Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Sói con

Sói là biệt danh của một cậu học trò nhỏ của tôi tự đặt cho chính mình. Học trò tôi là một cậu nhóc thông minh và "nguy hiểm ngầm". Sói sống khép kín, ít bạn bè thân và hay có những phát biểu "chết người", hay những hành động mà nhiều khi tôi thót tim với cậu ấy, chẳng hạn như một lần Sói tự ý leo lên nóc trường...đứng ngắm cảnh một mình. Ở độ tuổi teen của Sói, thường xuất hiện trạng thái nổi loại thích thể hiện chứng minh mình đã lớn, đã đủ ngôn ngoan. Với cương vị của một người thầy, tôi luôn phải suy nghĩ "hại não" để mà có cách đối xử tốt nhất giúp các học trò có thể cải thiện được khí chất và xây dựng những thói quen tốt, sự tư duy sắc xảo để sau này giúp các em tự tin khi bước vào môi trường phức tạp hơn ghế nhà trường.

Từ ngày trở về sư môn, tôi luôn tâm niệm là sẽ không nhận đệ tử ruột, tức là không quá quan tâm đến bất cứ một học sinh nào. Mặc dù trong sư môn vẫn thường hay có lệ là các thầy cô hay có "đệ tử ruột", từ hồi thời thầy của tôi rồi. Sư tỷ, sư đệ... của tôi giờ cũng thế, họ cũng thường có đệ tử chân truyền. Có đệ tử ruột có nghĩa là bạn sẽ có "nhiều việc" để làm hơn, luôn phải để mắt theo dõi đệ tử của mình từ lúc bạn thừa nhận nó tới sau này, kể cả khi học trò của bạn đã ra trường, đi làm, có gia đình. Có đệ tử ruột chẳng khác nào có một đứa con, nhiều khi đứa con nó không dám tâm sự với bố mẹ của mình chứ đệ tử ruột thì sẽ luôn luôn chạy tới tìm bạn mọi lúc chúng cần. Có khi thì tâm sự với bạn về chuyện gia đình, khi thì gặp rắc rối với một môn học nào đó, khi thì cần bạn cho lời khuyên về định hướng tương lai, thậm chí là khi học trò nhỏ của bạn gặp rắc rối với các giáo viên khác chúng cũng sẽ tới tìm bạn. Nếu có một đệ tử, bạn kiêm nhiệm luôn làm người đỡ đầu cho chúng, ra tay đỡ đòn cho chúng nếu cần. Tóm lại là nếu một sư phụ tồi, không giỏi và không đa hệ nắm bắt nhiều kiến thức về chuyên ngành, văn hóa, xã hội và không có "cân nặng"... thì không nên có đệ tử ruột, vì sự ngu dốt của bạn, sự định hướng sai lầm của bạn sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ mà bạn đang dạy dỗ. Sản phẩm hàng hóa thì có thể làm hỏng, nhưng sản phẩm con người thì bạn KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN làm hỏng bất cứ một sản phẩm nào. Tôi ý thức được chuyện đó, tự xét thấy mình còn có quá nhiều thứ ngu dốt nên không nhận đệ tử là vậy. Tôi luôn giữ khoảng cách vừa đủ, chỉ hướng dẫn các em một mức độ vừa phải, không lơ là, nhưng không quá sâu sắc. Tôi ý thức được rằng, so với các sư tỷ, sư đệ, sư muội và các bạn bè khác, tôi không được bằng họ nhiều mặt nên vẫn thường lặng lẽ trong sư môn, làm những việc cần thiết mà thôi. Với lại nhiều khi tôi gặp rắc rối vẫn còn phải chạy về cầu cứu sư phụ của mình nữa là...Thân mình lo không xong, có đệ tử thì làm sao dìu dắt thêm cả nó??? Được cái tôi dạy môn phụ, tin học 1- 2 tiết/ tuần, lại không dạy chuyên nên cũng không có đệ tử ruột.

Tôi biết Sói con từ khi cậu học trò này vừa bước chân vào trường, không hiểu nhân duyên thế nào Sói rất hay quấn quýt tôi. Hết tiết học của tôi, Sói hay đứng lại thêm 5 - 3 phút, ban đầu là hỏi về bài học, rồi sau đó Sói tìm cách kể chuyện bạn bè, thầy cô, rồi tới chuyện khó khăn với việc học Văn và một số môn xã hội khác. Khi học trò chủ động như thế, tôi cũng không thế chối từ tình cảm đó và trả lời qua loa, với kinh nghiệm ít ỏi tôi có được, tôi cũng ráng nặn óc để mà cho "lời khuyên chuyên gia" cho Sói. Tôi cũng con nhà tự nhiên nên tôi cũng bị dính phốt với các môn xã hội, tuy nhiên sau này tôi khắc phục được và thế là bao nhiêu kinh nghiệm thời đi học tôi có được tôi truyền hết cho Sói. Sau này Sói vẫn không thích môn Văn, nhưng có vẻ thái độ đã dịu dàng với môn học này hơn. Một lần Sói gặp rắc rối với một giáo viên bộ môn khác, Sói tìm tôi và kể. Như tôi đã nói ở trên, chỉ khi đệ tử ruột thì tôi mới phải ra mặt những vấn đề nhạy cảm như thế, còn các học sinh bình thường tôi chỉ làm công tác tâm lí vừa phải thôi (Tôi cũng đâu muốn đẻ thêm việc để gánh). Vì có lẽ mới vào trường nên Sói vẫn chưa có "sư phụ", tôi không muốn làm sư phụ của Sói nên đã "bán cái" Sói sang một người khác, đó là sư muội của tôi. Sư muội tôi cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp Sói, vừa dạy môn chuyên cho Sói nên tôi nghĩ thời gian tiếp xúc của Sói với sư muội sẽ nhiều hơn tôi, và nếu sư muội nhận Sói làm đệ tử chân truyền, sẽ giúp được nhiều cho chuyên ngành của Sói hơn là tôi. Tôi đi gặp sư muội và kể những việc của Sói cho muội ấy nghe, bảo muội ấy quan tâm đến Sói nhiều hơn, và hãy làm chỗ dựa cho đứa học trò nhỏ này. Sau khi nghe tôi nói xong thì sư muội vô cùng ngạc nhiên vì sao những chuyện nghiêm trọng Sói không đi nói với giáo viên chủ nhiệm mà lại đi nói với tôi. Thực ra sư muội cũng rất quan tâm đến Sói, nhưng Sói đúng là Sói, có máu hoang dã trong người, luôn luôn nguy hiểm và lặng lẽ, và vì lí do nào đó Sói đã giữ khoảng cách với sư muội một số vấn đề như là một sự phòng thủ. Sư muội tôi cũng kể với tôi về hoàn cảnh của gia đình Sói, bố mẹ li dị nhau, Sói và em trai sống với mẹ. Mẹ Sói là một người đàn bà cộc cằn hay trút giận lên đầu con, đặc biệt là hay nổi nóng với Sói vô cớ nên tâm lí của Sói do đó cũng có phần ...không bình thường. Nghe sư muội kể thì tôi có thể hiểu được tâm lí của người phụ nữ này, một tay nuôi 2 đứa con, li dị chồng thật quả là không dễ. Sau đó sư muội cũng nhờ tôi theo dõi Sói giúp muội ấy, vì theo sư muội có lẽ Sói tin tưởng tôi nên mới dám nói tất cả những suy nghĩ như thế, nếu có tôi giúp thì sư muội sẽ kịp thời giải quyết những "tình huống" chết người mà có thể Sói sẽ gây ra. Mà sự tin tưởng thì không thể một sớm một chiều sư muội lấy được từ Sói, cho nên nếu tôi biết gì, muội ấy nhờ tôi thông tin lại. Sau chuyện tôi "bán cái" Sói cho sư muội, mối quan hệ của tôi và sư muội thân thiết hơn nữa, vì chúng tôi còn có chung "một đứa đệ tử nổi loạn ngầm" cần dạy dỗ. Tuy nhiên, tôi vẫn không nhận Sói làm đệ tử ruột của mình, chỉ là giúp sư muội tôi theo dõi Sói thôi, mọi việc tôi đều thông tin đến sư muội và để sư muội tự xử lí, tôi không muốn "kiếm việc" cho mình mà.

Tôi chỉ dạy Sói hết học kì I năm lớp 10, sang học kì II do tôi quá tải số tiết, và vì tôi cũng không có yêu cầu đặc biệt gì (Tôi luôn cố gắng không đối xử phân biệt giữa các học trò và các lớp với nhau) nên khi phân lịch dạy, người làm lịch cắt ngẫu nhiên một vài lớp tôi đang dạy để giảm tải cho tôi. Lớp Sói nằm trong diện "bị cắt" nên tôi không còn dạy Sói nữa. Tưởng nhân duyên tới đây là hết nhưng thật kì lạ, giờ ra chơi hoặc lúc vừa tan trường, khi tôi còn đang loay hoay tắt phòng máy, cúp cầu giao trong phòng tin học thì Sói vẫn hay đến tìm tôi, cũng không có gì nhiều, chỉ là hỏi tôi dạo này có khỏe không, đi dạy có vui không, có gì mới không. Những lúc đó tôi cũng chỉ trả lời qua loa và hỏi han tới việc học hành của Sói. Cũng như trước đây, mọi việc Sói vẫn kể hết cho tôi nghe. Thỉnh thoảng gặp sư muội trong giờ giải lao, tôi vẫn nhắc nhở sư muội hãy để ý đến Sói nhiều hơn, vì tôi không còn dạy Sói nữa nên việc sư muội nhờ tôi theo dõi có lẽ tôi không còn làm được nữa. Sư muội tôi cũng ngạc nhiên vô cùng khi biết Sói vẫn tìm đến tôi tâm sự tôi khi không còn trực tiếp dạy lớp Sói. Cũng rất nhiều lần muội ấy cũng "dụ dỗ" ngon ngọt để Sói mở lòng tâm sự, nhưng Sói vẫn cứng đầu, và dè chừng với sư muội. Bản thân tôi cảm nhận được Sói rất cô độc, và có lẽ không có chỗ dựa tinh thần nào ngoài tôi. Sư muội tôi thì động viên: "Nó đã tìm tới chị có nghĩa là rất tin tưởng, như em cạy miệng nói ngọt cỡ nào, dỗ cỡ nào nhưng cũng nhất định không nói với em, thôi thì chị hãy chấp nhận nó vậy". Sư muội nói vậy thôi thì cực chẳng đã tôi bất đắc dĩ làm người ngồi lắng nghe Sói vậy, chẳng lẽ mỗi khi rắc rối hay cần lời khuyên, sói tìm đến tôi tôi lại từ chối? Làm một người thầy không phải chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, truyền thống sư môn là thế nên tôi không thể nào làm lơ đứa học trò nổi loạn ngầm và quá cô độc này, cũng không thể bán cái hoài cho sư muội. Thật là... Sói tự nhận mình là Sói xám cô độc, đối xử như thế nào với Sói cũng làm tôi rất đau đầu, vì lúc nào Sói cũng chứng tỏ mình chín chắn, trưởng thành dù suy nghĩ còn rất non nớt trẻ con. Tôi biết thế nhưng không thể đập tan một cách thô bạo với đứa học trò nhỏ này được, tôi không muốn đối xử tiêu cực với em. Không thể gọi thẳng em tho bạo là nhóc con hay nhãi con, tôi liền nghĩ cách gọi khéo em là "Sói con", và đúng như tôi dự đoán, Sói liền phản đối tôi: "Em là sói trưởng thành". Tôi cũng không vừa đập lại: "18 tuổi mới trưởng thành, giờ mới là sói con thôi". Từ đó về sau, có lẽ Sói con biết thân biết phận hơn, cũng không hay chứng minh mình chín chắn nữa, và tôi nhận thấy Sói con cũng ngoan hơn, đã chịu nghe lời tôi nhiều hơn trước. Chưa phải là đệ tử chân truyền mà tôi đã hao tổn nơ ron để dạy dỗ đứa trẻ này, nếu tôi mà nhận nó làm đệ tử ruột, chắc tôi hại não quá!!!!!

Ngoài việc Sói nổi loạn ngầm, chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình đỗ vỡ và tính tình thất thường của mẹ. Tôi khẳng định Sói con là một đứa học trò cực kì thông minh, đôi khi đưa ra những nhận xét khá sâu sắc, bạn bè trong lớp rất nể trọng học lực của Sói và đặt cho nickname "Tiến sĩ". Sói có năng khiếu đặc biệt về Toán học và các môn tự nhiên nói chung, ghét các môn xã hội. Ngoài ra Sói còn có một cái bệnh "tự kỉ" cực kì nguy hiểm mà nói như sư muội tôi là "thần kinh của Sói không bình thường". Điển hình là một hôm, khi cả trường đang làm lễ tổng kết, bất chợt một vài đồng nghiệp của tôi thấy có bóng học sinh đang ngồi vắt vẻo trên...nóc trường. Họ vô cùng ngạc nhiên, người này trỏ người kia và hỏi có nhận ra học trò lớp nào không? Một sư muội đứng gần tôi cũng chỉ cho tôi thấy và hỏi tôi có nhận ra ai không, vì khoảng cách khá xa nên không ai nhìn rõ mặt đứa học trò này (và tôi nghĩ Sói thừa thông minh để tính toán được chuyện đó nên cậu ta cứ ngồi vắt vẻo hiên ngang như thế). Tôi trả lời với sự muội là tôi cũng không nhìn rõ, quả thực với khoảng cách đó thì không ai nhìn rõ được, nhưng linh tính của một "sư phụ" đã mách bảo tôi người đó chính là đứa học trò nổi loạn của mình, linh tính làm tôi cảm thấy gần như là chắc chắn. Thế là dù không biết chính xác, tôi vẫn móc điện thoại ra và nhắn tin (không dám gọi vì sợ đồng nghiệp biết): "Xuống dưới này ngay nếu em không muốn ăn kỉ luật, mọi người đang nhìn em kìa, em muốn thầy cô leo lên đó để bắt em xuống mới chịu à?". Năm phút sau, bóng người ngồi vắt vẻo biến mất, các đồng nghiệp của tôi thì không hiểu tại sao!!! Sau đó cả tuần Sói không lên phòng Tin học, nơi tôi dạy như mọi khi. Tôi cũng không kiếm Sói, với một đứa học trò nổi loạn, không nên vô vập quá và cho đứa trẻ thấy bạn đang lo lắng cho nó, nếu nó biết bạn lo sợ cho nó quá nhiều, có thể nó càng nổi loạn hơn. Với lại tôi không muốn có đệ tử chân truyền mà, nên nếu Sói không gặp tôi thì coi như tôi cũng không còn phải nhức đầu nữa. Vì tôi cũng không dạy lớp sói nên cũng không hỏi thăm ai được về đứa trẻ này, có lần vô tình gặp sư muội dưới sân, tôi hỏi sư muội Sói vẫn ổn chứ, có gì bất thường không thì sư muội bảo mọi việc vẫn ổn, có vẻ dạo này ngoan hơn. Tôi nghe sư muội nói xong thì biết chắc sư muội không biết chuyện leo lên nóc nhà hôm nọ rồi, và tôi cũng không có ý định kể cho muội ấy nghe, nếu muội ấy xử lí không khéo sẽ làm đứa trẻ trở nên cô độc và nổi loạn hơn, ngoài ra cả tôi lẫn sư muội sau này nó sẽ không tìm đến nữa, vì Sói sẽ nghĩ tôi và sư muội bắt tay trừng phạt Sói.

Bẵng đi một thời gian, một hôm khi tôi chuẩn bị đóng cửa đi về thì Sói lại xuất hiện trước cửa. Tôi vẫn giữ thái độ bình thường hỏi thăm như mọi khi, Sói trả lời qua loa rồi sau đó hỏi lại tôi: "Sao hôm đó cô biết là em? Em đã nghĩ là không ai biết được vì em tính hết rồi". Bạn thấy đó, Sói nổi loạn ngầm một cách nguy hiểm có tính toán. Tôi từ tốn trả lời em: "Cô biết, cô không dùng mắt để nhìn mà dùng linh cảm của một người mẹ để nhìn đứa con luôn có xu hướng nổi loạn của mình. Thế hôm đó làm gì trên nóc trường?". Sau khi nghe tôi hỏi, Sói liền móc điện thoại ra đưa hình chụp hôm đó cho tôi coi, thì ra biết trường sắp đập, cậu ta luôn trốn lên cái nóc nhà ấy sơn xịt đủ kiểu hoa văn trên nóc, trong hình tôi còn thấy cả mấy bình sơn màu cùng "tác phẩm nghệ thuật trên nóc trường" của Sói con. Hôm đó tôi đã khiển trách Sói con vì những công việc nguy hiểm, với độ cao đó có thể té nếu lỡ trượt chân, hoặc bị ai đó bắt gặp có thể ăn kỉ luật, nặng sẽ đuổi học, rằng học trò trường chuyên thì không được vô kỉ luật như thế... Dĩ nhiên là tôi không gay gắt, chỉ nhẹ nhàng với đứa học trò nổi loạn này. Sau đó để thuần chú Sói hoang dã này, tôi nói thêm: "Việc hôm đó chỉ có mỗi mình cô biết thôi, còn ngoài ra không ai nhận ra em cả, nếu cô nói em đã bị ăn kỉ luật từ hôm trước rồi, nhưng cô không muốn làm thế, cô cho em nợ món nợ này, sau này chỉ được nổi loạn trong khuôn phép. Sói con im lặng và không có vẻ gì muốn phản đối tôi cả, chỉ cười buồn: "Nhưng em vẽ có đẹp không cô?". Tôi mỉm cười: "uhm, có chút tài lẻ đấy". Hôm đó, tôi dẫn Sói con xuống căn tin trường, mua nước cho Sói uống, các học trò khác đang ngồi trong căn tin thì ngạc nhiên nhìn, vì có lẽ lần đầu tôi đối xử với một đứa học trò đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Tuy tôi không nhận Sói con làm đệ tử ruột, nhưng trong thâm tâm tôi lại không nỡ bỏ đứa trẻ cô độc này, có lẽ nó quá bơ vơ. Mà bao nhiêu người thầy giỏi nó không tìm đến, nó quyến luyến tôi làm gì cơ chứ? Sao Sói không chịu hiểu được là muốn giỏi cần phải tìm một sư phụ tài năng đỡ đầu cho mình. Sói con này cũng ...ngốc quá!!!!!

Không hiểu vì nhân duyên của tôi và lớp của Sói con đã hết hay sao ấy, kể từ khi kết thúc học kì I năm lớp 10, tôi không dạy lại lớp Sói con thêm lần nào nữa. Đến năm nay khi Sói con đã lên 12, tôi vẫn không được phân công dạy lớp của Sói dù tôi dạy hầu hết khối 12. Có lẽ duyên nợ với lớp Sói con chỉ có một học kì duy nhất, nhưng vẫn như mọi khi, Sói con vẫn lên phòng tin học kiếm tôi hàng tuần không có gì thay đổi. Năm nay sư muội nghỉ hậu sản nữa nên sư tỷ của tôi chủ nhiệm lớp Sói. Không hiểu thế nào mà Sói lại không thích sư tỷ mới đau đầu, ngoài ra Sói con hay phát biểu linh tinh chỉ trích một giáo viên bộ môn khác và đã đến tai giao viên ấy, giờ Sói đang gặp rắc rối to. Những việc này Sói có kể cho tôi nghe làm tôi "toát mồ hôi hột". Tôi không muốn nhận đệ tử mà, nên tôi không muốn sẽ phải đi giải quyết rắc rối do đứa trẻ này gây ra. Mà ác cái là Sói cũng không thân thiện với giáo viên chủ nhiệm mới của mình, còn tôi thì cũng không thân với sư tỷ lắm, nên không biết mở miệng nói với sư tỷ ra sao về đứa học trò nhỏ này. Tôi chỉ còn cách làm công tác tâm lí thôi. Năm nay là năm cuối cấp, tôi đoán chắc chắn Sói con sẽ còn nhiều vấn đề khác sẽ tìm đến tôi như kinh nghiệm ôn thi, học bài các môn có yêu tố thuộc lòng, chọn ngành nghề, định hướng ... Thú thực, tôi cũng là một đứa con xuất thân từ sư môn, tuy không phải dở tệ nhưng so với các anh chị em khác tôi nghĩ mình không bằng được họ, tự xét thấy mình yếu kém nên tôi không muốn nhận lãnh trách nhiệm làm người thầy đỡ đầu cho Sói con tí nào, thầy đỡ đầu như là bệ phóng cho học trò vậy, bệ phóng tốt vững chắc học trò mới có thể bay xa bay cao được, mà Sói con thì rất thông minh, ngặt cái ngoài tôi ra thì Sói con lại không chịu đi tìm sư phụ khác, thế mới mệt. Hôm nay tự nhiên Sói con lại lên phòng Tin học tìm tôi vào giờ ra chơi, và dĩ nhiên không quên mang theo ....một tá ty tỷ thứ rắc rối của Sói, tôi cũng dành nhiều thời gian để cho "ý kiến chuyên gia", tưởng là tạm ổn rồi nhưng không ngờ lúc tan học lại thấy Sói đứng trước cửa phòng Tin học khi tôi chuẩn bị về. Tôi ngạc nhiên hỏi xem còn có chuyện gì muốn nói với tôi không thì Sói bảo không, chỉ muốn hỏi tôi xem Sói có làm phiền tôi nhiều quá không. Tôi cực chẳng đã đành phải trả lời rằng không chút nào phiền cả, Sói luôn được welcome mọi lúc. Tự nhiên không hiểu yếu đuối thế nào tôi lại xúc động vì đứa trẻ này, nó cứ quấn lấy tôi như thế kia mà. Nghĩ sao đó tôi kêu Sói đi lấy xe đi, rồi 2 cô trò sẽ đi uống trà sữa. Cũng không phải thời gian mới biết nhau, thật là nhanh quá, Sói con đã lên 12 và cũng đã sắp phải tạm biệt mái trường khi kết thúc năm học này rồi. Tôi vẫn chưa thấy đứa trẻ này kiếm được chỗ nào làm nơi "bảo kê" cho em ấy cả, có lẽ do đứa trẻ tính khí thất thường khiến không ai muốn làm người đỡ đầu cho nó. Trong lúc ngồi uống trà, tôi bỗng dưng thành chuyên gia tâm lí, phân tích cho sói con nghe về những khó khăn của mẹ Sói, một phụ nữ li dị chồng và gánh nặng cơm áo gạo tiền nuôi 2 đứa con dễ bị stress, khuyên Sói nên thông cảm với mẹ hơn, trong lúc mẹ trút giận thì nên nhẫn nhịn vì nếu trả treo lại thì 2 mẹ con sẽ cùng nhau bốc hỏa, rằng mẹ Sói rất cô đơn. Tôi còn chỉ cho đứa trò nhỏ của mình những chiêu "nịnh" mẹ để mối quan hệ mẹ con được tốt đẹp, để tâm lí mẹ vui vẻ hơn, Sói cũng thoải mái tâm lí tập trung học hành thay vì dành thời gian hai mẹ con khẩu chiến vô ích. Tôi thấy tâm lí Sói cũng đã khá lên nhiều. Dạo gần đây Sói con còn tiến bộ thêm một điều nữa là đã bắt đầu biết thương sư muội của tôi, tức giáo viên chủ nhiệm của Sói, tôi rất mừng vì điều này, sư muội tôi cũng đã dành rất nhiều tâm huyết cho Sói con, chắc lâu dần Sói con cũng cảm nhận được. Sói con nói với tôi thế này: "Cô ơi, cô T sinh em bé được 2 ngày rồi đó, khi nào cô T về em sẽ đi thăm cô, giờ cô vẫn còn ở bệnh viện trên SG". Tôi nghe xong mà sóng mũi cay cay, cuối cùng sư muội cũng chạm được trái tim hoang dã nổi loạn của Sói con.

Dù rằng không muốn nhận đệ tử, nhưng do đứa trẻ này quá đặc biệt. Tôi biết khi có đệ tử rồi, tôi phải nỗ lực nhiều lắm, thậm chí là phải tự học nhiều thứ để có thêm nhiều hiểu biết giúp đỡ cho học trò mình. Sau này Sói sẽ lớn lên, có bạn gái, lại phải làm chuyên gia tâm lí tình cảm, rồi đi làm gặp rắc rối với đồng nghiệp - phải làm chuyên gia tư vấn....Rồi phải hiểu biết nhiều để định hướng cho Sói một tương lai tươi sáng nữa, trách nhiệm nặng vầy tôi có làm nổi không? Trong khi tôi con đang chới với chưa tìm ra đường cho chính mình, thỉnh thoảng vẫn còn phải chạy về cầu cứu sư phụ, liệu tôi có đủ sức mạnh làm chỗ dựa cho đứa trẻ này không? Tôi phân vân quá, làm sư phụ đỡ đầu rất rất khác với sư phụ bình thường mà. Tôi từng có sư phụ đỡ đầu trong sư môn, thầy tôi thì khỏi nói rồi, luôn là chỗ dựa tinh thần cho tôi, thậm chí giải quyết những khó khăn về vật chất những lúc tôi khó khăn thời tôi còn đi học. Thầy là người bảo vệ tôi những lúc cần thiết, nếu có ai đó nói oan hoặc chỉ trích tôi, thầy tôi sẽ sẵn sàng "bênh vực" tôi ra mặt. Những năm tháng tôi rời xa mái trường, thầy luôn theo dõi tôi từng bước một, nâng đỡ khi tôi vấp ngã và chờ ngày tôi học xong để "lôi cổ" về sư môn. Giờ có đứa học trò đã chọn tôi, mà tôi lại muốn thoái thác trách nhiệm này, tôi cảm thấy xấu hổ về mình và ý nghĩ ích kỉ của mình. Tôi phải làm sao đây??????Hay là tôi nhận nó làm đệ tử cho rồi nhỉ????

2 nhận xét:

  1. Mình nghĩ là Yun nên nhận đi, coi như là nhân duyên vậy, không dưng mà có 1 người tin tưởng mình đến thế đâu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có điều xét thấy mình không có đủ tầm nhìn, chưa phải là loại người có thể nhìn ra trông rộng. Sợ nếu nhận làm đệ tử ruột rồi không giúp đỡ được nhiều cho nó. Nếu là sư muội của mình, mình biết chắc sẽ rất có ích cho tương lai của đứa trẻ này, ngặt nỗi Sói con rất cứng đầu.

      Xóa