Thường các kinh nguyên thủy (thời kỳ đầu) thì nói có sáu
đạo, nhưng các kinh đại thừa thì thêm một đạo nữa là cõi tiên. Như vậy, chúng
ta có bảy cõi là cõi trời, tiên, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Phần trước đã nói về địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, chương
này sẽ nói đến ba cõi là cõi tiên, cõi trời và a-tu-la.
Tiên là những chúng sinh trên loài người, nhưng không nương
theo giới định tuệ, không biết tam-ma-đề, lại riêng tu theo vọng niệm, để tâm củng
cố hình hài, vào trong rừng núi, những chỗ người ta không đến được, thành mười
thứ tiên. Mười thứ tiên như sau:
“A Nan, các chúng sinh kia,
kiên cố dùng đồ bổ mà không dừng nghỉ, khi đạo ăn được thành tựu, thì gọi là
Địa hành tiên.
Kiên cố dùng cỏ cây mà không dừng nghỉ, khi đạo thuốc được
thành tựu, thì gọi là Phi hành tiên.
Kiên cố dùng kim thạch mà không dừng nghỉ, khi đạo hóa chất
được thành tựu, thì gọi là Du hành tiên.
Kiên cố làm những động tác mà không dừng nghỉ, khi khí tinh
được thành tựu, thì gọi là Không hành tiên.
Kiên cố luyện nước bọt mà không dừng nghỉ, khi nhuận đức
được thành tựu, thì gọi là Thiên hành tiên.
Kiên cố hấp thụ tinh hoa mà không dừng nghỉ, khi hấp thụ
được thành tựu, thì gọi là Thông hành tiên.
Kiên cố làm thuật phù chú mà không dừng nghỉ, khi thuật pháp
được thành tựu, thì gọi là Đạo hành tiên.
Kiên cố chuyên chú tâm niệm mà không dừng nghỉ, khi chuyên
niệm được thành tựu, thì gọi là Chiếu hành tiên.
Kiên cố về thủy hỏa giao cấu mà không dừng nghỉ, khi cảm ứng
được thành tựu, thì gọi là Tinh hành tiên.
Kiên cố tập luyện biến hóa mà không dừng nghỉ, khi giác ngộ
được thành tựu, thì gọi là Tuyệt hành tiên”.
“A Nan, các vị ấy đều ở trong loài người mà luyện tâm, tuy không
tu chính giác, nhưng riêng được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ ở trong núi
sâu hoặc trên đảo giữa bể cả, cách tuyệt chỗ người ở; đó cũng là vọng tưởng
luân hồi lưu chuyển. Nếu không tu phép Tam muội, thì khi quả báo hết rồi, trở
lại tản vào trong lục đạo”[1].
Tiên là những người bỏ chốn thế gian ồn náo, vinh hoa phú
quý, danh lợi thị phi, ẩn mình trong hang, trong núi, hải đảo, nơi mà loài
người không đến được để tu theo những pháp củng cố hình hài, trường thọ sống lâu,
chớ không tu tập theo giới định tuệ.
Do tu nhân riêng biệt thành quả hư vọng, do tu luyện pháp
trường sanh nên tiên cũng có thần thông, khinh an, sống thọ, nhưng dù có thọ
đến đâu thì tiên vẫn còn bị chi phối bởi luật sanh tử và cũng có ngày thân này
phải tan mà đọa lạc.
1. Địa hành tiên: đồ bổ của những người tu tiên, chỉ có họ
mới biết với nhau, mình mà dùng nhiều đồ bổ thì nó thành độc, phải có những món
thuốc đặc biệt. Một số vị kiên cố dùng đồ bổ, chuyên dùng những loại chất bổ
không dừng nghỉ. Khi chất bổ này thành tựu thì vị tiên đó đi trên mặt đất rất
nhẹ nhàng vậy.
2. Phi hành tiên: vị này nếm theo vị của từng loại cỏ cây,
biết loại nào trị bịnh nào, loại dược thảo nào dùng vào khiến cơ thể khoẻ mạnh,
khoan khoái, bình an. Như các ông lang thầy thuốc, cắt, phơi khô hay sao cây cỏ
lên, rồi nghiền nát thành bột, bào chế dùng để trị bịnh. Cũng thế do chuyên dùng
cỏ cây, các loại thuốc dược thảo nên cơ thể các vị tiên rất khoan khoái an ổn.
Và tiên luyện như vậy liên tục, không dừng nghỉ. Khi thuốc này thành tựu thì
tiên phi hành như bay, đi như bay.
3. Du hành tiên: trong đá có nhiều
loại ngọc, vàng, kim khí, đá ngọc rồi tiên mài, nấu, ngâm, bào chế các chất này
thế nào đó để họ dùng được. Kiên cố bền tâm lâu dài dùng các loài bào chế này
không dừng nghỉ. Khi công phu thành tựu thì vị này sẽ đi nhanh như chạy, để
thấy cái khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, cứng cáp của cơ thể.
Ở đỉnh núi Thị vải, Bà-rịa, Vũng Tàu, có một người sống ở
đấy. Chỗ ở của ông chỉ là một cái lều, nằm ngủ ở trên một cái chõng và trồng
mấy cây bắp rau để ăn. Ông làm nghề đi gánh thuê buôn bán dưới chân núi. Thế cho
nên buổi sáng ông phải từ đỉnh núi đi xuống chợ gánh thuê để lấy tiền sinh
sống. Đến chiều xong việc rồi lại lên núi tiếp.
Từ chân núi đến đỉnh núi là chúng ta phải trèo hì hục mất cả
ngày, nhưng chân ông bước nhanh như chạy thoăn thoắt như thỏ mà không bám vào đâu
cả, thoáng một cái ông đã đến đỉnh núi rồi. Chắc là kiếp trước ông có tu tiên,
được quả du hành tiên này nên kiếp này thật lạ lùng là lên đỉnh núi mà ở một
mình yên tĩnh và đi nhanh như chạy.
4. Không hành tiên: kiên cố bền chí hoạt động, tập thể dục
có phương pháp, những động tác có bài bản. Tập như thế không ngừng, như đây đã
nói hai chữ kiên cố, thì mới hy vọng thành công, chứ không phải là dễ được. Khi
phương pháp tập khiến cho cơ thể nhẹ mạnh này được thành tựu, vị tiên này đi
được ở trong hư không, đi như thoảng qua gió mà mình không hay.
5.Thiên hành tiên: kiên cố luyện nước bọt không dừng nghỉ.
Nước bọt rất bổ và chuyên dùng luyện. Khi nhuận đức này thành tựu thì vị này
gọi là Thiên hành tiên.
6. Thông hành tiên: kiên cố hấp thụ tinh hoa không dừng
nghỉ. Buổi sáng, trưa, chiều, tiên hướng về mặt trời nhìn đăm đăm vào mặt trời
để thâu cái tinh khí của mặt trời. Khi luyện thành tựu thì vị này gọi là Thông
hành tiên.
7. Đạo hành tiên: kiên cố luyện những loại phép thuật phù
chú bay loạn không dừng nghỉ. Khi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Đạo hành
tiên.
8. Chiếu hành tiên: kiên cố chuyên chú tâm niệm không dừng
nghỉ. Các vị này cũng có phép thuật của họ, chuyên một câu nào đó khi thành tựu
thì thành Chiếu hành tiên có ánh sáng chiếu quanh tiên.
9.Tinh hành tiên: thủy hỏa giao cấu giao nhau không dừng
nghỉ. Khi cảm ứng được thành tựu thì gọi là Tinh hành tiên.
10. Tuyệt hành tiên: kiên cố tập luyện biến hoá không dừng
nghỉ. Khi thành công mà đây tiên gọi là giác ngộ thì thành Tuyệt hành tiên.
Như vậy, tiên cũng có từng danh hiệu riêng nhau. Tu tiên
nhưng mỗi người tu mỗi cách, ở đây Phật nói cho chúng ta biết là có mười loại
tiên.
