Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Ngộ Không

(sưu tầm)
Tôn Ngộ Không (phồn thể: 孫悟空; giản thể: 孙悟空; bính âm: Sūn Wùkōng; Wade-Giles: Sun Wu-k'ung), còn gọi là Tề Thiên Đại Thánh (齊天大聖) hay Tề Thiên (齊天), là nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây du ký, nhân vật giả tưởng có thể được xem là nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa. Tôn Ngộ Không là một pháp sư, nhà sư, thánh nhân, chiến binh và là một vị phật, có hình thể là một con khỉ, nhân vật được phỏng theo truyện dân gian từ thời nhà Đường. Tây Du Ký thuật lại cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra, đặc biệt là chuyện Tôn Ngộ Không theo làm đệ tử của Tam Tạng để thỉnh kinh tại Tây Thiên (Ấn Độ)
Để hiểu sâu rộng hơn mời các bạn cùng tìm hiểu truyện Tây du ký và các nhân vật được Ngài Ngô Thừa Ân, Vị Thiền sư gia, Đạo diễn, minh họa đầy hàm ý, ẩn ý về lý nhân quả, lý vô thường, chuyện lành, dữ trong tam giới, một đời người mê, tỉnh, không ngộ , ngộ không chỉ ở nơi tâm, tánh nhận ra...

Ngài Ngô Thừa Ân, là một vị Thiền gia đạt được lý Thiền tông, nên mới minh họa Ngài Trần Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Tây Thiên Trúc có hàm ý như sau:
Sự thật, Ngài Trần Huyền Trang đi học đại học Phật giáo tại trường đại học Phật giáo ở nước Ấn Độ. Ban Giảng sư ở trường đại học Phật giáo này thấy Ngài hiểu sâu về Thiền học, nên nhận Ngài làm Giảng sư ở đó 11 năm; chứ không phải như cốt truyện trong truyện “Tây Du Ký” thường chiếu trong truyền hình.
Ý nghĩa sâu xa của truyện Tây Du Ký mà Ngài Ngô Thừa Ân muốn nói môn Thiền tông học này, chúng ta phải hiểu căn bản trong phim Tây Du Ký như sau:
1- Trần Huyền Trang: Đây là tên trong phim, chứ Ngài tên thật là Trần Huyền Tráng. Pháp danh trong đạo Phật là Tam tạng, tức ba kho chứa, được gọi là Tiểu thừa, Đại thừa và Tối Thượng thừa, hay gọi là Phật thừa. Cũng có ý nghĩa: Phật, Pháp, Tăng bên ngoài hay bên trong của một con người.
Tổng thể một con người có đầy đủ ba kho báu ấy.
2- Hầu vương: (Vua khỉ, tức cái trí lăng xăng của chúng ta ví như con khỉ, thích chạy nhảy, nhưng trong cái chạy nhảy đó, có cái Phật tánh là thấy, nghe, biết, pháp rất sáng suốt.
3- Trư Bát Giới: (Tám giới cấm trong Nhà Phật. Người tu chân chánh theo đạo Phật, phải triệt để giữ gìn tám giới như: 1- Tham, 2- Sân, 3- Si, 4- Mạng, 5- Nghi, 6- Ác, 7- Kiến thường, 8- Kiến đoạn). Tượng trưng cho: Ham ăn, mê ngủ, lười biếng, thích dục lạc, hay nói những việc không phải là sự thật, cũng gọi là nói bừa, v.v…
4- Ngộ Tịnh: (Dụng công tu để tu cho đạt dược tánh thanh tịnh của chính mình): Tượng trưng cho: Lao động, siêng năng, cần cù, chân thật, niêm mật, tu hành, v.v…
Trong phim này, Tam Tạng coi là vai chánh, chứ sự thật, cốt truyện này là nói đến cuộc đời của một hành giả tu theo Thiền tông đạo Phật, từ lúc sanh ra, tu hành đến quả vị Phật, vai chánh chính là Hầu vương.
Ý nghĩa sâu xa của cuộc đời Hầu vương như sau:
Thứ nhất:
Hình thành một con người:
– Hầu vương, ban đầu sanh ra bởi:
Ngũ Hành:
– Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Hay:
– Đất – Nước – Gió – Lửa – Thức.
Thứ hai:
Hầu vương đi tìm học kiến thức và tu đạt được lý không (Ngộ Không).
