Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Mạc Cửu, người khai phá Miền Tây

Lời nhắn: Yun yun đang đi giang hồ, các bạn chờ đọc những bài viết hấp dẫn khi Yun trở về nhé. Đây là bài đăng tự động, để các bạn đọc trong thời gian vài ngày chờ Yun, hihihi.
........................................................
(sưu tầm)
Giữa thế kỷ 17, nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Mãn Thanh đã xảy ra trong lục địa Trung Hoa. Dưới sự chỉ đạo của Trịnh Thành Công, một vị tướng Minh triều cũ gốc Triều Châu, dân chúng nổi lên chống lại quân Thanh nhưng đều bị đánh bại, tất cả các làng xã của người Tiều ở Triều Châu và vùng ven biển Hạ Môn đều bị thiêu rụi. Tàn quân của Trịnh Thành Công (Kosinga) phải chạy ra đảo Đài Loan lập chiến khu “phản Thanh phục Minh”.
Trong đám tàn quân này có một người tên Mạc Cửu (hay Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, theo Trịnh Thành Công kháng chiến. Năm 1671 thấy chống không nổi quân Thanh, Mạc Cửu mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người rời khỏi Phúc Kiến bằng đường biển. Quân của Trịnh Thành Công ngày càng suy yếu bị quân Thanh đánh bại năm 1680. Quân Thanh tàn sát hết kháng chiến quân, những người sống sót bỏ chạy bằng đường biển đến các quốc gia Đông Nam Á tị nạn, hòa nhập với những nhóm Minh triều cũ đã di cư từ trước.


Căn Khẩu Quốc
Mạc Cửu cùng thân bằng quyến thuộc sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả đã cập thuyền vào đảo Koh Tral, rồi đổ bộ lên một vùng đất lạ (được gọi là Panthaimas) trong Vịnh Thái Lan. Mạc Cửu dò hỏi và được biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng của vương triều Lục Chân Lạp. Phái đoàn Mạc Cửu đến Oudong gặp Nặc Ông Thu (Chey Chettha IV) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Sau đó Mạc Cửu xin vua Khmer cho khai khẩn vùng đất sình lầy Panthaimas trong Vịnh Thái Lan.
Thật ra trong giai đoạn này vương quyền của vua Chân Lạp không còn ảnh hưởng mạnh trên những vùng đất ven biển. Vịnh Thái Lan là nơi hành nghề của các đám hải tặc vì nơi này thương thuyền qua lại rất đông. Quan quân Chân Lạp vì bận rộn với những cuộc nội chiến và không đủ khả năng bảo vệ vùng đất này đã bỏ trống mặc cho hải tặc lập căn cứ. Hơn nữa đây là vùng đất sình lầy phèn chua nước mặn, đầy muỗi mòng không ai dám đến lập nghiệp, chỉ một số dân phiêu lưu đến ở. Thời này đất Panthaimas chỉ có độ mươi nóc gia của người Khmer làm nghề săn bắn và đánh cá.
Mạc Cửu cũng là một tay giang hồ giỏi tổ chức. Trong suốt thời gian lênh đênh trên biển cả ông đã chiêu tập được một số binh sĩ Minh triều cũ đang hành nghề hải tặc dưới trướng. Thấy có khả năng khai thác nguồn lợi của những đám hải tặc trong vùng, ông lập ra 7 xã : Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán), về sau đổi thành Căn Khẩu (tiếng Hoa tùy theo ngữ âm gọi là Căn Kháo hay Căn Cáo, xem Phụ lục 2). Mạc Cửu cho thành lập nhiều sòng bạc để kinh tài. Được nổi tiếng, ông mộ thêm lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi về lập nghiệp và đặt tên vùng đất mới thành Căn Khẩu Quốc. Căn Khẩu Quốc, tuy là một lãnh địa của Lục Chân Lạp nhưng không lệ thuộc trực tiếp vào nền hành chánh của vương triều Khmer, được hưởng qui chế tự trị.
Lưu dân, đa số là người Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến, lúc ban đầu là những người không chấp nhận sống dưới trướng nhà Thanh bỏ nước ra đi xây dựng cuộc sống mới. Thành phần xã hội cũng rất đa dạng : người giỏi về văn học, kẻ giỏi nghề đi biển, người thạo nghề buôn bán, nắm vững kỹ thuật chế biến thực phẩm, kẻ biết canh tác lúa nước và đánh cá trên sông lạch, nói chung họ là những thành phần ưu tú của vương triều vừa thất sủng. Về sau có thêm dân chúng nghèo khó dưới thời nhà Thanh đến xin tị nạn. Chẳng bao lâu sau Căn Khẩu Quốc nổi tiếng khắp vùng là miền đất trù phú, dễ kiếm tiền. Đảo Koh Tral được đổi tên thành đảo Phú Quốc, có nghĩa là vùng đất giàu có, phú cường. Những tay phiêu lưu giang hồ đến đầu quân dưới trướng Mạc Cửu ngày càng đông và là một đe dọa uy quyền đối với Xiêm La, một thế lực đang lên trong vùng.
Trước sự lớn mạnh của đế quốc Xiêm La, Mạc Cửu yêu cầu vua Chân Lạp bảo vệ nhưng không được thỏa mãn. Chân Lạp cũng đang bị Xiêm La khống chế. Mạc Cửu dò tìm một thế lực mạnh trong vùng để xin được bảo vệ, ông được một thương gia người Minh Hương tên Tô Quân cho biết xa hơn về phía Tây-Bắc, những người Hoa tị nạn khác được chúa Nguyễn cho định cư tại miền Đông đang phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, quân của chúa Nguyễn đang làm chủ miền Tây đất Chân Lạp và đang đối đầu với quân Xiêm La. Năm 1708 Mạc Cửu sai hai người thân tín, Trương Cầu và Lý Xa, ra Huế xin được che chỡ. Năm 1711, Mạc Cửu được Minh vương Nguyễn Phúc Chu mời ra Huế bái kiến. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.
Năm 1717, vua Xiêm mang 20.000 quân tấn công các làng xã của những di dân gốc Hoa tại Căn Khẩu, Mạc Cửu thua phải bỏ chạy. Năm 1724, ông đích thân vào Gia Định dâng luôn đất và xin Ninh vương Nguyễn Phúc Trú giúp khôi phục lại Căn Khẩu Quốc. Chúa Nguyễn mang quân xuống đánh, quân Xiêm thua phải rút về nước. Ninh vương thu hồi tất cả làng xã bị chiếm rồi phong Mạc Cửu làm đô đốc cai trị đất Căn Khẩu. Căn Khẩu Quốc được đổi thành Long Hồ dinh.
Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Tuy bị đổi tên nhưng di dân Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi Long Hồ dinh là “Căn Khẩu Quốc”. Người Hoa từ khắp nơi trong vùng (bị người Tây Ban Nha và Hòa Lan đàn áp, xem Phụ lục 1) đổ về đây lập nghiệp. Quân Khmer và Xiêm La đã tấn công nhiều lần vào vùng đất này nhưng đều bị Mạc Cửu đẩy lui.
Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi thành trấn Hà Tiên.
Bình định đất đai miền Tây
Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích) là một vị tướng giỏi, đã nhiều lần mang quân tấn công Xiêm La và bảo hộ vùng phía nam đất Chân Lạp. Mạc Thiên Tứ có công mở rộng thị trấn Hà Tiên và năm 1739 lập thêm bốn huyện : Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu). Mạc Thiên Tứ còn là một nhà học thức lỗi lạc, kiến thức uyên bác, giỏi ngoại giao, có tài thơ văn, đã để lại nhiều tác phẩm giá trị (xem Phụ lục 2).
Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp có loạn. Năm 1747, Nặc Ông Thâm (Thommo Racha III) từ Xiêm La về đánh đuổi Nặc Ông Tha (Chettha V) chiếm ngô, Ông Tha chạy sang Gia Định cầu cứu. Nặc Ông Thâm sau đó bị Satha II giết, con cháu lại tranh giành ngôi báu. Năm 1749, Nguyễn Phúc Khoát cho quân hộ tống Ông Tha về nước lấy lại ngôi vua. Một người con của Ông Thâm tên Nặc Nguyên (Nac Snguon) nhờ quân Xiêm La sang đánh, Ông Tha thua phải chạy về Gia Định.
Nặc Nguyên mật giao với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài hợp lực đánh chúa Nguyễn. Nguyễn vương biết trước nên năm 1753 cử Nguyễn Cư Trinh sang Nam Vang đánh. Nặc Nguyên thua bỏ thành chạy về Hà Tiên nương náu nhà Mạc Thiên Tứ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để tạ tội và xin được về lại Nam Vang cai trị, chúa Nguyễn ưng thuận.
Năm 1758 Nặc Nguyên mất, không người kế vị. Nặc Nhuận là chú họ tạm quyền giám quốc nhưng bị con rể là Nặc Hinh giết rồi tự xưng vương. Chúa Nguyễn sai Trương Phúc Du mang quân sang đánh, Nặc Hinh bị thuộc hạ giết chết. Do đề nghị của Mạc Thiên Tứ, chúa Nguyễn thuận cho Nặc Tôn (Ang Ton II) con của Nặc Nhuận lên làm vua.
Nặc Tôn tặng chúa Nguyễn lãnh thổ Tầm Phong Long (Meat Chruk hay Mật Luật, nay là Châu Đốc và Sa Đéc) để tạ ơn. Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp : Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc. Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Chúa Nguyễn sát nhập tất cả vùng đất mới vào trấn Hà Tiên rồi giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Chúa Nguyễn quy các lãnh thổ miền Tây thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang), chuyển Long Hồ dinh về đất Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Đất Tầm Bào trước kia gồm có một phần bờ biển của Chân Lạp do Nặc Tôn tặng. Công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.
Hà Tiên : vùng đất của tranh chấp
[Năm 1767, quân Miến tiến chiếm Xiêm La bắt được vua Xiêm là Phong vương (Boromoraja V) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayuthia, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Hoa tấn công. Hai người con của Phong vương là Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Chân Lạp và Chiêu Thúy sang Hà Tiên lánh nạn. Trong thời gian này Xiêm La không có vua].
Trình Quốc Anh, một người Hoa gốc Triều Châu, giữ chức Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát thuộc Xiêm La, khởi binh chống lại quân Miến rồi tự xưng vương năm 1768. Trình Quốc Anh tổ chức lại binh mã, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trình Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông trong Vịnh Thái Lan. Sự giàu có của Hà Tiên cũng khơi động lòng tham của rất nhiều tướng cướp trong vùng, ai cũng muốn đánh cướp vùng đất này nhưng tất cả đều sợ Mạc Thiên Tứ. Khi Trình Quốc Anh kêu gọi hợp tác, các nhóm hải tặc liền hùa theo binh lực Xiêm La tấn công Hà Tiên để cướp của.
Năm 1768 lấy cớ truy lùng một hoàng tử Xiêm, Trình Quốc Anh mang quân tiến chiếm Hòn Đất, bắt giam và tra tấn nhiều giáo sĩ công giáo để tìm nơi trú ẩn của Chiêu Thúy, đồng thời sai tướng Chất Tri (Chakri) mang quân bảo hộ Chân Lạp và đưa Nặc Ông Nộn (Ang Non III) lên làm vua. Nặc Tôn chạy về Gia Định lánh nạn. Quân của Trình Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. Trước khi rút về nước, Trình Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán cướp biển nghe ngóng tình hình, tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc và Hà Tiên.
[Năm 1765 giáo sĩ Bá Đa Lộc (Béhaine de Pigneau) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa sống trong mấy ngôi nhà bằng tre. Năm 1767, Bá Đa Lộc cho vị hoàng tử Xiêm trú ẩn trong chủng viện].
Năm 1769, quân Khmer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên Hòn Đất. Trần Liên đánh cướp trụ sở truyền đạo, sát hại nhiều giáo sinh và giáo dân. Bá Đa Lộc cùng một vài giáo sinh thoát được chạy sang Malacca (Indonesia), rồi về Pondichéry (Ấn Độ) lánh nạn. Hoàng tử Chiêu Thúy được người đưa vào Hà Tiên xin Mạc Thiên Tứ che chở. Quân của Trần Liên, kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên. Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Khmer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.
Công việc đang tiến hành thì vào đầu năm 1771, một cận thần của Mạc Thiên Tứ tên Phạm Lam nổi lên làm phản. Phạm Lam kết hợp với hai cướp biển Trần Thái (Vinhly Malu, người Mã Lai) và Hoắc Nhiên (Hoc Nha Ku, người Khmer) lập đảng gồm 800 người và 15 tàu thuyền tiến vào Hà Tiên nhưng bị Mạc Thiên Tứ đánh bại.
Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trình Quốc Anh đích thân mang đại binh gồm 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên với sự chỉ điểm của Trần Liên. Trình Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trình Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.
Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Chân Lạp đánh quân Xiêm và đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Trình Quốc Anh làm áp lực tại Hà Tiên buộc quân Việt phải dừng chân tại Nam Vang không được tiến xa hơn. Sau cùng hai bên đi đến một thỏa thuận để quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên : chúa Nguyễn rút quân khỏi Chân Lạp và chấp nhận để Nặc Ông Nôn (Ang Non III), người được vua Xiêm chỉ định, lên ngôi vua. Năm sau (1773) Trình Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tứ, nhưng buộc phải giao hoàng tử Chiêu Thúy cho quân Xiêm. Chiêu Thúy bị Trình Quốc Anh mang về Bangkok hành quyết.
Hà Tiên sống lại thời yên bình. Năm 1774, Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo, năm sau ông được Mặc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét