Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Trốn tết

30 năm trời, lần đầu tiên không ăn Tết ở nhà, bỏ gia đình, bỏ cả các huynh đệ trong sư môn đi chơi một mình (sư môn của Yun cũng sẽ rồng rắn cùng nhau phượt vào dịp Tết này, tiếc thật). Vì sao Yun trốn Tết?

1. Ngày Tết, sinh ra rất nhiều lễ nghĩa, đi loanh quanh hành xác chúc Tết, nếu không đi thì có trốn ở nhà cũng bị kéo đến và bị chúc. Tóm lại, là chỉ có 2 lưa chọn: Đi chúc hoặc được chúc. Chúc qua chúc lại năm nào cũng như năm nào, ăn mấy cái hạt dưa bánh trái nổi mụn như hột xoàn, ngày tết tới đâu cũng được (phải) ăn một chút. Ôi, mệt phờ râu, thế mới biết nhà thơ Trần Tế Xương xưa kia đã có tư tưởng hiện đại như thế nào:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên, nó ở non.
(Tế Xương)

2. Tục lệ lì xì ngày Tết cũng không nhẹ nhàng tí nào, tới nhà ai mà có con nít mà không lì xì thì hoặc bị chúng nó đòi (đối với những gia đình không biết cách giáo dục con cái) hoặc là bị bố mẹ chúng nó nghĩ thầm: “Ngày tư ngày Tết mà cũng keo kiệt với bọn nhỏ chút tiền lì xì”. Đâu phải chỉ có một bọn nhỏ? Bạn có bao nhiêu mối quan hệ trong xã hội???? Đếm xem tiền lương của bạn có đủ tiền lì xì không nhé. Đối với một viên chức nghèo như Yun thì thật là thê thảm với hủ tục này. Lúc Yun đi học thì không sao, giờ đi làm mà không lì xì là nguy to. À, thế thì ở nhà trốn vậy, xin thưa, không dễ ăn đâu, ở nhà thì sẽ có người tới thăm, hahahah, hết đường chạy nhé!!!!! Trong quan niệm của Yun, Yun rất ít lì xì cho con nít, Yun thường lì xì cho người lớn tuổi, những người không đi làm được và có hoàn cảnh khó khăn, có phải Yun đang làm ngược truyền thống????

3. Ngày tết hiện nay không phải là ngày sum họp như truyền thống tốt đẹp các cụ ngày xưa. Ngày tết hiện nay là ngày để những cái đầu tinh vi làm ăn, buôn quan bán tước hối lộ tinh vi, tạo mối quan hệ khăng khít để sang năm…cùng nhau hợp tác làm ăn thuận lợi. Ngày tết không hề được ở nhà như lí thuyết, chạy rông đi chúc tết sụt hết 2kg là ít. Cả năm làm mệt, ngày tết mệt hơn. Thêm nữa là bạn bè đàn đúm ăn nhậu, đốt tiền, hết ăn nhậu rồi cờ bạc chơi bời, lê lết từ nhà này sang nhà khác, người như Yun đố mà yên thân ở nhà được (năm nào cũng bị bạn tới nhà lôi tuồn tuột khỏi tay bố mẹ một cách ngoạn mục). Thành ra mang tiếng ở nhà ăn tết nhưng muốn ăn bữa cơm với gia đình cũng chẳng được yên!!!!!!

4. Sư môn Yun có tư tưởng hiện đại, tức là trốn Tết. Các sư phụ của Yun rất ám ảnh cảnh học trò, bạn hữu và dây mơ rễ má tới chúc Tết, có đôi khi tiếp hết lượt này tới lượt khác mệt phờ râu, nên các sư phụ nào khoẻ còn đi được là bỏ 2 bộ đồ vào va li rồi dông lên núi du ngoạn sơn thuỷ cho hết mùa Tết (giờ này một số sư phụ đã ra giang hồ rồi đấy, chẳng thèm nán lại ăn một bữa tất niên với đám nhóc tì như Yun luôn, còn Yun phải đi trễ vài ngày vậy), các sư phụ già yếu thì cực chẳng đã phải nằm nhà chịu trận, hahahah. Các anh chị em thế hệ trẻ cỡ Yun cũng học tập được tinh thần ấy, xách ba lô lên và dông cho nhanh còn kịp. Hôm rồi, Yun ghé thăm sư phụ trước Tết, có khai với sư phụ là Tết Yun sẽ không ghé được vì phải đi trốn Tết rồi (giống như đi trú Đông ấy), sư phụ thở phào nhẹ nhõm và ủng hộ quyết định của Yun.

5. Ngày Tết, ghét nhất là nhận được mấy cái tin nhắn đại trà từ lúc giao thừa tới mấy ngày hôm sau…Quan tâm người nào thì mới gửi tin nhắn chúc chứ, đâu phải ỷ nhiều tiền kiếm cái tin nhắn có sẵn send một lượt hết trong danh sách như bố thí của vậy????? Nói thật, người nào có ý chúc Yun như thế Yun chả dư hơi mà trả lời đâu.

6. Đôi điều còn lăn tăn là có một số bạn sẽ thắc mắc là Yun làm như thế sẽ phá vỡ truyền thống dân tộc, đó là ngày tết là ngày sum họp. Tuy nhiên như Yun đã trình bày ở trên, ngày Tết có sum họp được đâu, Yun có ăn được bữa cơm nào cho ra hồn với gia đình đâu. Cho nên theo Yun, ngày nào yên thân ngồi ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình cũng là ngày đoàn viên, ngày Tết hết, cớ gì phải nhất nhất là ngày Tết??? Thứ nữa là sẽ có bạn thắc mắc là Yun bảo sợ tốn tiền lì xì, sợ tốn tiền ăn nhậu sao lại không sợ tốn tiền đi du lịch. À, vậy Yun giải thích rõ luôn. Với 3 triệu tiền xe cộ và ăn uống đạm bạc Yun có thể đi vi vu cả tuần ngắm cảnh, chứ với 3 triệu mà ở nhà mấy ngày Tết như năm nay là không xong đâu, chỉ cần tới mùng 3 là không còn giữ được đồng nào nữa. Năm ngoái Yun chẳng lì xì mấy, hạn chế đi chơi mà sau khi ra tết, Yun còn cầm có hơn 30 ngàn trong tay thôi đấy, cái tết nhớ đời của Yun và sẽ không bao giờ Yun còn có can đảm “ăn tết” ở nhà nữa đâu.

Tết là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, ăn cùng gia đình bữa cơm đầm ấm, đi thăm họ hàng, bạn bè cả mà năm trời bận rộn chưa có dịp gặp mặt chứ không phải những người hàng ngày gặp nhau đến chán (thậm chí trong năm hục hặc với nhau suýt sứt đầu mẻ trán) tới tết lại đến nhà nhau chúc qua chúc lại hành xác lẫn nhau, nếu không đi thăm được lại buông lời trách cứ. Sao chúng ta lại tự hành hạ nhau thê thảm vậy nhỉ? Thôi Yun đi trốn tết đây.

Chúc tết (Trần Tế Xương)

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người. 

2 nhận xét:

  1. Chúc năm mới sức khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Anh ăn tết vui nha, hứa ra Đà nẵng thăm bạn mà chưa đi dc, nhưng mình nhất định sẽ đến trong tương lai. Hẹn ngày tái ngộ :)

      Xóa