Tầm sư học đạo: Ngài tìm học với ông Tu Bồ Đề; ông Tu Bồ Đề là đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ý muốn nói, từ cái căn bản chánh là Pháp thân thanh tịnh (tức Phật tánh). Hầu vương tìm học hỏi ở Phật tánh thanh tịnh sáng suốt của chính mình, Hầu vương đã học được một phần nhỏ của những gì trong Phật tánh của chính mình, mà đã dụng công được, như: Thăng thiên, độn thổ, cỡi mây, nương gió, v.v… Nên Hầu vương được Ngài Tu Bồ Đề đặt cho cái tên là “Tôn Ngộ Không”, (suy tôn người tu hành, đạt được lý không).
Theo Nhà Phật, đây là người dụng công tu, được xếp vào hàng Tiểu thừa, cũng gọi là tu theo Nhị thừa (tức còn chấp Có và chấp Không).
Thứ ba: Kiến chấp cao tột và trùm khắp:
Hầu vương thấy mình có chút đỉnh thần thông, coi mình (Ngã) là hơn hết, nên xem trong vũ trụ này không có bất cứ thứ gì, nên Tôn Ngộ Không phá đi luật tự nhiên của nhân quả, bằng cách:
– Lên Trời đập phá Thiên đường!
– Xuống Địa ngục xóa sổ sanh tử!
Vì Tôn Ngộ Không mới tu hành đạt được “Lý Không”, chưa đạt được tột cùng của đạo, nên không thấu triệt được sự vận hành của Tam giới. Vì vậy, sau này mới lãnh hậu quả gớm ghê, tức bị nhân quả trong qui luật vật lý này!
Thứ tư: Kiến chấp có hoặc không dù còn thật nhỏ nhất:
Tôn Ngộ Không đã phá được Thiên đường, xóa được Địa ngục. Ý muốn nói, tâm người tu chấp không có Thiên đường, cũng không có Địa ngục, không phải, không quấy, không hơn, không thua, nghĩa là không có hai bên, v.v… Nhưng vẫn còn thấy mình có “Thấy và có Biết”.
Các cái hai bên ấy, tức còn một chút chấp Có và chấp Không, dù là nhỏ nhất. Vì còn thấy có một chút chấp đó, nên Tôn Ngộ Không nhảy vào lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai, bay xa tận cùng, cho là vượt qua tất cả. Nhưng Tôn Ngộ Không đã lầm. Vì chỗ lầm đó, nên Tôn Ngộ Không làm dấu ở đầu ngón tay của Phật Tổ, hay nói cho thật rõ, là còn một chút cái Có đó, nên không thể nào vượt ra ngoài Ngũ Hành của bản thân được.
Vì vậy, Phật Tổ Như Lai mới úp bàn tay xuống, tượng trưng cho Tôn Ngộ Không bị Ngũ Hành nhốt lại. Tôn Ngộ Không bị nhốt trong Ngũ Hành, dù có ăn uống như thế nào đi chăng nữa cũng là những thức ăn coi như cây khô lá chết mà thôi!
Giống như chúng ta sống trong ngũ hành của chúng ta,
dù chúng ta có ở nhà cao, cửa rộng, ăn sang, mặc đẹp, phương tiện hơn người, v.v…
Đối với người nhận ra được lý Thiền tông và sống trong ấy, coi những thứ vật chất ở thế giới là cái nhà nhốt chúng ta, còn những thức ăn là những thứ nhân quả của vật chất vậy!
Thứ năm: Tôn Ngộ Không bị nhốt trong Ngũ Hành Sơn 500 năm! Đây là con số của Ngài Ngô Thừa Ân đặt ra, ẩn ý là Tôn Ngộ Không sống trong ngũ uẩn, tượng trưng cho con số 500. Xét ra rất hay, để nói lên nếu chúng ta không biết được sự thật thì chúng ta bị ngũ hành nhốt mãi mãi, dù dùng con số tỷ năm cũng chưa đúng chớ đừng nói chi là số năm!
Không biết, chúng ta “chui vào” trong tam giới này bao lâu, và bị ngũ uẩn nhốt ta từ thuở nào? Nếu chúng ta đã biết được ngũ uẩn là không thật, chắc chắn chúng ta sẽ “chui ra” khỏi ngũ uẩn một cách hết sức dễ dàng.
Hầu hết chúng ta là môn đồ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà còn không biết. Thử hỏi, ở trên trái đất này có mấy người biết được ngũ uẩn là không thật! Ngũ uẩn còn không biết thì làm sao biết được Phật tánh?
Vì không biết được Phật tánh, nên chúng ta bị người khác lừa mình từ vô lượng kiếp đến nay!
Thứ sáu: Tôn Ngộ Không, nhận ra Tánh Chân Không:
Suốt một thời gian dài sống trong Ngũ Hành Sơn. Nhờ sự dẫn dắt của Bồ tát Quán Thế Âm (Bồ tát Quán Thế Âm là tượng trưng cho tiếng nghe của Nhĩ căn). Tôn Ngộ Không mới nghe được bằng tánh Nghe tự nhiên thanh tịnh của chính mình. Nhờ vậy, Tôn Ngộ Không mới giác ngộ, rõ ràng tánh Nghe chân thật của chính mình.
Nhờ giác ngộ được rõ ràng của tánh Nghe, Tôn Ngộ không mới hiểu được 2 căn bản như sau:
1- Trong tam giới là do nhân duyên và nhân quả điều hành theo qui luật sinh diệt luân hồi.
2- Trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, là nơi không sanh diệt.
Vì sao không sinh diệt?
– Vì là thanh tịnh.
Tuy là thanh tịnh nhưng vẫn có sự sống.
Có sự sống làm sao thanh tịnh được?
– Vì sự sống này là do Điện Từ Quang duy trì; Điện Từ Quang này là loại điện từ chỉ có rung động tự nhiên, chứ không có lục hút Âm Dương.
Đến đây, Tôn Ngộ Không mới nhận ra năm uẩn nhốt mình là không thật, tức Ngũ uẩn giai không, nên Tôn Ngộ Không mới phá bỏ được Ngũ Hành Sơn, tung bay trong bầu trời tự do. Lúc này Hầu vương mới chính thức được mang tên Tôn Hành Giả, tức người tu hành chân chánh.
Ở thế gian này, ai thấy ngũ uẩn mình là không thật, người đó mới chính thức là người chân tu theo Nhà Phật, còn ai không thấy được vậy, chỉ là người mang lớp áo tu theo Nhà Phật để kiếm tiền sinh nhai mà thôi!
Vì đã nhận ra tánh Biết chân thật của chính mình, nên Tôn Ngộ Không biết được tự nhiên trùm khắp. Nhờ vậy, cái gì là giả, cái gì là thật, Y đều biết được tất cả, dù là vô hình hay là hữu hình.
Còn người sử dụng trí học hỏi của thế giới này, dù có học cao tột đến đâu, cũng không thể hiểu và biết được như cái Biết thanh tịnh của Phật tánh được.
Cái Biết thanh tịnh ấy:
– Người tu hành niêm mật và hiểu bình thường như sư phụ Trần Huyền Trang, không thể nào biết được. Dù sư phụ có dụng công ngồi thiền suốt 5, 7, ngày liền! Quên ăn, quên ngủ, vua, quan kính nể, vang danh khắp trong thiên hạ, cũng không thể biết như cái Biết của Phật tánh thanh tịnh được!
Cái Biết thanh tịnh ấy:
– Người tu hành lười biếng, như Trư Bát Giới: Ham ăn, mê ngủ, ham đủ thứ dục lạc ở thế gian này, cũng không thể biết như cái Biết thanh tịnh của Phật tánh được!
Cái Biết thanh tịnh ấy:
Người tu hành cần cù như Trương Ngộ Tịnh, siêng năng, chăm chỉ, không bỏ sót thứ gì, dù là một việc nhỏ nhất, không biết mệt mỏi, cũng không thể biết, như cái Biết thanh tịnh của Phật tánh được!
Nói tóm lại:
– Ba hạng người tu hành như nói trên, họ không thể nào biết được cái Biết thanh tịnh của Phật tánh.
Bởi vậy, ở hội của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, về phần Tăng, Ni, tu trên 500 vị, còn phật tử cả mấy ngàn người, họ đến tu với Ngũ Tổ, vì nghe Ngũ Tổ được truyền Y và Bát của Đức Phật dùng hằng ngày, họ đến với Ngũ Tổ là vì cái “Danh”, chứ không phải đến để tìm Phật tánh thanh tịnh của chính họ!
Do đó, khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn truyền Thiền tông lại cho ai nhận ra Phật tánh thanh tịnh của chính họ, để Tổ truyền Thiền tông lại.
Thượng tọa Thần Tú là một vị Giáo thọ sư, dạy Tăng lẫn Ni và phật tử, thế mà Thượng tọa Thần Tú không hiểu Thiền tông học là gì?
Thượng tọa Thần Tú đến học đạo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, cũng vì “Danh”, vì chức làm thầy thiên hạ, chứ không phải học để giác ngộ!
Vì vậy, khi Ngũ Tổ bảo toàn thể Tăng và Chúng làm kệ, để xem coi có ai biết được Phật tánh của chính mình không, nếu ai nhận rõ Phật tánh của chính mình, thì Ngũ Tổ sẽ truyền Thiền tông cho để làm Tổ sư Thiền tông kế tiếp.
Ở hội Ngũ Tổ, có Thượng tọa Thần Tú được coi là vị hiểu đạo cao nhất, trên là Ngũ Tổ, dưới là Ngài, nhưng khi làm kệ để trình bày “Tánh Phật” của chính Ngài, Ngài mù mịt!
Một vị chức cao tột đỉnh như vậy, mà không biết Phật tánh là gì, thì những người tu hồi đó họ làm sao biết được?
Những người thời đó họ đến với Ngũ Tổ cũng vì “Danh” của Ngài thôi!
Còn các người đi tìm học đạo ngày nay, cũng không khác gì người xưa.
Vì vậy, đạo tràng ngày nay có rất nhiều người đến học, mà học một thời gian rất dài, mà cũng chưa thấy có ai giác ngộ cả, thì làm sao giải thoát?
Vì sao vậy?
– Vì chính ông Thầy đứng ra giảng nói, vị Thầy ấy còn chưa biết được tánh Người chứ đừng nói chi là tánh Phật.
Xin nói thêm về Thiền tông học này:
– Khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tịch, Thượng tọa Thần Tú được đức vua Võ Tắc Thiên mời về triều đình làm Quốc sư. Vua Võ Tắc Thiên là người hiểu rất thông Thiền tông học.
Đức vua có hỏi Quốc sư Thần Tú:
– Khi còn sanh tiền, Đức Ngũ Tổ có dạy đạo“Nhất thừa”, vậy Quốc sư hãy nói đạo ý nghĩa đạo Nhất thừa cho Trẫm nghe thử?
Ý đức vua Võ Tắc Thiên lấy câu truyện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa về xe trâu trắng mà Đức Phật dạy như sau:
Nhất thừa là cỗ xe trâu.
Đổ đi sanh tử, còn đâu luân hồi
Bạch ngưu hiện rõ ra rồi
Luân hồi sinh tử là “Thôi” với mình.
Còn Thiền tông, các vị Tổ sư thiền có dạy:
Thiền tông là “Nhất tự thiền”
Đưa người thanh tịnh về miền quê xưa
“Nhất tự” không dụng sớm trưa
“Buông, Dừng, Thôi, Dứt” quê xưa thấy liền.
Đạo “Một chữ” Quốc sư Thần Tú không biết, nên vua Võ Tắt Thiên hỏi thêm câu thứ hai:
– Nay Trẫm đã già, mắc phải bệnh của người lớn tuổi, trong thiên hạ, nhiều người bảo: Nếu biết uống trà đạo sẽ trị được bệnh thân và bệnh tâm, vậy Quốc sư có thể chỉ cho Trẫm được không?
Câu hỏi đạo “Nhất thừa” Quốc sư Thần Tú không trả lời được, lại bị câu hỏi thứ hai, quốc sư Thần Tú đành thưa với vua Võ Tắc Thiên:
– Về chỗ sâu mầu này, thật tình Thần không hiểu, kính xin Bệ hạ cử người về phương Nam hỏi Lục Tổ Huệ Năng ắt sẽ rõ.
Đức vua, sai ông Tiết Giản về phương Nam hỏi Đức Lục Tổ. Đức Lục Tổ Huệ Năng không giảng dạy mà chỉ đọc có 9 chữ để ông Tiết Giản ghi, đem về trình lên vua Võ Tắt Thiên. Chín chữ ấy như sau:
– Không trà, không tâm, biết uống là hết bệnh!
Ông Tiết Giản về triều tâu trình lên vua Võ Tắt Thiên. Đọc xong thư, đức vua biết cách uống trà đạo để trị bệnh thân và bệnh tâm, liền xuất khẩu thành bài thơ bốn câu:
– Tay bưng lấy một tách trà
– Trà vừa vô miệng hết đà bệnh tâm
– Ơn Thầy chỉ dạy rất thâm
– Nhờ vậy, Trẫm thấy bệnh thân không còn.
Bốn câu thơ nói trên, là bốn câu thơ đã nói lên Nhà vua ngộ được lý Thiền tông, chứ không phải tầm thường. Cũng nhờ chín chữ ấy, vua Võ Tắt Thiên đã nhận ra Phật tánh của chính mình và sống với Phật tánh ấy. Nhờ vậy, khi đến 80 tuổi, vua ngồi kiết già rồi thị tịch tự bỏ xác thân mình. Người sống được trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh mới có khả năng này.
Xin nhấn mạnh về chín chữ mà Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy vua Võ Tắt Thiên:
“Không trà, không tâm, biết uống là hết bệnh!”
Đức vua nhận ra chỗ thâm sâu này, tức khắc nhận ra được Phật tánh Thanh tịnh của chính Ngài. Lúc này, câu “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, mà trong Bát Nhã Tâm Kinh thường lặp đi lặp lại, trước kia Nhà vua mờ mịt, nay đã hiện rõ nghĩa chân thật, như dưới ánh sáng ban ngày, đồng nghĩa Nhà vua nhận ra được Phật tánh chân thật của chính Ngài rõ ràng thanh tịnh; không phải là cái tâm lăng xăng của vật lý, còn sự học hỏi của tâm vật lý và xác thân tứ đại của Nhà vua chỉ là của sinh diệt luân hồi. Hai thứ này, Nhà vua biết cách tách rời ra nên tự bỏ xác thân một cách rất dễ dàng và hòa nhập vào Niết bàn Thanh tịnh của Mười Phương Chư Phật.
Khi đức vua ngộ được lý Thiền tông qua chín chữ dạy của Đức Lục Tổ Huệ Năng, đức vua Võ Tắc Thiên có Sắc Chỉ cám ơn Đức Lục Tổ Huệ Năng, với các lời văn kệ như sau:
– Sở dĩ, suốt đời làm vua của Trẫm được trên thuận dưới hòa, giải quyết được tất cả công việc nước, dù có khó đến đâu, cũng được vượt qua. Đó là Trẫm nhờ ân đức lớn: Trong nước của Trẫm có vị tu hành đạt đạo. Hôm nay, Trẫm mới biết, người đạt được đạo ấy chính là Thầy. Nhờ lời dạy của Thầy, Trẫm đã nhận ra Bản Lai Diện Mục của chính mình và sống được với Bản Lai Diện Mục ấy. Để đáp lại công ơn trời biển của Thầy, nay Trẫm có Sắc Kệ bốn câu, kính dâng lên Thầy. Trước, cám ơn Thầy, sau, là trình kiến giải của Trẫm đã nhận ra được chỗ thâm sâu mà Chư Phật đã dạy, mong Thầy chứng minh.
Sắc Kệ rằng:
– Lời dạy của Phật rất cao sâu
– Tỷ đời triệu kiếp con tìm cầu
– Hôm nay nghe được lời Thầy dạy
– Rõ nghĩa Như Lai rất nhiệm mầu!
Đức Lục Tổ nhận và ấn chứng cho vua Võ Tắc Thiên đã triệt ngộ được “Bí mật Thiền tông”. Nên bài Sắc Kệ này được công bố khắp trong nước. Vì vậy, tất cả các chùa trước khi khai kinh tụng đều lấy bài kệ của vua Võ Tắc Thiên tụng để khai kinh.
Sắc Kệ này có 28 chữ, ban đầu các chùa tụng đúng nguyên bản gốc. Dần dần về sau này, tụng lệch đi sáu (6) chữ, nên làm mất đi ý nghĩa chánh của bài kệ khai kinh. Bài kệ của vua Võ Tắc Thiên là trình kiến giải về đạt “Bí mật Thiền tông” và được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” của chính bà.
Còn bài kệ hiện nay các chùa đang tụng để khai kinh, là bài kệ cầu nguyện mong đạt được ý sâu mầu lời của Đức Phật dạy, thật là đáng tiếc!
Vì sao có sự sai lệch này?
Vì người sau này dịch kệ thiền mà họ không giác ngộ “Yếu chỉ Thiển tông” là phải sai! Tất cả kệ thiền hay kinh nói về thiền, ẩn chứa ý sâu mầu trong từng chữ, từng câu, không thể thêm hay bớt một chữ hay một nét nào được! Nếu đem cái tri thức suy ngẫm của học thức mà giải về thiền học, thì chắc chắn phải bị sai!
Người ngộ thiền giống như người trước kia bị mù mà nay được sáng mắt. Còn người dịch kinh hay kệ thiền mà chưa ngộ thiền, giống như người còn đang mù mắt, nương theo cái suy nghĩ của học thức của mình mà dịch kinh hay kệ thì giải làm sao đúng được!
Xin nhấn mạnh thêm:
Người muốn dịch kinh hay kệ thiền, ít nhất người đó phải giác ngộ “Yếu chỉ Thiền tông”; chứ không giác ngộ Yếu chỉ Thiền tông mà dịch kinh hay kệ thiền, là phải mang lỗi với người xưa và với người nghiên cứu, tụng hay đọc! Hai lỗi ấy, Đức Phật và các vị Tổ sư Thiền tông không chấp nhận!
Đó là việc của quá khứ!
Còn hiện tại, ở nước Việt Nam chúng ta, nếu vị nào quyết chí tu theo đạo Phật để được giác ngộ và tìm đường giải thoát, thì hãy tìm cho được một vị Thiện tri thức, đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, nhờ vị ấy giúp đở thì người tu mới mong thành công được. Còn không tìm được vị này, dù chúng ta có đi nghe người chưa biết Thiền tông học là gì, dù chúng ta có nghe họ giảng 100 năm cũng không khi nào giác ngộ, chứ đừng nói chi giải thoát.
Xin mách người đạt được “Bí mật Thiền tông”:
Người đạt được “Bí mật Thiền tông”, vị này không khi nào đứng trước đông người nói, mà vị này chỉ cần nhìn người đối diện nói chỉ 1 câu, là vị này biết người đối diện có muốn tu giải thoát hay không, tự vị này nói cho người đối diện biết.
Thứ bảy: Hầu vương, trở thành là một hành giả.
Đây mới bắt đầu chính thức là một vị chân tu. Vì là chân tu nên biết tất cả những hư, ngụy, chánh, tà, v.v… Vì vậy, trên con đường đi của Hầu vương không sự việc gì qua mắt được Hầu vương cả, còn người dụng công niêm mật như sư phụ Trần Huyền Trang, chểnh mảng như Trư Bát Giới hay cần cù như Trương Ngộ Tịnh, cũng không sao biết được sự thật của một người tu theo đạo giải thoát! Không biết đường đi của đạo giải thoát. Dù có tu trải qua một ngàn đời đi chăng nữa, cũng phải lầm lủi đi trong sáu nẻo luân hồi không ngày cùng!
Vì chỗ này mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy: “Dù các ông có ngồi Đạo Tràng dụng công tu thiền 10 tiểu kiếp, Phật tánh của các ông cũng không thể nào hiển lộ ra được!”
Thứ tám: Thân cận Như Lai (tức Phật tánh):
Khi Hầu vương tiếp cận được Đức Phật rồi (chỉ tiếp cận thôi chứ không phải vào được nhà của Như Lai). Tới đây, không một lời nào để nói, ví là kinh Vô tự. Khi bước vào Nhà Như Lai thì không thể nói một lời nào cả, mà chỉ thấy vậy, hiểu vậy, biết như vậy thôi, v.v… Cái hay Thấy và cái hay Biết, lúc nào cũng trong sáng, thanh tịnh và trùm khắp, diệu dụng, đầy đủ, v.v…
Đến đây trong Huyền ký Đức Phật có dạy như sau:
– Khi các ông đã vào được Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh rồi, thì những việc trong Phật tánh để Phật làm mà thôi, vì chỗ đó Đức Phật có dạy 4 câu:
Trí thế ông dẹp được rồi
Những thứ trong Tánh, Phật làm mà thôi
Vào đây bị mất cái Tôi
Pháp Thân Thanh tịnh hiện rồi với “Ta”.
Khi vị nào có đại phúc được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” thì không thể nào sử dụng ngôn từ của thế giới này được. Vì vậy, chúng ta mới biết tại sao khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thành đạo, Ngài không muốn nói, vì Ngài thấy mọi sự vật trên đời này đều khác hẳn với mọi sự Thấy và Biết của Ngài trước khi chưa thành đạo.
Ngài thấy, từ vô hình hay hữu hình đều vận hành rất trật tự, công bằng, rất nhịp nhàng, không sai sót, đầy đủ khắp trong vũ trụ này! Không thể dùng lời nói của con người mà diễn tả được. Có nghĩa, mọi sự Thấy và Biết của con người sống trên thế giới này đều bị đảo lộn tất cả! Nên Ngài không nói được! Vì vậy, đến chỗ này, được coi là vô ngôn, tức kinh vô tự. Đến đây, chúng ta mới giải mã những bí ẩn của các Thiền sư.
Có ai hỏi các Ngài:
– Thế nào là Phật tánh hay chân tâm của con?
Các Ngài không trả lời, mà đánh một gậy hay hét một tiếng lớn, hoặc đạp cho một đạp là đã trả lời cho người hỏi rồi. Nếu ai lanh lợi sẽ nhận ra câu trả lời, còn khởi vọng tìm ý nghĩa lời nói thì mờ mịt!
Chính chỗ này, hiện giờ các vị Giảng sư dùng trí óc học cao của chính mình để giảng, thì làm sao giảng đúng được. Vì chỗ bí ẩn này, chỉ một chữ Phật họ còn không biết, thì làm sao họ biết toàn bộ những gì trong “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” mà họ giảng?
Thứ chín: Vì muốn cho mọi người hiểu, nên Hầu vương phải thỉnh kinh có chữ để trợ giúp cho mọi người thấu hiểu. Nương theo 12 bộ kinh Đại thừa. Nương theo những pháp quán, tưởng, hay tìm kiếm để lần lần trở về nguồn cội của chính mình mà trong Nhà Phật gọi là trở về với “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” mà không phải vượt qua các thứ lớp tu hành.
Thứ mười: Trở về cố hương.
Mục thứ mười này, đây là mục kết thúc một đời trầm luân của một hành giả tu theo pháp môn Thiền tông đạo Phật. Chỉ có tu theo pháp môn Thiền tông mới trở về cố hương được. Chứ tu theo các pháp môn khác, dù phải trải qua không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, từ sai lầm này, đến sai lầm nọ. Từng ở các cõi Trời hưởng phúc. Từng ở các tầng Địa ngục để chịu những hình phạt gớm ghê. Từng làm vua ở nhân gian, từng làm chúa ở các cõi Trời, ăn trên ngồi trước. Hay từng làm kẻ bần cùng hèn hạ, từng làm Ngạ qủy, Súc sanh, làm Thần làm Thánh, để mê hoặc người khác… Sau cùng, cũng phải tu theo pháp môn Thiền tông, mới trở về cố hương được, đến đây mới kết thúc một chúng sanh bị đi trong lục đạo luân hồi!
Nói tóm lại:
Truyện Tây Du Ký, là diễn tả một con người từ khi mới sanh ra, làm tất cả những chuyện lành, dữ ở trong tam giới này, chứ không phải là một cốt truyện có phép mầu mà từ người trẻ, đến người lớn đều hiểu lầm. Cái lầm lẫn rất lâu, không ai giải thích ý sâu mầu chân thật cái ý của Ngài Ngô Thừa Ân muốn chỉ.
Nay chúng tôi xin giải mã, phơi bày ẩn ý cốt truyện “Tây Du Ký” này, mong được nhiều người hiểu và hiểu thật rõ ràng, để đáp lại lời hay ý đẹp mà Ngài Ngô Thừa Ân đã muốn chỉ cho chúng ta.
Kính mong những ai có duyên đọc được quyển sách nhỏ này, nhận ra ẩn ý của Ngài Ngô Thừa Ân và đạt được những sự chỉ giáo ấy, để chúng ta trở về cố hương của chính mình, ở trên đời này không gì quý bằng vậy!
Trích quyển “Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn Giải thoát”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét