia
The way is just under the feet

啦啦~~~~~~
La la la ~~~~~

一番番春秋冬夏
Yi fan fan chun chiu dong xia
From spring to winter year after year
场场酸甜苦辣    
Yi chang chang suan tian ku la
Go through the joys and sorrows of life
问路在何方
Gan wen lu zai he fang
Where is the way?
路在脚下
Lu zai jiao~ xia~
The way is just under the feet
 

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Tôi đã thay đổi gì khi bước sang tuổi 28

Tối nay ngồi ngẫm nghĩ xem tôi có sự thay đổi gì nhiều khi đã bước sang tuổi 28 không, quả thật là cũng nhiều thứ thay đổi đó. Tuổi 28, đối với dân VN nói chung nhìn tôi như dạng "bà cô già" rồi. Mà tôi cũng thấy thế thật, ít ra tôi có sự thay đổi về mặt tâm lí rõ rệt. Mặc dù cách đây mấy tháng, tôi vẫn còn chưa thay đổi nhiều.

1. Tôi sống khép kín hơn: Trừ những mối quan hệ thân quen, tôi ít có thêm những mối quan hệ mới.
2. Tổ chức cuộc sống tốt hơn: Tôi ngăn nắp hơn, biết cách tổ chức, xử lí và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho hợp lí, gọn gàng và thoải mái.
3. Thời gian ngủ ít hơn: Tôi làm việc hơn 8h một ngày, điều đó cũng có nghĩa là thời gian ngủ giảm đi. Một đứa mê ngủ như tôi mà ngủ ít đi là chuyện lạ trước đây đó. Thời trước, ngủ hơn 8h/ngày, làm việc ít hơn 8h/ngày, giờ thì ngược lại.
4. Tính tình ít bốc đồng hơn:  Dù là nổi giận, thì cũng là nổi giận có cân nhắc và có tính đến hậu quả.
5. Thích đọc hơn: Đọc sách, ebook khoa học, sách phục vụ cho giảng dạy lẫn sách về văn chương, đi bụi, nấu ăn, ... nói chung là hỗn hợp.
6. Tình cảm kiềm chế tốt hơn: Tôi hay bị xúc động, biên độ giữa buồn và vui là khá lớn, nhưng bây giờ dù là buồn hay vui, tôi vẫn giữ nó ở mức cân bằng để không ảnh hưởng đến những việc khác.
7. Già nhưng không sợ ế: Đối với một số người con gái cỡ tuỗi tôi bắt đầu có tâm lí "vơ đại" vì thấy mình đứng tuổi rồi. Tôi mang tâm lí khác hẳn, nếu gặp được người yêu tôi và tôi cũng yêu lại thì mới tính đến chuyện khác, còn không, cũng không có gì là ghê gớm cả, tôi vẫn sống phè phè nhăn răng đấy thôi. Tội gì đi lấy người không yêu để khổ cả đời.
8. Càng già càng điệu: Tôi sắm nhiều quần áo hơn, thời trước, tôi vẫn thích kiểu xấu xấu bẩn bẩn là vui mắt nhất.
9. Đón nhận những tin dữ nhẹ nhàng hơn: Trước đây tôi có thể ngất xỉu vì một tin nào đó làm tôi chấn động, còn bây giờ, tuy không tránh khỏi thương tâm tôi cũng đón nhận những tin dữ như một phần gia vị của cuộc sống.