Thầy không phải là thầy chủ nhiệm của tôi, nhưng trong danh sách những người thầy number1 của tôi, thầy đứng số 2,chỉ sau thầy chủ nhiệm của tôi mà thôi.
Chủ nhật, còn 2 ngày nữa mới tới ngày nhà giáo, nhưng tôi vẫn quyết định đến nhà thầy. Lí do đi thăm thầy vào ngày chủ nhật là vì cô bạn lớp trưởng của tôi chỉ có ngày chủ nhật mới về BH, còn lại ngày thường vẫn đi làm trên thành phố. Lí do nữa là chủ nhật chính là ngày sinh nhật của thầy, và lí do cuối cùng là tôi rất sợ đến nhà thầy vào đúng ngày 20/11. Ngày đó học trò cũ các lứa về rất đông, nếu như mọi năm là phải đứng chờ chết luôn. Tôi và cô bạn lớp trưởng quyết định đi ngày chủ nhật là thế.
Kí ức về thầy là lúc tôi vừa bước chân vào lớp 10, tôi ở kí túc xá, thầy khi đó là quản sinh kí túc xá và cả gia đình thầy sống trong đó luôn. Vì lẽ thế, mà tính tình tôi thầy hiểu rất rõ. Thầy dạy môn Lý, chuyên phụ trách về mảng thí nghiệm vật lý và có thể nói là người dạy thí nghiệm xuất sắc nhất của tỉnh tôi. Tuy nhiên, vì thầy chủ nhiệm của tôi là một nhân vật cực kì xuất sắc nên so với thầy chủ nhiệm của tôi, thầy có vẻ mờ nhạt hơn. Thời phổ thông có 2 sự kiện về tôi có liên quan tới thầy, mà cho đến bây giờ, mỗi khi bất chợt nghĩ lại chuyện đó tôi lại lăn ra cười một mình.
Sự kiện thứ nhất, ở kí túc xá thì học sinh chúng tôi thay phiên nhau trực ban trước cổng (để tránh tình trạng có người lạ vào), phòng trực ban giống như phòng bảo vệ trước cổng các công ty vậy đó. Thông thường một ca trực là một buổi, và một tháng thì tới lượt tôi trực một lần. Ngày hôm đó, tới lịch trực của tôi, mà tối hôm trước tôi thức khuya cặm cụi giải mấy bài lý đến 4h sáng mới ngủ, buổi sáng đi học, trưa về ăn xong cơm thì mắt tôi díu lại chỉ muốn ngủ một giấc. Tôi ôm cuốn sách ra phòng trực ban ngồi, buồn ngủ quá mà không dám ngủ, giờ trực ban mà ngủ bị thầy bắt được là sẽ bị gọi lên viết bản kiểm điểm vì tội vô trách nhiệm trong công việc. Đến 1h chiều thì tôi chợt thấy xe thầy chạy vù ra khỏi cổng kí túc xá, đang mệt, nghĩ rằng nếu thầy đi dạy thì cũng 4h mới về, tội gì không ngủ một giấc cho khoẻ (phòng trực ban có kê chiếc giường nhỏ cho những bạn nam ngủ tại phòng trực vào ca đêm, con gái chúng tôi chỉ trực ca ngày). Tôi mệt quá, nằm thiu thiu ngủ, không mở mắt nổi. Tôi hơi tỉnh khi nghe có giọng nói của thầy: - " Gọi con bé nó dậy" rồi sau đó nghe tiếng xe vù đi. Tôi mở mắt thì thấy một anh học lớp trên đang đứng trước cửa gọi tôi. Anh này còn nói là thế nào chiều về tôi cũng bị phạt nặng, vì trước đây anh ấy cũng một lần ngủ quên khi trực mà phải viết bản kiểm điểm và chạy 50 vòng quanh kí túc xá, sau đó là mời phụ huynh. Tôi nghe xong hình phạt thì tá hoả, vì biết chắc sẽ không thoát tội, trước tới giờ thầy xử phạt nghiêm lắm. Ý định cầu cứu thầy chủ nhiệm chợt hiện lên (thầy chủ nhiệm của tôi vốn có tiếng bênh học trò, bất kể đúng sai, học trò thầy mà người khác dám xử thì thầy không bao giờ khoanh tay ngồi yên, cho nên khi lớp tôi đi phá phách gì đấy thì các giáo viên khác thường không dám xử tại chỗ mà phải thông qua thầy chủ nhiệm của tôi trước). Nhưng tôi đành từ bỏ ý định đó, vì chiều nay thì tôi đã lên máy chém rồi, mà tới sáng hôm sau thì tôi mới gặp được thầy chủ nhiệm, hic hic hic nước xa không cứu được lửa gần. Cả buổi chiều tôi hì hục viết bản kiểm điểm trong tâm trạng lo lắng vô cùng, đó là bản kiểm điểm tôi viết lần đầu tiên trong đời. Tôi viết trước vì biết thế nào chiều nay thầy về mà chẳng phải viết, nên thà viết trước còn hơn. 5h chiều, thầy vừa về tới là tôi mang bản kiểm điểm qua phòng thầy nộp luôn. Tôi rụt rè bước vào phòng, run run nhìn thầy sám hối. Thầy đứng đó, khoanh tay lại và vẻ mặt rất nghiêm nghị làm cho chân tôi đi không muốn vững:
- Thưa thầy, con xin nộp bản kiểm điểm. - Tôi mở lời yếu ớt và đứng đó chờ đợi phán quyết
Thầy chiếu tia mắt nghiêm nghị vào tôi, một phút mà tôi cứ tưởng là một thế kỉ.
- Cất đi. - Thầy nói gọn, giọng ra lệnh, tôi nghe ù tai đi và thái độ còn ngạc nhiên gấp 10 lần. Nếu thầy phạt tôi chạy 50 vòng quanh sân, có lẽ tôi cũng không ngạc nhiên bằng lời thầy vừa nói.
Tôi không biết vì sao thầy lại tha tôi dễ dàng đến vậy, có thể là thầy sợ sẽ đụng chạm tới "Già làng" gàn dở - tức thầy chủ nhiệm của tôi, mà cũng có thể thầy biết tối hôm trước tôi thức khuya làm bài nên không tránh khỏi cơn buồn ngủ. Đám bạn cùng phòng với tôi ngạc nhiên lắm, coi tôi như là kì tích, còn tôi thì sau mấy ngày mới hoàn hồn, và tôi cũng không kể cho thầy chủ nhiệm tôi nghe chuyện đó vào giờ sinh hoạt lớp nữa.
Sự kiện thứ 2 là một hôm tôi nổi tính ba gai (thầy chủ nhiệm của tôi dạy rằng lâu lâu nên đổi khẩu vị chút, nếu ai chưa từng nghỉ học thì thử nghỉ 1 lần xem sao, nếu chưa từng quậy phá thì thử 1 lần xem sao, nếu ai sống quá hiền lành thì thử đanh đá 1 lần xem sao...Quan điểm của thầy tôi là để tăng cường khả năng sinh tồn và thích nghi thì không được nghiêng quá về 1 phía nào đó: vd: quá hiền lành, hoặc quá đanh đá đều không được), tôi làm đơn xin nghỉ học vì lí do ốm (thực ra tối hôm trước thức khuya học nên sáng hôm sau tôi mệt mỏi chứ không hề ốm). Cô bạn cùng phòng mang đơn của tôi lên phòng thầy kí rồi mang lên trường nộp dùm tôi. Tôi nghe cô ấy kể lại rằng, lúc kí đơn thầy có hỏi bạn ấy là tôi ốm thật hay ốm giả, để tối nay dạy xong ca cuối thầy sẽ ghé phòng tôi kiểm tra thử. Tôi nghe xong thì chột dạ, các bạn đi học hết rồi tôi ngồi ở nhà không ngủ được vì sợ cái án treo lơ lửng trên đầu, mất cả vui. Buổi trưa các bạn về, tôi không dám ló mặt lon ton đi ăn cơm, sợ thầy thấy tôi khoẻ như trâu thì lộ hàng hết. Một bạn mang cơm về phòng cho tôi, chiều hôm đó, lúc nào nghe tiếng xe thầy chạy về là tim tôi muốn rớt ra ngoài, tôi leo lên giường trùm mền kín mít và giả bệnh, nghe tiếng xe thầy đi là tôi ngồi dậy thở phào nhẹ nhõm. Tối hôm đó, tôi bệnh thật, bắt đầu lên cơn sốt, có lẽ vì sợ quá mà tôi bệnh luôn. 9h tối, sau khi thầy dạy xong ca cuối cùng thì thầy ghé qua phòng tôi. Tôi sốt mê man, bàn tay thầy sờ lên trán tôi nóng hổi. Thầy vội vàng chạy về phòng và nhờ cô (vợ thầy) nấu cho tôi một tô cháo, rồi mang qua cho tôi kèm viên thuốc hạ sốt. Thầy lo lắng cho tôi không khác nào người cha có đứa con bị bệnh. Tôi ân hận vô cùng, suốt những ngày phổ thông sau sự kiện đó, tôi không hề nghỉ học thêm buổi nào nữa. Mặc dù, nếu tôi nghỉ 1 vài buổi thì thầy chủ nhiệm cũng sẽ không hề la mắng tôi, nhưng nghĩ tới người thầy quản sinh kí túc xá của mình, tôi lại chăm chỉ đến trường.
Tôi rời phổ thông, và gặp nhiều biến cố trong cuộc đời, không dám về gặp thầy. Thời tôi không có điện thoại, tôi ở sát bên mạn sườn thầy nhưng không dám vác mặt ghé thăm thầy, không biết làm thế nào thầy biết được tung tích của tôi và nhờ vợ bỏ cả ngày trời đi kiếm tôi, cô kiếm được tôi bắt tôi theo cô về nhà gặp thầy, và tôi bị thầy mắng một trận vì tội...ở gần mà không tới thăm thầy. Sau đó tôi đi xa xa một chút, đi làm vất vả, mua được chiếc điện thoại, không biết làm cách nào thầy cũng biết được số điện thoại của tôi và...gọi tôi về thăm thầy. Mỗi lần tôi về, thầy hay tìm hiểu tư tưởng định hướng của tôi, nếu tôi có ý nghĩ lệch lạc là chỉnh ngay, nhờ thế mà tôi trở thành người lương thiện như bây giờ, hehehe.
Sau thời gian sóng gió, tôi cũng ra trường, đi làm. Thầy biết tôi sắp ra trường liền điện thoại hỏi dự định của tôi. Tôi biết trong thâm tâm, thầy muốn tôi về sư môn dạy. Dĩ nhiên về sư môn là một mơ ước của tôi, vì bên mái trường kỉ niệm, tôi đã được nuôi dạy không những kiến thức, mà còn trở nên là một công dân tốt, biết ăn ngay sống thẳng, không làm những chuyện trái đạo đức lương tâm. Nhưng tôi có một cái khó, đó là sư môn tôi đều là những người tài giỏi, từ các sư phụ đến anh chị em đồng môn, tôi sợ mình sẽ không đủ sức để gánh vác công việc này. Tôi nói dối với thầy là tôi dự định xin việc ở thành phố, cho thầy khỏi bắt tôi về. Mặt khác, tôi lẳng lặng xin vài nơi ở tại BH, nói thực ra tôi không muốn sống ở Tp.HCM với cái không khí ngột ngạt xô bồ. Cuối cùng tôi cũng được toại nguyện, tôi xin được một trường ở BH, tôi dọn đồ về ngay, và dạy ở đó. Tôi ở sát sườn thầy, nhưng dĩ nhiên thầy không biết (tôi lấy làm khoái chí lắm). Được 6 tháng yên lành thì một hôm thầy gọi điện (tôi bất hiếu thật, thân làm học trò nhưng lúc nào cũng là thầy gọi điện hỏi thăm tôi chứ tôi chớ hề gọi. Tôi mang tâm trạng của đứa con tội lỗi, nhát gan không dám gọi chứ không phải là tôi không nhớ thầy đâu nhé). Lần này câu đầu tiên thầy không phải hỏi thăm tôi nữa, mà tuôn một tràng:- " Về BH khi nào sao không nói thầy biết? Bây giờ qua đây gấp".
Nghe xong cú điện thoại tôi muốn độn thổ, hoá ra thầy biết tôi đang ở BH rồi, làm sao đây??? Tôi đến gặp thầy. Thầy ngồi trên chiếc ghế, tay khoanh lại, nghiêm nghị, y như gần 10 năm trước thầy chuẩn bị phạt tôi khi tôi phạm lỗi. Dù tôi đã lưu manh hơn xưa, nhưng tôi vẫn run run như một đứa con trót lầm lỗi khi bước vào cửa nhà thầy. Tôi tưởng thầy sẽ mắng (nhìn mặt thầy lúc đó là biết tôi sắp bị quát rồi) nhưng thầy chỉ nhẹ nhàng: - " Bên bộ môn thầy Q.H đang thiếu, giờ con không đi ngành Lý nữa nên không thể về bộ môn bên thầy, con về dạy hợp đồng cho trường đi. Năm nay bộ môn thầy Q.H không tuyển được người nào hết, mặc dù lượng hồ sơ nộp vào rất nhiều nhưng thầy Q.H lại không chọn được ai cả, cũng may thầy nghe được tin con về rồi, vậy là giải quyết ổn thoả, tưởng con còn ở Tp thì chịu thua, chứ về đây chẳng lẽ con không muốn về trường????". Tôi cúi đầu, im lặng.
Tôi định mở miệng từ chối thì thầy không cho, bảo cho tôi một tuần suy nghĩ. Nói thật, tôi nghĩ ngợi ghê lắm trong 1 tuần sau đó. Không phải tôi không muốn về trường, nhưng trường tôi trường chuyên, tôi lo mình không đủ sức. Tôi nào có phải là tài giỏi gì đâu, tôi chỉ là một đứa con bình thường bên cạnh những anh em đồng môn tài giỏi, tôi phải làm sao???. Vả lại, lương tôi lúc đó cũng không có bao nhiêu, tôi không đủ sống, tôi cứ phân vân hay là về trường dạy hợp đồng như lời thầy đề nghị nhỉ??? Tôi cuối cùng rồi cũng đồng ý. Về lại trường, khung cảnh xưa, kỉ niệm ùa về, mỗi ngày tôi bước chân vào cổng là một ngày sống trong kỉ niệm. Các anh chị em đồng môn cùng khoá hoặc cách tôi một hai khoá đều nhận ra tôi, biết tôi cũng là học trò cũ nên khá thân thiện, tôi dễ dàng hoà nhập lại trong không khí của sư môn hiền hoà, trong sư môn đa số giáo viên trẻ đều là những đứa con xuất thân từ trường. Tôi không biết rằng, tôi đã bị thầy dụ dỗ về lại trường bằng cách đó. Một đứa con cứng đầu như tôi cuối cùng cũng bị gô cổ về lại một cách tự nguyện.
Hôm nay, tôi và cô bạn lớp trưởng đến nhà thăm thầy. Mặc dù tôi hàng ngày vẫn gặp thầy trên trường, nhưng thời gian để tâm sự với thầy lại chẳng bao nhiêu, tôi thì cũng khá bận nhiều việc. Nửa năm rồi tôi mới đến nhà thầy, vẫn ngôi nhà xưa, nhưng nhà thầy có một cái mới: chiếc xe 7 chỗ. Các sư phụ tôi vốn có máu đi chơi (nhìn tôi là biết, tôi thừa hưởng máu giang hồ từ các sư phụ mà). Chiếc xe này là công cụ để thầy và gia đình đi lang thang khắp các miền đất nước. con gái thầy hiện đang học ở Phần Lan cũng là một tay mê đi phượt hết cỡ. Thầy đã lớn tuổi, sắp nghỉ hưu, dĩ nhiên không đi phượt xe máy như đám trẻ chúng tôi được rồi. Thầy còn rủ tôi đi về Vĩnh Long quê thầy trong dịp nghỉ sắp tới. Cô bạn lớp trưởng thì khỏi nói, cô ấy và chồng (2 vợ chồng cô bạn lớp trưởng tôi cũng từng học trong trường ra) cũng máu me đi chơi, mà đi chơi theo kiểu giang hồ bụi phủi, phải nói là nhiều nơi trong nước ngoài nước 2 vợ chồng họ đều mò tới được, nghe cô ấy kể các nơi đã đi mà tôi cũng sợ, bởi tính ra tôi đi ít hơn họ mấy trăm lần.
Chúng tôi trò chuyện với thầy, lâu lâu lại bị ngắt quãng, vì học trò cũ về thăm thầy khá đông. Hôm nay chưa phải là ngày nhà giáo, chứ nếu đúng ngày, có khi ngồi chờ cả tiếng mà chưa tới lượt tôi được vào thăm thầy. Thỉnh thoảng có khách, tôi lại chạy ra mở cửa, có lần thầy nhờ tôi mở cửa mà buột miệng: " Vân, con chạy ra mở cửa dùm ba". Thì ra trong thâm tâm thầy, tôi giống như một đứa con, chứ không phải chỉ là một học trò. Tôi còn nhớ, hồi tôi học lớp 11, có quản sinh khác tới thay thầy, thầy dọn về ngôi nhà mà hiện giờ thầy đang sống. Ngày nhà giáo năm đó, tôi cũng lọt tọt đạp xe từ kí túc xá đến nhà thầy định thăm thầy, tới cổng mới thấy đang có rất nhiều các anh chị cựu học sinh đứng chờ xếp hàng dài. Nhà thầy đang ăn cơm tối, vì thầy phải tiếp các học trò từ sáng đến tối vẫn chưa được ăn gì. Thấy tình hình đó, tôi nghĩ thầm là có chờ đến khuya cũng chưa tới lượt mình, nên lặng lẽ quay xe định về. Ai ngờ em gái thầy chạy ra cổng, mở cửa và gọi tôi vào (mấy chục học trò đang đứng đó, nhưng chỉ mình tôi được gọi vào thôi). Thầy lấy chén bảo tôi ngồi ăn cơm cùng gia đình và giải thích vội với tôi rằng do học trò đông quá nên từ sáng giờ thầy chưa hề được nghỉ một phút để ăn cơm. Thầy gắp thức ăn cho tôi, trong đó, lần đầu tiên tôi được ăn món chế biến từ heo rừng. Thầy ăn vội chén cơm, tiếp tục ra tiếp học trò, tôi ngồi lại ăn cơm cùng với vợ thầy và em gái. Ngày hôm đó, tôi rất ngạc nhiên vì sao tôi lại được ưu ái đến vậy.
Lần này về gặp thầy, tôi còn được thầy training và giảng giải cho tôi một số kiến thức, quan điểm sống, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Thầy sợ rằng, trong môi trường và nhịp sống như hiện nay, những người trẻ chúng tôi tâm lí không vững, dễ bị đồng tiền và quyền lợi làm lưu mờ đi đạo đức nghề nghiệp. Thầy còn dạy tôi không bao giờ được tự ti hèn nhát, có thể tôi không được xuất thân cao quý hay giàu sang như những người khác, nhưng tôi không được khiếp sợ hay tự ti, vì những điều đó không đánh giá được gì cả, họ giàu có, hay quyền cao chức trọng chưa chắc đã là do bản thân họ tự tạo nên, một bộ phận không nhỏ nhờ dựa dẫm mà có. Thầy dạy tôi phải biết tự tin nơi bản thân mình, dù rằng so ra tôi không bằng ai trong xã hội, nhưng ít ra tôi đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, tự đi làm kiếm tiền và lo cho bản thân ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn mà không hề dựa vào gia đình (nhà tôi rất nghèo, nên hồi đó nuôi tôi đi học đại học là điều rất khó khăn đối với gia đình tôi). Tôi từng đi làm rất nhiều việc để có thể tự lo cho mình từ hồi còn là học sinh phổ thông. Tự dưng thầy kể chuyện quá khứ đó của tôi ra để cho một đàn em của tôi đang học đại học làm gương. Tôi thấy xấu hổ quá, vì tôi có phải tài giỏi gì đâu, chẳng qua do hoàn cảnh mà tôi phải chịu khó thôi. Còn sư đệ của tôi thì thành tích học tập rất đáng nể vô cùng.
Lời thầy dạy, tôi xin giữ cho riêng mình mà không kể chi tiết được. Tôi vẫn hiểu rằng, dù cuộc sống của tôi có chật vật và đồng lương có khiêm tốn đến đâu, tôi vẫn phải giữ được đạo đức ngành giáo, cũng là giữ lòng tự trọng cho mình. Phương pháp thầy giáo dục có khác thầy chủ nhiệm tôi, nhưng thực ra, hai thầy rất giống nhau về quan điểm.