Mỗi vị tiên, Đức Phật đều nhắc lại hai chữ kiên cố tức phải
có công phu tinh tấn không dừng nghỉ. Những việc tu luyện này phải bền tâm lâu dài
và mắc công, chứ không qua loa cho xong mà được đâu. Kiên cố và có tâm luyện
tập, tiên phải hơn mình vì có tinh thần, sức khoẻ và sống thọ, nhưng cũng không
phải là tiên không chết. Hết phước, hết thọ rồi thì tiên cũng đọa, nên Đức Phật
cũng khuyên chúng ta không nên nguyện tu theo những hạnh này, vì còn lẩn
quẩn trong tam giới.
CÕI TRỜI DỤC GIỚI (còn dục)
A Nan, các người thế gian, không cầu đạo thường trụ, chưa có
thể rời bỏ được sự ân ái với vợ mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà
dâm, do tâm đứng lặng sinh ra sáng suốt, sau khi mệnh chung ở gần với mặt trời,
mặt trăng; một loài như thế, gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.
Đối với vợ mình, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư, không được
toàn vị, thì sau khi mệnh chung, vượt ánh sáng mặt trời, mặt trăng, ở trên chóp
nhân gian; một loài như thế, gọi là Đao Lợi Thiên.
Gặp cảnh dục tạm theo, bỏ đi không nhớ nghĩ, ở trong nhân gian,
động ít, tĩnh nhiểu, thì sau khi mệnh chung, sáng rỡ ở yên trong cõi hư không,
ánh sáng mặt trời, mặt trăng không soi đến được; và những người ấy tự mình có
ánh sáng; một loài như thế, gọi là Tu Diệm Ma Thiên.
Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến bên mình, chưa chống
đối được, thì sau khi mệnh chung, lên trên chỗ tinh vi, không tiếp với những
cảnh nhân thiên cõi dưới, cho đến gặp hoại kiếp, tam tai cũng không đến nơi;
một loài như thế, gọi là Đâu Suất Đà Thiên.
Chính mình không có tâm dâm dục, chỉ đáp ứng với người khác mà
làm, trong lúc phô bày, vô vị như ăn sáp, thì sau khi mệnh chung, vượt lên sinh
vào cảnh biến hóa; một loài như thế, gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.
Không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm việc ngũ
dục; trong lúc làm việc ấy, rõ ràng là siêu thoát, thì sau khi mệnh chung, vượt
trên tất cả những cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế, gọi là Tha
Hóa Tự Tại Thiên.
A Nan, sáu cõi trời như
thế, hình thức tuy khỏi động, nhưng tâm tính còn dính dấp; từ các cõi ấy trở
xuống, gọi là Dục Giới[2].
Dục giới là những vị này chưa rời bỏ được ân ái, dục nhiễm.
Họ tu thập thiện, thiền định, bố thí nhưng vẫn còn dục nhiễm. Tùy theo lòng dục
giảm nhẹ đến đâu thì ở trên cõi trời cao đến nấy. Các vị trời dục giới thân
hình tuy không động nhưng tâm còn dấu vết.
Từ cõi trời dục giới thứ sáu trở xuống là từ cõi Tha hoá tự
tại thiên trở xuống vẫn còn bị tam tai tức cõi dục giới còn tam tai. Tam tai:
có lửa (vì có dục nên còn lửa), gió (thổi tan xác đi), bão lụt (nước nhận
chìm).
Cõi dục giới thứ sáu là cõi trời Tha hoá tự tại thiên: chỉ
đồng thế gian mà làm việc ngũ dục. Như chúng ta không thiết ăn nhưng đến bữa
cơm vẫn vào ngồi ăn mà không có cảm giác gì. Tuy là đáp ứng vợ chồng nhưng dục
cảm vô vị tức tâm vị trời này không thiết tha nữa, nên siêu thoát.
Từ trạng thái chán dục này mới bước lên cõi trời sắc giới là
không còn dục nữa.
Đức Phật khi sắp thành Phật rồi mà ngài ở cõi trời Dục giới
là một cõi rất thấp trong các cõi trời. Voi trắng sáu ngà từ cung trời Đâu Suất
thiên (cõi thứ tư của dục giới) giáng trần. Thật ra đây là Đức Phật hiện thân ở
cõi trời Đâu Suất chứ không phải bị nghiệp lực và đọa ở cảnh ấy. Vì nguyện lực,
bồ tát mới hiện thân ở cõi ấy. Tương lai Đức Phật Di Lặc cũng từ Đâu Suất xuống
ta bà.
Các đức Phật vì nguyện lực giáng sanh xuống trần, khi tái
sanh đều giáng sanh vào dòng thắng lưu có phước đức tức là dòng thù thắng, tức
là cõi trời hoặc ngài sanh vào dòng quý phái Thích Ca vua chúa sát-đế-lợi là
giới quan quyền thượng lưu trong xã hội, còn nghèo hèn tầm thường gọi là hạ lưu.
Tu nhân gì để về cõi Đâu suất? Phải có thiền định, phải có
thập thiện, tâm dục nhẹ.
Đâu Suất nội viện khác với Đâu suất là thế nào?
Đối với những tầng trời sắc và vô sắc, những cõi trên, thì
Đâu Suất hãy còn nặng nghiệp lắm.
Nội viện Đâu suất là những vị có duyên với Đức Phật Di Lặc.
Viện là chỗ an trú viện của Đức Phật Di Lặc. Người nào có duyên, có nguyện chịu
sự giáo hoá của Đức Phật Di Lặc thì chọn cõi Đâu suất nguyện về vì có Đức Phật
Di Lặc giảng pháp. Đức Phật Thích Ca cũng ở đấy để giảng pháp. Giảng Thắng Pháp
tập yếu luận cho mẫu hậu Ma-ya trong bảy ngày.
CÕI TRỜI SẮC GIỚI (ly dục)
A Nan, tất cả những người
tu tâm trong thế gian, không nhờ Thiền na, thì không có trí tuệ.
Người nào giữ được cái thân không làm việc dâm dục, trong
lúc đi, lúc ngồi, đều không nghĩ nhớ, lòng ái nhiễm không sinh, không còn
ở trong Dục Giới, thì bản thân liền được làm phạm lữ; một loài như thế, gọi là
Phạm Chúng Thiên.
Tập quán ngũ dục đã trừ rồi, tâm ly dục hiện ra, vui vẻ
thuận theo các luật nghi, thì người đó liền có thể thực hành những phạm đức; một
loài như thế gọi là Phạm Phụ Thiên.
Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, uy nghi không thiếu, cấm giới
trong sạch, lại có thêm trí sáng, thì người đó liền được thống lĩnh phạm chúng,
làm Đại Phạm Vương; một loài như thế gọi là Đại Phạm Vương.
A Nan, ba loài tốt đó, tất cả khổ não không bức bách được; tuy
không phải chân chính tu phép Tam ma đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh
tịnh, những lầm lạc của Dục Giới không lay động được, nên gọi là Sơ Thiền.
A Nan, thứ nữa, các hàng Phạm Thiên khi thống lĩnh phạm chúng,
lại tu tập phạm hạnh được viên mãn, làm cho tâm đứng lặng không lay động, và do
sự đứng lặng ấy, sinh ra sáng suốt; một loài như thế gọi là Thiểu Quang Thiên.
Hào quang sáng suốt thêm nhiều, chói sáng không cùng, ánh
vào thập phương thế giới đều thành trong sáng như ngọc lưu ly; một loài như thế,
gọi là Vô Lượng Quang Thiên.
Nắm giữ hào quang viên mãn, tạo thành giáo thể, phát ra sự giáo
hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang Âm Thiên.
A Nan, ba loài tốt ấy, tất
cả lo buồn không bức bách được; tuy không phải chân chính tu hành phép Tam ma
đề của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh, những lầm lạc thô động đã dẹp
xuống, nên gọi là Nhị thiền.
A Nan, những loài trời như thế, khi dùng hào quang viên mãn làm
việc giáo hóa, do sự giáo hóa càng rõ lẽ nhiệm mầu, phát ra hạnh tinh tiến,
thông với cái vui yên lặng; một loài như thế gọi là Thiểu Tịnh Thiên.
Cảnh thanh tịnh hiện tiền, dẫn phát không có bờ bến, thân
tâm được khinh an, thành cái vui yên lặng; một loài như thế gọi là Vô Lượng Tịnh
Thiên.
Thế giới và thân tâm, tất cả hoàn toàn thanh tịnh, đức thanh
tịnh được thành tựu, cảnh giới thù thắng hiện tiền, dồn về vui yên lặng; một
loài như thế gọi là Biến Tịnh Thiên.
A Nan, ba loài tốt đó, đầy đủ công hạnh đại tùy thuận, thân tâm
yên lặng, được cái vui vô lượng; tuy không phải chân chính được phép Tam ma đề
của đạo Phật, nhưng trong tâm yên ổn, hoan hỷ được đầy đủ, nên gọi là Tam Thiền.
A Nan, lại nữa, những loài trời đó, thân tâm không bị bức bách,
nguyên nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không phải thường trụ, lâu rồi cũng
phải tiêu tan, nên cả hai tâm khổ và vui, đồng thời đều phóng xả; những tướng
thô nặng đã diệt, thì phúc thanh tịnh sinh ra; một loài như thế, gọi là Phúc
Sinh Thiên.
Tâm phóng xả được viên mãn, sự nhận hiểu cao xa càng thanh tịnh;
trong cái phúc không gì trở ngại đó, được sự tùy thuận nhiệm mầu cùng tột vị
lai; một loài như vậy, gọi là Phúc Ái Thiên.
A Nan, từ cõi trời đó, có
hai đường trẽ : Nếu dùng cái tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng trước kia, mà tu
chứng an trụ nơi phúc đức viên mãn sáng suốt, thì một loài như thế, gọi là Quảng
Quả Thiên.
Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm chán cả cái khổ và cái vui, lại
nghiền ngẫm cái tâm phóng xả, tiếp tục không ngừng, đi đến cùng tột sự phóng
xả, thân tâm đều diệt hết, ý nghĩ bặt mất, trải qua năm trăm kiếp, người ấy đã
lấy cái sinh diệt làm nhân, thì không thế phát minh tính không sinh diệt, nên
nửa kiếp đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sinh; một loài như thế gọi là Vô Tưởng
Thiên.
A Nan, bốn loài tướng tốt
ấy, tất cả những cảnh khổ, vui trong thế gian không lay động được; tuy không
phải là chỗ bất động chân thật của đạo vô vi; song, nơi cái tâm hữu sở đắc,
công dụng đã thuần thục, nên gọi là Tứ Thiền.
A Nan, trong đó, lại có năm bậc Bất Hoàn Thiên, các vị này
đã diệt hết tập khí chín phẩm tư hoặc trong cõi dưới rồi, khổ, vui không còn,
bên dưới không có chỗ ở, nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phận của tâm phóng xả.
A Nan, khổ, vui cả hai đều
diệt, không còn tâm niệm ưa ghét; một loài như thế, gọi là Vô Phiền Thiên.
Tự tại phóng xả, không còn năng xả, sở xả; một loài như thế,
gọi là Vô Nhiệt Thiên.
Khéo thấy thế giới mười phương thảy đều đứng lặng, không còn
tất cả những cấu nhiễm trầm trọng của trần cảnh; một loài như thế, gọi là Thiện
Kiến Thiên.
Tri kiến thanh tịnh hiện tiền, sử dụng được không ngăn ngại;
một loài như thế, gọi là Thiện Hiện Thiên.
Quán sát rốt ráo các cực vi, cùng tột tính của sắc pháp, vào
tính không bờ bến; một loài như thế, gọi là Sắc Cứu Kính Thiên.
A Nan, những bậc Bất Hoàn Thiên đó, chỉ riêng bốn vị Thiên Vương
Tứ Thiền được có kính nghe, nhưng không thể thấy biết; cũng như hiện nay, có
các thánh đạo trường nơi rừng sâu đồng rộng thế gian, đều là những nơi trụ trì
của các vị A La Hán, nhưng những người thô thiển thế gian không thể thấy được.
A Nan, mười tám loài trời đó, tâm thường ở trong định, không
dính dáng với trần cảnh, song chưa hết cái lụy của hình hài; từ đó trở về, gọi
là Sắc Giới[3].
Chúng ta có thể hiểu các cõi trời sắc giới như sau:
Sơ thiền: Phạm chúng thiên, Phạm Phụ Thiên. Đại Phạm Thiên.
Nhị thiền: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm
Thiên.
Tam thiền: Thiểu Tịnh thiên, Vô Lượng Tịnh thiên, Biến Tịnh
thiên.
Tứ thiền: Phước Sanh Thiên, Phước Ái thiên, Quảng Quả thiên
và Vô Tưởng thiên.
Ngũ Tịnh Cư Thiên: Vô Phiền Thiên,
Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên.
Cõi sơ thiền tuy không phải chánh định, nhưng không có
nhiễm, không có những lỗi lầm như của dục giới nên thoát được các khổ não. Các
vị này đã thoát những dục tâm, ngũ dục (sắc thanh hương vị xúc) tuy nhiên họ vẫn
còn cái lụy hình hài, nên gọi cõi sắc.
Như vậy, vừa lên đến sơ thiền là bắt đầu hết lòng dục.
Lên nhị thiền thì thoát ly được các ưu thụ, trong tâm thanh
tịnh. Tất cả tuy không tu chánh định nhưng đã uốn dẹp được các thô lậu tức lầm lạc
thô thiển.
Rồi lên đến cõi tam thiền thì rời bỏ được cái hỷ thọ ở nhị
thiền, được cái vui khinh an vô lượng, nên thân tâm cho đến cảnh giới thảy đều thanh
tịnh. Trong Phật giáo hay ví vui như vui ở cõi tam thiền.
Cõi tứ thiền đã thoát ly được các cảnh khổ, vui thế gian,
nên tuy không phải là chánh định, nhưng trong tâm đã có chỗ sở đắc, công phu cũng
đã bắt đầu thuần thục và phước báo cũng cao.
Các vị này tham, sân, si không hiện lên được, nếu loại bỏ
được thì chứng A-la-hán, có định lực hàng phục được, nhưng còn ở trong đường
luân hồi vì vẫn còn trụ pháp, trụ sắc thân.
CÕI TRỜI VÔ SẮC GIỚI (ly sắc thân)
Lại nữa, A Nan, từ chỗ cao nhất của Sắc giới, lại có hai đường
trẽ. Nếu nơi tâm phóng xả, phát minh được trí tuệ, trí tuệ sáng suốt viên
thông, thì ra khỏi cõi trần, thành vị A La Hán, vào Bồ Tát thừa; một loài như
thế, gọi là Hồi Tâm Đại A La Hán.
Nếu nơi tâm phóng xả, khi thành tựu được sự phóng xả rồi,
lại cảm thấy cái thân làm ngăn ngại và tiêu cái ngăn ngại ấy vào hư không, thì
một loài như thế gọi là Không xứ.
Các chất ngại đã tiêu trừ rồi, nhưng không diệt được cái vô ngại,
trong đó chỉ còn thức A lại da và còn nguyên vẹn phần nửa vi tế của thức Mạt
na; một loài như thế, gọi là Thức xứ.
Sắc và không đã hiết, cái tâm biết là hết ấy cũng diệt trừ, mười
phương vẳng lặng, không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô sở hữu xứ.
Thức tính vốn không lay động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng;
trong chỗ không thể hết, phát minh nhận cho là hết, nên hình như còn, mà không
phải còn, hình như hết, mà không phải hết; một loài như thế, gọi là Phi tưởng
phi phi tưởng xứ.
Bọn này xét cùng cái không, nhưng không tột lý không; nếu từ
thánh đạo cõi trời Bất Hoàn mà xét cùng, thì một loài như thế, gọi là Bất Hồi
Tâm Độn A La Hán. Nếu từ cõi trời Vô Tưởng và ngoại đạo mà xét cùng cái không,
không biết trở về, mê lầm không nghe chính pháp, thì sẽ vào trong luân hồi.
A Nan, trên các cõi trời
đó, mỗi mỗi đều là những phàm phu hưởng sự báo đáp của nghiệp quả và khi sự báo
đáp ấy hết rồi, thì trở vào trong luân hồi. Thiên vương các cõi kia, thường là
Bồ Tát, dùng Tam ma đề mà lần lượt tiến lên, hồi hướng về đường tu hành đạo
Phật.
A Nan, những cõi trời Tứ Không đó, thân tâm diệt hết, định tính
hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả; từ đó đến cuối cùng, gọi là Vô Sắc
Giới.
Bọn đó, đều do không rõ Diệu giác minh tâm, chứa nhóm cái vọng,
mà giả dối phát sinh ra ba cõi, giả dối theo bảy loài trong đó, mà chìm đắm và
cá thể thụ sinh cũng theo từng loài[4].
Các vị này chẳng những thọ mà đến tưởng cũng không, nhưng
còn ở trong hành ấm. Coi như lạc ở Vô sắc rồi thì không còn trần tướng, hôn
trầm, ngũ trược, căn cảnh đối nhau.
Dục giới: còn dục và còn sắc,
Sắc giới: hết dục nhưng còn sắc,
Vô sắc giới: không dục và không sắc và những cõi này xa xôi
lắm, không biết gì. Ở trong định lực thấy không, thấy huyễn, nhưng không nắm được
lý không để nhận được tánh chân không, thành ra trụ vào cái không không đó, khi
hết định lực thì đọa xuống nên vẫn còn luân hồi.
Các vị này vẫn còn thức mạt na vi tế và chưa biết rõ đường
đi tam-ma-đề. Các ngài ở cõi vô sắc giới xả được phần thô mà chưa xả được phần
vi tế vì không biết làm sao mà xả. Còn thân là còn chướng ngại, các ngài không
còn thân nữa nhưng còn vô ngại, còn trụ định là ta. Bởi vì thức a-lại-da tuy nó
vô ngại nhưng nó vẫn còn chấp trì. Nên các vị này vẫn còn thức thực và tư thực
trong bốn thực (như đã nói ở phần tam tiệm thứ), vẫn còn thức chấp duy trì mạng
vị.
CÕI A-TU-LA
Lại nữa, A
Nan, trong ba cõi trời ấy, còn có bốn giống A tu la.
Nếu từ loài
quỷ, do sức bảo hộ chính pháp, được thần thông vào hư không, thì giống A tu la
này, từ trứng sinh ra, thuộc về loài quỷ.
Nếu từ cõi
trời, đức kém phải sa đọa, chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng, thì giống A tu la
đó, từ thai sinh ra, thuộc về loài người.
Có chúa A
tu la, nắm giữ thế giới, sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai, có thể tranh quyền
với Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương; giống A tu la này, nhân biến hóa mà
có, thuộc về loài trời.
A Nan,
riêng có một số A tu la thấp kém, sinh ra trong lòng biển lớn, lặn trong thủy
huyệt, ban ngày đi chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; giống A tu la này,
nhân thấp khí sinh ra, thuộc về loài súc sinh.
A-tu-la là
loài quỷ thần hay còn gọi là phi thiên (không phải các vị trời như vừa nêu
trên). Tuy a-tu-la có thần thông biến hoá, nhưng còn nhiều lòng sân hận, tranh
đấu hơn thua sát phạt nên không được lên cõi trời.
Có bốn loại
a-tu-la:
1. A-tu-la
trời (do hoá sanh),
2.
A-tu-la người (do thai sanh),
3.
A-tu-la quỷ (do noãn sanh),
4.
A-tu-la bàng sanh (do thấp sanh).
Trong vòng
luân hồi, Đức Phật minh họa hình ảnh a-tu-la là tay cầm cung tên, đao gươm và
đánh chém tranh hơn tranh thua sát phạt với nhau.[5]
Đây là những cõi tu nhân riêng biệt mà gặt quả hư vọng nên
còn luân hồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét