Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Lữ khách (8)


13. Hữu duyên thiên lí:
Tôi về China town ăn uống. Thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng người Việt nói chuyện với nhau trong khu chợ nhưng tôi không có làm quen. Tôi về khách sạn tắm rửa, nghỉ mệt rồi đi dạo chợ buổi tối, tôi chưa có ý định mua gì, chỉ đi tham khảo giá thôi, khi nào gần về tôi mới mua sau. Lời hứa với anh M lúc chiều tôi quên từ lâu rồi vì dễ gì gặp được nhau ở cái chợ này, to thì không to, nhưng đông người thế cố tình kiếm chưa chắc đã thấy, đừng nói vô tình (Nói tới anh ấy mới nhớ, từ khi đi bụi về tôi chưa nhắn tin hay điện thoại cho anh ấy nữa, giờ viết kí sự tôi mới nhớ ra điều này đấy), đang miên man coi mấy đồ lưu niệm, tôi nghe có giọng Việt đang nói chuyện với nhau cùng gian hàng với tôi, tôi ngước lên thấy anh M đang nói chuyện với bạn anh ấy, hình như anh ấy chưa thấy tôi, tôi liền gọi. Anh M cũng vô cùng ngạc nhiên, anh ấy bảo đúng là chúng tôi có duyên thật, và bảo tôi phải biết trân trọng cái duyên đó mới được. Tôi mỉm cười. Anh M đi chung với 2 người bạn, 2 người bạn này đều nhỏ tuổi hơn anh ấy tới 4-5 tuổi gì đó. Một nam, một nữ tôi lại quên mất tên hai người này. Người nam là bạn anh M, người nữ là bạn của người nam. Tôi nhanh chóng nhập nhóm với họ, cô bé trong nhóm khá thân thiện, hơi nhõng nhẽo với anh M một chút, nhưng lại nói chuyện rất đại ca với thằng bạn cô ấy, bé này nói chuyện khá có duyên. Thấy cô bé ấy hay lẽo đẽo theo anh M nên tôi ý tứ đi sau họ chút, với lại tôi đi dạo chung hay đi riêng cũng chẳng có vấn đề gì. Anh M cũng khá ý nhị, anh ấy thường cố ý dừng lại chờ tôi đi cùng, và giúp tôi nhanh chóng quen với 2 người bạn của anh ấy, cô bé kia thấy vậy nên cũng không nhõng nhẽo với anh M nữa, đi lên phía hàng trên cùng thằng bạn, để tôi đi chung với anh M. Thỉnh thoảng tôi lại đi chung với bé ấy để trò chuyện, anh M đi chung với bạn anh, nhóm chúng tôi mọi người khá cởi mở nên nói chuyện được, phong cách mua sắm cũng giống nhau, nghĩa là mua cái gì cũng chày cối trả giá, trả xong rồi, cả nhóm cùng mua với giá đó. Nhóm tôi tới đồ lưu niệm của một thằng Hồi, vừa trả giá vừa chọc tức tên Hồi này, hắn ta cũng khá có duyên, còn biết nói giá cả bằng tiếng Việt với chúng tôi nữa kia đấy, còn chúng tôi cứ nói tiếng Anh với hắn. Có lẽ hắn nghe chúng tôi nói tiếng Việt với nhau nên nhận ra. Kiểu trả giá của chúng tôi đúng kiểu có kè bớt một thêm hai luôn đó, cuối cùng thấy giá cũng hợp lí rồi cả nhóm quyết định mua. Bạn anh M tuy là con trai nhưng khá sành giá cả, trả giá tương đối sát. Tôi mua rất ít đồ lưu niệm, vì lần này tôi không có ý mua quà lưu niệm nhiều về tặng linh tinh một số người, chỉ chọn lọc thôi, kinh nghiệm lần trước đi Thái mua cho mỗi người có một món đồ bé xíu mà ngốn hết chi phí hơn 3 ngày ăn chơi ở Thái của tôi. Tóm lại mua đồ lưu niệm rất tốn kém nếu cứ cái kiểu ai cũng mua tặng. Bạn anh M tuy trả giá tốt, nhưng hắn ta mua rất nhiều, cái kiểu người VN hay có tình trạng “đòi quà” khi đi du lịch hoặc đi xa về, bây giờ tôi bắt đầu khó chịu với những ai có cái tật đó, cho họ đi một lần rồi mua về tặng đại trà cho biết thế nào là khổ thân. Thế nên mới có tình trạng người đòi quà chưa chắc tôi tặng, người không đòi nhưng tôi lại có ý tặng từ trước. Bạn anh M mua khá nhiều, hắn giải thích là từ người nhà, bạn bè, hàng xóm ai cũng nhắc khéo cái vụ quà, chỉ mua đồ lưu niệm như móc chìa khoá và một số thứ linh tinh thôi mà ngốn của hắn gần 4tr tiền Việt, hắn cầm nguyên cái bọc to nặng, tôi thấy khủng khiếp quá. Tôi mua mấy cái khoảng 1- 2 trăm ngàn cho có lệ thôi, anh M mua nhiều hơn tôi, nhưng cũng không hơn đáng kể. Anh M rủ tôi sáng hôm sau đi động Batu cùng nhóm bạn anh luôn, nhưng bạn anh bảo mai có việc bận nên dời sang ngày kế nữa. Anh M hỏi tôi có đi được không? Nếu đi được thì mai gửi mail trả lời cho anh ấy biết. Anh ấy khá nhiệt tình với tôi, có lẽ thấy tôi đi một mình nên luôn rủ tôi đi cùng anh những lúc có thể. Tôi nói với anh ngày mai tôi sẽ gửi mail trả lời. Anh cứ dặn tôi là nhớ gửi mail cho anh. Mua sắm xong chúng tôi chia tay nhau, tôi về ngủ một giấc thật ngon.
14. Đường đến tháp đôi
Sáng hôm sau tôi dậy ăn sáng, và ra trạm bus leo lên xe GoKL đi tham quan tháp đôi. Tôi chẳng cần bản đồ, leo lên xe tôi ngồi phía tay trái, sau đó vừa ngắm cảnh vừa…nhìn lên trời, tháp đôi khá cao, nên cứ khi nào thấy tháp đôi hiện ra to một chút là tôi xuống trạm ngay rồi cũng theo phương pháp nhìn trời đó mò được đến tháp đôi. Bản đồ bị tôi vô hiệu hoá từ lâu rồi, heheh. Lúc đầu đến KL tôi cũng có bản đồ gì đâu, tôi hầm hố có thâm niên mà. Vì tối hôm trước tám với anh M anh ấy bảo là phía sau tháp đôi có cả một khu vườn rộng, có hồ bơi có thể xuống đó tắm được, khu trò chơi trẻ em và còn cả vòi nước uống miễn phí nữa. Nghe thế, tôi di dạo quanh khu mua sắm trong tháp đôi xong là chạy ra khu vườn đi dạo ngay. Tôi định mua vé lên đỉnh tháp, nhưng tôi có linh cảm rằng sẽ có lúc nào đó tôi sẽ lên với giá địa phương thôi, phí lên tháp đôi cũng chẳng rẻ gì. Dân nước ngoài lên đỉnh tháp đôi khoảng 30usd đó nhé (không biết tôi có nhớ nhầm không, lâu rồi có thể tôi nhớ không chính xác). 
Trung tâm thương mại bên trong toà tháp
Khu vườn phía sau tháp đôi


 (sorry mọi người, dạo này mệt quá Yun không có hứng viết bài, mọi người thông cảm nhé)

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Lữ khách (7)

11. Bơ vơ xứ người
Người soát vé đánh thức tôi dậy vào lúc trời mờ sáng, anh ta nói với tôi là khoảng 30 phút nữa xe sẽ đến trạm K.L Sentral, tôi ngồi dậy và sửa soạn đồ đạc, chưa biết đi đâu về đâu. Xe dừng tại một trạm, tôi ngồi đó chưa nghĩ là đã đến trạm, thấy thiên hạ kéo nhau xuống ầm ầm, tôi hơi chột dạ. Tôi hỏi anh chàng hồi giáo gần đó, anh ta bảo chưa tới (bố mấy thằng hồi giáo), tôi hỏi lại lần nữa, anh ta bảo là K. L Sentral, tôi liền phóng xuống một mạch. Công nhận dân hồi họ đi nhanh kinh khủng, xuống xe tôi thấy họ đi như bay tới thang máy đi lên lầu, tôi lớ ngớ phóng theo họ luôn (vì thực ra chẳng biết đi đâu) Vừa đi tôi vừa hỏi thăm đường (tôi hỏi vớ vẩn thôi, chứ biết đường đâu mà hỏi) và yên tâm rằng mình đang ở trạm K.L Sentral. Lần đầu tiên trong đời, tôi trở thành ngố Tàu hai lúa có đẳng cấp luôn. Mọi người tới máy xếp hàng mua cái thẻ gì đó, thao tác họ rất nhanh. Yun ngố bắt đầu lúng túng, tới ngó nghiêng xem thử có gì hay ho. Thì ra họ mua thẻ đó đi tàu điện, Yun ngố đập vai một anh chàng vừa mua xong thẻ nhờ anh ta mua dùm, anh ta hỏi Yun ngố đi đâu, Yun trả lời đại là đi KLCC (Tại không tham khảo tài liệu trước nên Yun ngố nói liều), thao tác anh ta làm nhanh kinh khủng, rồi đưa Yun ngố cái thẻ, tiền thừa xong anh ta bỏ đi rất nhanh (chắc vội, thời điểm sáng sớm mà). Yun ngố đến chỗ thanh barie đang chắn, dùng thẻ quơ qua quơ lại cuối cùng nó cũng kêu cái tách và mở ra cho Yun ngố đi vào khu vực chờ tàu điện. Có 2 thang máy, một bên trái vá một bên phải. Yun ngố đi đại sang cái bên phải, thiên hạ đang ngồi chờ tàu khá nhiều, hỏi thăm có phải sẽ đi tới KLCC không thì có người bảo Yun ngố là phải sang phía bên kia, thế là Yun ngố lại lội thang máy xuống phía dưới và đi qua thang máy phía trái. Chờ một chút, tàu điện kêu vù vù chạy tới, khá là nhanh, họ lên tàu Yun ngố cũng lên theo, lại hỏi thăm xem cái trạm KLCC nằm ở chỗ nào, thật khổ thân cho Yun ngố, cứ như người ở thế kỉ 19 lạc vào thế kỉ 22 vậy, ở VN có biết tàu điện là gì đâu, giờ còn thêm lạ nước lạ cái, lại không biết đi đâu về đâu. Một mẹ lớn tuổi chỉ Yun ngố xuống trạm, xuống rồi mới biết đó không phải là trạm KLCC, dân Hồi gần như không bao giờ biết cười tại thời điểm Yun ngố sống lúc đó. Hỏi thăm đường thường nhận được câu trả lời không biết từ họ, thế là Yun ngố lại chờ chuyến tàu điện kế tiếp leo lên (nếu chưa ra khỏi cổng thì không cần mua vé lại đâu) rồi cũng hỏi thăm khí thế, cuối cùng Yun ngố cũng xuống đúng cái trạm KLCC đó. 

Ra khỏi trạm không biết mình sẽ đi đâu, vì không có cái bản đồ nào, cũng không chuẩn bị kế hoạch hay đọc tài liệu trước. Nhớ có lần đọc đâu đó khu China town khá rẻ, biết cái tên China town cũng tốt, giờ hỏi thăm đến China town vậy. Hỏi khoảng 3-4 người họ đều chỉ leo lên taxi cho nhanh, Yun ngố cũng tính đi Taxi rồi, nhưng lại nghĩ: “Mình đang làm gì vậy trời? hình như mình đang là con gà du lịch”. Nghĩ thế Yun ngố liền chạy tới hỏi mấy chiếc xe bus đang đậu gần đó, hỏi 2-3 chiếc mà chẳng chiếc nào về China town. Yun ngố hết kiên nhẫn hỏi chiếc cuối cùng thì họ bảo có, Yun ngố leo lên luôn (xe 79 thì phải). Lúc xuống xe, bà soát vé mới bảo Yun ngố đi về phía trước thêm mấy trăm mét nữa, rồi sau đó hỏi thăm, khu China town gần đó. Cũng may Yun ngố không có nhiều đồ, nếu không có phải là khổ thân không??? Đi mệt chẳng thấy cái China town đâu, Yun ngố hỏi một anh đi đường, anh ấy bảo cứ đi theo anh ấy, vừa may anh ấy cũng đang đến China town. Tới nơi Yun ngố thấy cái bảng to đùng : Jalan Petaling Street cùng với đèn lồng treo khắp đường như lễ hội, đúng là China Town. Yun ngố kiếm nhà trọ cùng khách sạn. Sau nhiều ngày lênh đênh cuối cùng đã tới được thủ đô Malay, Yun ngố quyết định thưởng cho mình một đêm ngủ khách sạn cho sướng, rồi ngày hôm sau mới ở bình thường như thường lệ. Kể ra thì lúc đó Yun cũng máu quá, nếu ở guesthouse thì sẽ rẻ hơn rất nhiều, nhưng vì muốn được ngủ một đêm ngon giấc với tiện nghi đầy đủ và tắm vòi nước nóng nên Yun xài sang luôn. Một đêm ở khách sạn tính ra gần cả triệu, giờ nghĩ lại thấy lúc đó Yun ngố phí quá!!!

12. Ăn chơi
Yun ngố đi tắm xong ngủ một giấc đến trưa rồi ra chợ ăn trưa. Khu China town có nhà hàng Kim Kan Lee (không biết ghi có chính xác không nữa, lâu quá quên mất) ăn cũng khá được, ẩm thực mang hương vị Trung Hoa, giá cả cũng không đắt đỏ lắm, tầm trên dưới 100k tiền Việt cho một món ăn. Yun ngố hay ăn chỗ này, vì cũng khá ngon, mỗi bữa đều gọi thức ăn khác nhau để thưởng thức. Trung bình thời gian ở Mã, Yun ăn khoảng 5 bữa/ ngày. Sở dĩ ăn nhiều vậy là do sợ không biết khi nào mới được tới Mã nữa nên ráng ăn hết sơn hào hải vị có về nhà cũng đáng công đi ngàn dặm xa xôi tới đây J Ngoài nhà hàng Kim Kan Lee, Yun ngố cũng ăn các món ăn xung quanh khu China town, gần như món nào cũng ghé vào ăn cho biết rồi. Xung quanh đó thì cũng có chỗ mắc chỗ rẻ. Rẻ nhất cũng tầm 40k một bữa, trừ thức ăn hồi giáo Yun ngố không thích lắm, còn lại thức ăn Trung Hoa món nào Yun ngố cũng ok. Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây mà, hehehe… Thức ăn vặt xung quanh chợ thường có nước trái cây, nước bí đao, trái cây tươi, tàu hũ, sữa đậu nành… Cái này Yun ngố ăn nhiều lắm, cứ đi dạo chợ là hay ăn vặt, thời gian ở Mã là sướng nhất, ăn uống suốt ngày. 

Sở dĩ ngày đầu tôi thuê khách sạn sang ở là do tôi nghĩ tôi sẽ mệt không đi đâu được, ở khách sạn máy lạnh cho thoải mái, nhưng sau khi “thực bào” xong sơn hào hải vị vào buổi trưa, tôi không muốn nằm nhà cho phí ra, chân tôi chỉ muốn đi chơi, tôi xuống tám với thằng phục vụ thì hắn ta cung cấp cho tôi thông tin là ở Kuala lumpur có xe bus thành phố miễn phí, trạm xe bus cũng không xa chỗ tôi ở, đi bộ chút là tới. Tôi hỏi đường cho biết nhưng không đi theo hướng anh ta chỉ, tôi muốn đi bộ dạo khu vực xung quanh trước. Tuy đã có lấy được bản đồ từ khách sạn nhưng tôi không dùng, tôi đang thực hành việc xác định phương hướng nên thử không sử dụng bản đồ xem có bị lạc không, tôi quẹo tùm lum và nhớ, định lát sẽ thử theo đường khác về xem có bị lạc không. Tôi đi đại và ngẫu nhiên tới Galeri Kuala Lumpur, nơi trưng bày mô hình thành phố thu nhỏ, cũng như cung cấp những thông tin hữu ích về các nơi trong thành phố cho khách du lịch tham quan, mua sắm. Trong Galeri KL có một buồng tối, chứa mô hình thu nhỏ toàn thành phố. Có nhân viên hướng dẫn bạn đi vào, thỉnh thoảng người ta cũng bật đèn sáng lên để bạn quan sát mô hình ở các trạng thái sáng / tối khác nhau. Tôi thấy một anh chàng mặc áo trắng, đeo kiếng cân đang chụp hình lia lịa (như tôi đã nói rồi, tôi thích con trai mặc áo màu trắng) linh tính mách bảo tự nhiên tôi buột miệng: “Việt Nam?”, anh ta nhìn tôi theo phản xạ tự nhiên, trả lời “Yes, and where are you from?”. Tôi nói tôi là người Việt Nam luôn, thế là chúng tôi trò chuyện với nhau bằng tiếng…Anh, nói một hồi mệt quá, anh ta đề nghị: “Thôi, người Việt nói tiếng Việt cho nhanh, nghe nhức đầu quá”, hehehe. Anh ấy tên M, người Đà Nẵng, trước đây là giảng viên ĐH Đà Nẵng, nhưng sau đó anh ấy chuyển sang làm cho một công ty ở Hà Nội, anh ấy cũng là dân công nghệ thông tin. Anh M khá gần gũi, nói chuyện có duyên, nhìn rất trẻ, tôi không gọi anh mà gọi bằng bạn (vì sợ hớ hàng) sau này tôi mới biết anh ấy lớn hơn tôi 2 tuổi. Anh ấy cũng là một người đẹp trai kiểu thư sinh trí thức (lại dính vào trai đẹp, phiền thật). Anh hỏi tôi sau khi tham quan xong ở Galeri KL thì tôi tính đi đâu, tôi nói tôi chưa biết đi đâu, anh rủ tôi đi chung với anh ấy, anh đang tính đi tháp đôi. Anh M cũng vừa đến K.L hôm qua bằng tàu lửa từ Singapore. Lúc tôi định đi chung với anh ấy tham quan tháp đôi thì mới phát hiện anh ấy mua cái thẻ xe bus tham quan tự do gì đó có giá khoảng 15 usd. Dùng thẻ đó có thể leo lên các tuyến xe bus đi khắp thành phố tham quan trong ngày. Nếu ban đầu tôi chưa biết thông tin xe bus miễn phí, có thể tôi sẽ bỏ 15usd (45 đồng Mã) mua thẻ đi cùng với anh ấy, nhưng việc chênh lệch giá giữa 0 đồng và 15 usd khiến tôi phân vân, cho dù đi dịch vụ 0 đồng có thể đi được ít chỗ hơn nhưng vẫn đáng hơn 15usd đi vớ vẩn trong ngày, nếu thế tôi thà đi taxi. Yun kì lạ thật, sẵn sàng bỏ gần cả triệu đồng ở khách sạn, nhưng lại phân vân 15usd!!! Mặc dù bỏ trai đẹp đi một mình tiếc thật, nhưng mà thôi. Anh M cũng lưu luyến Yun lắm, hai bên xin địa chỉ mail của nhau, nhưng Yun thấy cũng phiền phức (đâu có ý định gặp lại đâu) nên cuối cùng không trao đổi email với nhau nữa. Yun tạm biệt anh M, định đi về chỗ trạm xe bus miễn phí tham quan thành phố xem sao. Anh M chạy theo, dúi vào tay Yun số điện thoại ở Mã của bạn anh ấy, anh ấy đang ở nhờ nhà người bạn này, anh bảo Yun hãy gọi điện cho anh ấy tối nay hẹn nhau đi chơi, tối bạn anh ấy đi làm về sẽ cùng nhau đi chơi cho vui. Yun gật đầu cười, nhưng không mặn mà lắm, Yun bảo Yun không xài điện thoại khi đi bụi. Anh ấy nghĩ thế nào nên hỏi Yun đang ở khu China town à, vậy tối nay anh ấy sẽ rủ bạn anh ấy cùng tới đó, nếu Yun ngại điện thoại thì thôi, hi vọng nếu có duyên sẽ vô tình gặp được nhau. Sau đó anh ấy ghi thêm số điện thoại ở VN của anh ấy cho Yun, nói rằng nếu lỡ tối nay không vô tình gặp được thì về VN nhớ điện thoại hoặc nhắn tin cho anh ấy. Từ hôm ra nước ngoài tới giờ mới gặp được người VN tử tế đấy. Yun cũng khá cảm động.
Tôi gặp đồng hương tại đây nè :)

Yun đi về hướng trạm xe bus. Việc đi tuyến bus miễn phí này nhiều người Việt đi Mã chơi không hề biết đâu nhé, vì người Việt đi chơi hay đi nhóm và chuyên chơi với nhóm của mình mà không hề có thói quen tám với dân địa phương. Thế là chiều hôm đó, tôi đi xe bus tham quan thành phố. Xe bus có có tuyến: Purple line và Green line, 2 xe này sẽ chạy chung một số cung đường trong trung tâm, cho nên muốn đi tuyến còn lại, cứ việc tới các trạm giao nhau giữa 2 tuyến là bạn xuống xe. Mang tiếng là miễn phí, nhưng phục vụ khá tốt, người dân thành phố sử dụng dịch vụ này đi làm hoặc đi mua sắm rất nhiều. Tôi đi xe bus nhưng không xuống xe, chỉ quan sát mà thôi, từ xe bus tôi nhìn thấy toà tháp đôi nên tôi dự tính ngày hôm sau sẽ đi tháp đôi chơi cho biết. Đi tham quan một vòng xe bus chở về trạm lúc đầu tôi đã leo lên, lúc gần về trạm, tôi mới phát hiện ra gần đó có trạm tàu điện là Psar Seni, vậy mà khi sáng tôi đi tàu điện một mạch tới KLCC, sau đó phải đi bus lội ngược về China town cơ đấy. Bạn nào đi kiểu giống tôi, khi xuống xe lửa ở KL Sentral, bạn chỉ cần mua vé tàu điện tới trạm Psar Seni thôi nhé (rẻ hơn mua thẻ đi KLCC đấy). Tới Psar Seni rồi xuống hỏi người ta China town ở đâu, chỉ 3 phút đi bộ thôi. Từ KL Sentral đi xe điện thì trạm Psar Seni là trạm đầu tiên mà tàu điện dừng lại đấy, leo lên tàu mà thấy tàu dừng là xuống ngay, đi cái vèo 2-3 phút gì thôi, tôi nhớ là cũng nhanh lắm.
Xe bus GoKL miễn phí

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lữ khách (6)

9. Bạn đường xa
Sky đang là nghiên cứu sinh của một trường đại học tại Bangkok, Thái Lan. Anh ta cũng thích đi bụi lắm, cái này không phải là anh ta nói, mà là do tôi đoán. Anh ta bảo mọi lần chỉ đi một mình, nhưng lần này dẫn bố mẹ đi xuất ngoại cho biết đó biết đây. Nhìn tướng bố mẹ anh ta có vẻ chẳng thích du lịch mấy, chắc bị thằng con trai “dụ” nên hai ông bà lão cũng khăn gói theo con đi bụi cho biết. Anh ta hỏi tôi sao không đi chung với bạn, tôi lưu manh bảo chỉ muốn đi với bạn trai, nhưng vì chưa có bạn trai nên đi một mình. Sky nghe thế cười thẹn thùng bẽn lẽn, chắc anh ta nghĩ tôi thuộc loại “lưu manh”, sự thật anh ta nào biết ở nhà tôi chết nhát hơn anh ta tưởng, hehehe. Tôi hỏi anh ta có đi Kuala Lumpur không, tôi đang trên đường đến đó. Sky lôi bản đồ ra, nói với tôi lần này anh ta chỉ dẫn bố mẹ tới một nơi nào đó gần biên giới Thái- Mã (tôi quên mất tên gì rồi) và Langkawi mà thôi, những lần trước anh ta tới Kuala Lumpur rồi. Tôi bảo đây là lần đầu đi Mã, nên tôi muốn tới Kuala Lumpur trước. Gia đình Sky chỉ đi chung với tôi một đoạn ngắn rồi họ xuống xe, tôi có cảm giác thời gian trôi rất nhanh mà chúng tôi còn chưa hết chuyện để nói. Tôi trao đổi email với anh ta, Sky hẹn nếu tôi có đi về Thái, hãy hẹn nhau đi chơi, tôi gật đầu. Anh ta nói chuyện với tôi thì e lệ thật đấy, nhưng anh ta cũng không hẳn là sợ phụ nữ đâu nhé, cái kiểu anh ta phi thẳng đến chỗ tôi lúc đầu và còn dám hẹn tôi nếu về Bangkok thì đi hẹn gặp nhau nữa thì biết anh ta cũng chẳng vừa. May mà hôm đó anh ta đi với bố mẹ, nếu không anh ta dám rủ tôi đi cùng cũng nên, hehehe. Nhưng cũng vì đi với bố mẹ, mà tôi mới giở thói lưu manh, anh ta đi một mình chưa chắc tôi dám, vì cảm giác sẽ không an toàn.

Gia đình Sky xuống xe một lúc thì 3 cô gái đạo hồi lên xe và ngồi ngay đúng chỗ của tôi. Họ là sinh viên và đang trên đường về thăm nhà. Có một cô bé nói khá tốt tiếng Anh, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay trao đổi với nhau. Họ hỏi tôi là… hồi giáo Việt nam hả? Tôi mới giật mình, vì tôi đi bụi hay trùm cái khăn lùm xùm y như hồi giáo ấy, ngoài tác dụng che nắng, nó còn một tác dụng khác là mỗi khi tôi sợ hãi, tôi hay che mặt lại để người khác khỏi thấy mặt tôi biến sắc. Tôi cười, bảo không phải, phụ nữ Việt Nam hay dùng chiếc khăn đó để bảo vệ da khỏi ánh nắng. Họ nghe thế đều mỉm cười, 3 cô hồi giáo này khá thân thiện, sau này vào tới thủ đô, tôi gần như không hề thấy các cô hồi giáo biết cười. Cảnh hai bên cánh đồng Mã khá đẹp, nông dân Mã cuộc sống có lẽ cũng tương đối tốt. Tôi thấy những ngôi nhà liên kế xây khá đẹp trên đường đi, ít ngó thấy những ngôi nhà lụp xụp. Đi cũng khá lâu thì 3 cô sinh viên hồi giáo cũng xuống xe. Tôi ngồi một mình cho đến khoảng 2h chiều thì tàu dừng lại tại ButterWorth. Thấy hai cô gái người Mỹ đang ngủ tôi gọi họ dậy, hai cô này bảo với tôi là đang tính đi Kuala Lumpur, tôi nghĩ mình sẽ có bạn đi tiếp nên có ý đi cùng cho vui. Tàu dừng lại, mọi người kéo nhau xuống tàu và đi như ma đuổi, trong khi tôi còn ngơ ngác chưa biết phải làm thế nào. Đang đứng lớ ngớ có mấy người tới hỏi han tôi cảm giác sợ nên tôi và hai cô người Mỹ liền đi về hướng đám đông đang di chuyển. Tôi cố tìm văn phòng xe lửa để mua vé nhưng không thấy. trong lúc di chuyển, tôi để ý thấy có biển chỉ dẫn hướng đi qua phà (Mà tôi biết chắc sẽ đi Pengnang), đi thêm một lúc thì thấy có những chiếc taxi đang đỗ, tôi hỏi thăm thì biết có trạm xe bus đi Kuala lumpur gần đó. Tôi muốn đi xe lửa tới thủ đô, vì qua chuyến xe lửa vừa ngồi, sức khoẻ tôi rất tốt, lại ít say xe, hơn nữa tôi có thể đi vệ sinh lúc nào cũng được, đi xe bus lỡ uống nhiều nước mà xe không dừng thì cũng khá khó chịu. Hai cô gái người Mỹ bỗng đổi ý muốn đi taxi, còn những hành khách khác sau khi xuống xe họ đi nhanh như ăn cướp và biến đâu mất hết. Tôi một mình đứng giữa cái trạm ButterWorth trưa hôm đó mà rùng mình, vắng ơi là vắng. Đi xe bus thì có thể lên xe liền về Kuala Lumpur, nhưng tôi đoán sẽ xuống thủ đô lúc nửa đêm, như vậy khá nguy hiểm cho tôi. Giờ đó kiếm nhà trọ khó, kiếm được có giá trên trời cũng phải ở, chỉ có đi tàu lửa vào buổi tối, sáng hôm sau tới nơi là ngon nhất, vừa an toàn vừa rẻ. Tôi loay hoay không biết đi đâu về đâu thì thấy một quầy đổi tiền. Tôi nghĩ thầm: “Đổi tiền trước đã, sau đó mới tính”. Tôi đổi xong tiền thì hỏi người bán hàng là quầy bán vé xe lửa ở đâu, ông ta chỉ về hướng tôi vừa đến. Tôi nghĩ thầm, sao quái lạ thế, tôi quan sát nãy giờ có thấy gì đâu, chẳng lẽ tôi bỏ sót chi tiết nào? Tuy nhiên tôi vẫn đi ngược lại, buổi trưa vắng hoe đến lạnh người, nếu bị giết chắc tôi mất xác còn không ai biết. Thấy một người công nhân đang ngồi ở đằng xa, tôi chạy lại hỏi, thì ông này chỉ ngược lại chỗ đổi tiền. Đi tới đi lui tôi mệt nên đứng đó không biết tin ai, cuối cùng tôi cũng đi về hướng quầy đổi tiền, thì mới phát hiện ra là cái quầy bán vé đối diện quầy đổi tiền, chỉ cách vài bước chân. Thế có giận cái cha đổi tiền không kia chứ, ngay trước mặt mà dám chỉ tôi đi mút chỉ cà tha.
Trạm xe lửa ButterWorth vắng teo không bóng người
Quầy đổi tiền trước phòng bán vé xe lửa

10. Thời gian chết
Tôi vào văn phòng bán vé, mua vé xe lửa đi Kuala Lumpur vào lúc 10h tối. Lúc đó mới chỉ hơn 2h chiều, thời gian còn rất nhiều. Vì ở khu vực này vắng teo nên tôi không dám đi ra xa khỏi văn phòng bán vé, sợ nguy hiểm. Tôi thấy trong văn phòng bán vé có cả văn phòng cảnh sát, tôi nghĩ ở trong đó vẫn an toàn hơn là lang thang ở ngoài. Trong toà nhà chờ có ghế ngồi đợi khá rộng rãi, có tivi xem, có máy lạnh và nhà vệ sinh sạch sẽ nữa. Trong nhà chờ không có ai, trừ một cô gái người Mỹ cũng đang đợi xe đi Kuala lumpur vào đêm giống tôi. Tôi có nói chuyện với cô ấy một chút, cô này đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp cô ấy đi bụi đến nay đã hơn một năm. Cô ấy hỏi tôi không mang theo sách để đọc à, tôi bảo tôi chỉ mang theo mỗi cuốn Lonely Planet về Lào thôi, cô ấy cười bảo thời gian chờ còn lâu lắm, tôi sẽ chán. Tôi cười bảo không sao. Tôi mời cô ấy ăn kẹo C, đi bụi dài ngày tôi ít ăn trái cây nên ngậm kẹo C để bổ sung Vitamin cho cơ thể. Xong, tôi nhờ cô ấy coi hành lí dùm, tôi soạn ít đồ và mang theo những thứ quan trọng đi vào nhà vệ sinh tắm. Tối hôm trước trên tàu tôi có tắm táp gì đâu. Tắm xong tôi quay trở lại, và bắt đầu xem bộ phim đang chiếu trên tivi, có phụ đề tiếng Anh nên tôi theo dõi khá dễ. Bộ phim nói về một người đàn ông hồi giáo đa tình, có 2 người phụ nữ, một người là vợ chính thất của anh ta nết na thuỳ mị, một người kia là vợ lẽ, có với anh ta 2 đứa con và có cuộc sống rất khổ sở, ba mẹ con làm thuê sống qua ngày. Người vợ lớn biết anh ta có vợ lẽ  bên ngoài thì ngất lên ngất xuống vì quá đau khổ, còn người vợ nhỏ thì cũng khá tôi nghiệp và đáng thương… Tôi xem bộ phim đó mà cảm động ghê lắm, suýt khóc mấy lần, tôi mít ướt mà. Khoảng 4h thì hết phim. Người bán vé cũng đóng cửa đi về, chỉ có tôi và cô người Mỹ vẫn ngồi ở phòng chờ. Có một ông chú mặc quần áo công nhân cứ đi qua đi lại chỗ chúng tôi hỏi đi Kuala Lumpur hả, cô người Mỹ trả lời, còn tôi thì im lặng. Chú ta nhìn nhìn tôi, thấy thái độ của tôi không thân thiện hay sao đấy, thấy vậy chú ta ra cửa hàng đối diện mua bánh mời cô người Mỹ ăn mà không thèm mời tôi. Tôi nghĩ bụng: “Định chọc tức à? Còn khuya nhé, có mời tôi cũng không dám ăn”. Một lát chú ta đi đâu đó, cô người Mỹ phàn nàn với tôi rằng cái ông chú ấy nhiều chuyện quá, cứ nói suốt. Sau đó cô ấy ra ngoài đi đâu đó, tôi ngồi một mình lấy đồ ra ăn tối, rồi ra trước cửa hàng mua thêm bánh quy để dành ăn. 

Phòng chờ

Một vài người cũng vào phòng đợi mua vé, tôi đi loanh quanh phòng đợi. Tôi đi lang thang quanh sảnh ngắm các bản chỉ dẫn và dừng lại xem bản đồ Penang. Đang coi say sưa, một bé trai khoảng 7- 8 tuổi chạy đến nắm tay tôi và hỏi tôi một câu gì đó bằng giọng trong veo cao vút, tôi nhìn em, trả lời bằng tiếng Anh rằng tôi xin lỗi vì không hiểu. Em ngước cặp mắt to đen nhánh nhìn tôi, rồi chỉ vào vị trí đâu đó trên bản đồ. Tôi thực sự không thể đoán được em muốn nói gì, nhưng tôi thấy em đáng yêu vô cùng. Lúc đó, tôi phát hiện ra rằng nói chuyện với trẻ con rất dễ, bạn không cần biết ngôn ngữ, cũng không cần dùng body language làm gì cho mệt, chỉ cần bạn trả lời hoặc nói bất cứ tiếng nào, bạn vẫn có thể trở thành “bạn” của chúng, trẻ con không kén chọn như người lớn chúng ta, chúng kết bạn mà không cần tìm hiểu về người bạn, chỉ cần bạn thân thiện chơi với chúng là được. Tôi và nhóc đó kết bạn như vậy đó, tiếc là giờ về đến nhà tôi lại quên mất tên của nhóc rồi, hic hic. Chúng tôi làm quen với nhau một hồi có vẻ đã rất thân thiết, nhóc dẫn tôi đến chỗ mẹ nhóc đang chờ mua vé, lúc đó nhân viên bán vé đã nghỉ, người đi làm ca đêm chưa tới. Mẹ nhóc mỉm cười với tôi, gương mặt cô ấy đen đúa, già nua, khắc khổ, trên trán có một bệt trắng lớn nhưng sự thân thiện của cô ấy cũng không kém con trai. Cô ấy không biết nói tiếng Anh, ngoài một số từ như tên tôi là gì, từ đâu tới. Nhưng chúng tôi đều cố gắng nói chuyện, và nhóc con thỉnh thoảng lại xen vào. Dĩ nhiên là tôi không hiểu gì đâu, hehehe. Nhóc con dễ thương lắm, thỉnh thoảng nhóc lại nhờ mẹ hỏi tôi một vài điều gì đó, mẹ nhóc không nói được tiếng Anh nhưng cũng chiều con nói tiếng bản ngữ với hi vọng tôi sẽ đoán ra. Tôi đoán trật nhiều hơn trúng, nhưng chúng tôi đã có khoảng thời gian rất vui vẻ bên nhau. Một lát sau có một mẹ người Hoa tới chờ mua vé, mẹ ấy cũng trò chuyện với chúng tôi. Mẹ này nói tiếng Anh khá tốt, tôi có thể thoải mái trò chuyện, thỉnh thoảng nếu mẹ “bí” từ tiếng Anh, mẹ dùng tiếng Hoa tôi vẫn hiểu, dù tôi mất gốc nhưng còn…rễ mà, hehehe. Hầu như mọi người nói chung, nghe thấy tôi thân gái đi một mình, họ đều hỏi tôi một câu: “Có sợ không?” Mẹ người Hoa này cũng có chung sự hiếu kì đó: “Nỉ wo pa lơ?”. Tôi chỉ mỉm cười, bảo quen rồi. Mẹ này rùng mình tỏ ra vẻ rằng mẹ rất sợ nếu đi một mình, nhưng tôi cảm giác rằng mẹ rất có tình cảm với tôi, phần cũng vì biết tôi cũng có gốc Tàu trong người. Tôi nghe bé con nói gì đó với mẹ, thấy mẹ em từ chối rồi đi tới quầy vé, tôi nghĩ em đang đói. Không hiểu sao nếu người lớn nhịn đói thì tôi cũng ít thương cảm (Tôi từng nhịn ăn nhịn uống hoài mà nên người khác nhịn tôi thấy bình thường thôi, vì chắc gì họ khổ hơn tôi) nhưng con nít đói thì tôi không chịu được. Tôi lấy bánh quy vừa mua và kẹo vitamin C mang theo đem ra cho bé ăn, bé rất bẽn lẽn, từ chối, nhưng tôi bảo ăn đi, tôi sẽ ăn cùng, thế là bé vui vẻ trở lại, tôi quý nhóc con này ghê đi, rất lanh lẹ. Em bé này còn bày trò đi kiểu quân đội cho tôi xem nữa đấy, khá hiếu động. Mẹ nhóc con này sau khi trở về từ quầy vé, tôi mới biết là cô ấy đến trả vé chứ không phải mua vé, cô ấy đang cất tiền vào túi, rồi cô ấy đến nói với tôi gì đó tôi không hiểu, nhưng cố ấy dùng cử chỉ bảo rằng hai mẹ con cô ấy rất quý tôi, đại loại thế. Rồi cô ấy dắt con đi, nhóc con nhìn tôi lưu luyến, cô ấy cố ý đi chậm, còn bé con cứ quay đầu lại vẫy tay với tôi, ánh mắt của bé con làm tôi lưu luyến chết được. Nếu tôi chưa mua vé, dám tôi xin lại nhà họ ngủ nhờ một đêm để biết nhà họ luôn rồi, tôi tò mò mà. Người chờ trong sảnh bắt đầu đông đúc nhộn nhịp như cái chợ, có những người khách du lịch vừa từ đảo Penang ra, tôi nhìn là biết ngay. Lúc này một cảnh ấn tượng đập vào mắt tôi, trong sảnh vừa có người Hồi lẫn người Hoa, người Hồi ăn mặc kín đáo, gần như ít nói, đa số trùm khăn đội đầu, người Hoa thì cứ quần đùi, quần lửng thậm chí có người ăn mặc như đồ ngủ đi lại nhộn nhịp ồn ào. Vui mắt lắm, một đất nước nhưng hai văn hoá cực kì khác biệt đang đối chọi, đập nhau chan chát, lúc đó tôi nghĩ vậy đó. Ngồi kế bên tôi lúc đó là một cô lớn tuổi người Hoa, cô từng làm ở toà soạn, sau đó cô nghỉ hưu và phụng sự cho nhà thờ Tin lành, tôi ngạc nhiên bảo người Hoa cũng có đạo Tin lành à, cô ấy bảo rất nhiều người Hoa theo đạo Tin lành. Tôi bảo tôi cũng là người gốc Hoa, nhưng quốc tịch Việt Nam, ở Việt Nam người gốc Hoa có đạo Tin Lành gần như tôi chưa từng thấy bao giờ (hoặc do hiểu biết của tôi còn nông cạn nên không biết đến). Nghe nói tôi người VN, cô ấy tự nhiên hỏi tôi sao người VN lại thích ăn thịt chó đến vậy? Tôi không biết trả lời thế nào luôn. Cô ấy bảo theo quan niệm của cô ấy, ăn thịt chó là không nhân đạo, vì con chó là con vật có tình cảm với con người. Riêng quan điểm này tôi đồng ý với cô ấy, bản thân tôi cũng không ăn thịt chó bao giờ, thỉnh thoảng đi nhậu thịt chó với vài đồng nghiệp, tôi chỉ ngồi chơi, ăn thức ăn khác ngoài món…thịt chó. Một vài đồng nghiệp nói tôi cứ ăn đi, không sao đâu, nhưng tôi luôn kiên quyết từ chối, vì nhà tôi kiêng…thịt chó triệt để, hihi, nghe có vẻ lạ lẫm phải không? Tôi thắc mắc hỏi cô ấy nếu một người Hồi lấy một người Hoa thì chuyện gì sẽ xảy ra, cô ấy bảo rằng bên người Hoa bắt buộc phải theo tục lệ đạo Hồi mà không có sự lựa chọn khác, và tất cả đều như thế. Tối đó người mua vé khá đông, nên cô nhà báo bảo với tôi là cô chỉ mua được vé ngồi thôi. Hoá ra tôi mua từ trưa cũng được việc nhỉ??? Vì qua đêm với ghế ngồi chẳng sung sướng gì (Đó là sau này tôi mới biết, chứ lúc đó tôi vẫn còn tiểu thư chán với giường nằm máy lạnh và tàu chạy êm ru dễ ngủ vô cùng). Tới 10h đêm thì có người gọi chúng tôi lên tàu. Lập tức cái chợ chòm hỏm trong phòn đợi giải tán nhanh chóng và họ chạy như bay tới chỗ tàu đỗ, tôi cũng khẩn trương đi theo và xem vé ghi vị trí nào. Tôi tạm biệt cô nhà báo và cô gái người Mỹ chờ tàu cùng tôi lúc trưa, chúng tôi không cùng toa nhau mà. Đêm thứ hai ngủ trên tàu, cảm giác đã khá hơn, không mộng mị vớ vẩn (tôi vẫn còn kua trai đẹp đổ ầm ần nên đã tự tin lại).
Người bạn nhí của tôi
(dạo này tôi có thêm tật xấu, viết truyện là hay viết tới một nửa rồi lười bỏ luôn, hic hic hic...Nhưng sẽ cố gắng khắc phục bệnh này)

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Lữ khách (5)

7. Đêm tha hương
Tàu giường nằm mà tôi đi
 
Người soát vé bắt đầu lắp giường. Cứ 2 băng như thế thì lắp được 2 chiếc giường tầng. Thấy chỗ tôi không có ai, tôi nghĩ mình may mắn có được 2 giường kia đấy. Nhưng người soát vé bảo giường tôi ngủ phía trên, phía dưới có người đặt trước rồi. Trời ạ, ngủ phía trên không có cửa sổ, làm sao tôi ngắm cảnh kia chứ. Lúc mua vé do không có kinh nghiệm, tôi nào biết cái tên bán vé bất lương chọn cho tôi chỗ xấu như thế. Tôi hỏi giá vé giường trên và giường dưới có khác nhau không, anh ta bảo không, chỉ là do tôi không chịu chọn trước mà thôi. Tôi nào biết kia chứ, hic hic hic. Thế là tôi bảo lát nữa tôi mới ngủ, giờ chưa ngủ được vì còn muốn ngắm cảnh. Anh ta không nói gì. Có lẽ đã gần 10h đêm, tôi mệt rồi nên leo lên giường của mình. Đêm đầu tiên ngủ trên tàu, nơi xứ lạ quê người, tôi có nhiều tâm trạng. Tàu chạy khá êm, máy lạnh làm tôi lạnh cóng cả chân, tôi phải mang vớ tay vớ chân vào. Tôi ngủ khá ngon giấc, nhưng nửa đêm, tôi nằm mơ. Một giấc mơ kì cục mà ban ngày khi tỉnh tôi không còn muốn nghĩ tới. Tôi mơ thấy người mà mình vẫn thường tương tư đang thân mật đi với một người khác, trước mắt tôi hiện lên rất rõ hình ảnh đó mà tôi không nghĩ là giấc mơ. Tôi đau khổ nên không nói được lời nào, bầu trời tối lại và những hạt mưa bắt đầu rơi, những giọt mưa bay vào gương mặt tôi mát lạnh, tôi không còn chút sức nào…Tôi giật mình tỉnh dậy, thì ra những hạt mưa mà tôi thấy trong mơ là nước mắt của tôi đang chảy dài trên chiếc áo khoác. Lúc tỉnh tôi khá lí trí, nhưng trong mơ, tôi lại để mình khóc nhiều như thế. Có lẽ vì đã lâu rồi nỗi đau đã không còn khóc được, tích tụ lại và trút hết vào cơn mơ tối đó. Tôi ngay thời điểm đó cảm thấy rất cô liêu. Sau khi tỉnh giấc tôi khó ngủ lại, gần như chỉ là nằm trên giường chứ không ngủ. Lúc gần sáng, hai mẹ con người Thái và một số người xuống tàu tôi vẫn biết.

8. Yun làm ma nữ
Sáng tôi dậy sớm hơn mọi người, thì thấy giường dưới người soát vé cũng lồm cồm bò dậy, hoá ra cái giường phía dưới là của anh ta. Thôi kệ, dù sao cũng may mắn, vì anh ta phải đi làm việc nên tôi có thể chạy xuống tầng dưới ngắm cảnh, nếu đi chung với một hành khách dậy muộn khác thì coi như tôi chỉ còn cách tiếp tục nằm ngủ mà thôi. Trời sáng hẳn, đoàn tàu tới cửa khẩu. Đã chuẩn bị sẵn tâm lí, Yun hiếu chiến chạy một mạch xuống tàu tới chỗ hải quan Thái. Yun xếp hàng thứ 2- 3 gì đó, hồi hộp chờ đợi. Hải quan Thái nhìn Yun, làm Yun đứng tim nhưng sau đó họ nhanh chóng đóng mộc mà không đòi hỏi gì cả. Cái cửa khẩu Padang Besar này cũng khá vui. Hải quan hai bên ngồi chung một toà nhà, cách nhau mấy bước chân nên Yun đi thẳng qua bên hải quan Mã, bên Mã cũng không thấy hỏi han gì, nhìn Yun một cái rồi đóng mộc, sau đó xét hành lí của Yun. Cơ bản là hành lí của Yun cũng không có gì để xét, chỉ quần áo, thức ăn và một số vật dụng linh tinh.
Cửa khẩu Padang Besar

Tôi nhanh chóng trở về vị trí trên tàu và ngắm nhìn mọi người làm thủ tục cho vui mắt. Chợt tôi thấy có một hiện tượng lạ, chỗ ngồi của cặp vợ chồng hồi giáo cách tôi mấy ghế thay bằng hai mẹ con người Thái mới toanh, mà tôi có cảm tưởng chưa hề gặp họ trong toa tàu từ lúc khởi hành tới giờ. Tôi lấy làm lạ, anh con trai trạc tuổi tôi, gương mặt khá hiền lành, ăn mặc sơ mi đóng thùng lịch sự. Hai mẹ con có lẽ đang nói về chiếc áo mới mà mẹ anh ta đang mặc. Tôi nhận thấy anh ta khá thân mật với mẹ. Tôi bất ngờ giở thói lưu manh (bây giờ nghĩ lại, chưa chắc sau này gặp tình huống tương tự tôi đã làm như thế), quyết định giở thói lưu manh của tôi hoàn toàn bất ngờ đối với chính bản thân tôi. Tôi không biết lúc đó sao tôi lại như vậy, sau này sự việc đã qua rồi tôi tự giải thích với bản thân mình là tại vì lúc đó tôi thiếu tự tin, vì những ức chế đã có trước đó. Thú thật với mọi người, tính tôi có hơi tự tin, nhưng dạo gần đây thấy vệ tinh xung quanh giảm bất ngờ, cộng với việc yêu một người bình thường cũng không xong, tôi đâm ra nghi ngờ bản thân mình hết “lực hấp dẫn”, cùng với những muộn phiền của đầu óc mà điển hình là khóc trong mơ vào tối hôm trước, tôi muốn thử nghiệm. Những chiêu âm binh tôi chưa bao giờ dùng cả, trước đây tôi tự tin, cảm thấy không cần thiết. Tôi được các “sư phụ” truyền bí kíp nhưng chỉ để cất vào xó tủ. Có lẽ cảm thấy anh chàng kia là “con mồi” an toàn nên muốn lấy anh ta làm chuột bạch thí nghiệm (nếu xác định sai “con mồi”, có thể Yun gặp nguy hiểm trở thành “thức ăn” cho sói cũng nên). Yun tập trung hết năng lượng vào đôi mắt, sao cho mắt tàng chứa năng lượng đủ để “huỷ diệt” cái tên kia, tàng nhưng không lộ (cái này không biết giải thích cho các bạn như thế nào nữa, tạm gọi là một phương pháp đi). Anh chàng đang nói chuyện say sưa với mẹ bỗng đổi hướng đột ngột mắt nhìn về phía Yun. Hehehe, hiệu quả bất ngờ phải không bạn. Yun xin nói trước là lúc đó Yun không hề xinh đẹp gì đâu nhé, khi di chuyển Yun làm mọi cách để mình xấu đi. Thế mà anh ta cứ nhìn Yun đắm đuối không chớp mắt. Đây cũng là lần đầu Yun nghịch ngợm giở thói âm binh, chứ ngày thường, trai đẹp theo Yun toàn do bị sức hút tự nhiên của Yun quyến rũ chứ không tốn một tí sức lực nào đâu. Yun cũng bất ngờ với kết quả đó, không ngờ lần đầu giở trò mà đã cao thủ rồi. Yun cảm giác kể từ lúc đó anh ta nói chuyện với mẹ bị mất tập trung (tội lỗi quá đi). Mọi người làm thủ tục xong lục tục kéo nhau lên tàu, đến lượt hai vợ chồng hồi giáo lên xe thì cũng là lúc hai mẹ con anh chàng Thái “bị đuổi” khỏi chỗ đang ngồi. Xung quanh gần chỗ anh ta còn rất nhiều ghế trống, nhưng không hiểu sao anh ta dắt mẹ phi thẳng hướng đến chỗ tôi, lúc này tôi mới phát hiện có thêm bố anh ta nữa, lúc nãy ông ấy ngồi ở góc khuất tôi không nhìn thấy. Tôi kịp hiểu chuyện gì sắp xảy ra thì mẹ anh ta định ngồi xuống bên cạnh tôi, nhưng bất ngờ hơn nữa là anh ta dìu mẹ mình ngồi xuống băng đối diện, rồi anh ta nhanh chân ngồi xuống cạnh tôi. Cả bố và mẹ anh ta đều nhìn anh ta với vẻ mặt thoáng ngạc nhiên, hehehe. Chắc là họ thấy thằng con trai họ “có vấn đề” rồi. Anh chàng có nụ cười tươi, ánh mắt khá hiền, ngoại hình cao ráo đẹp trai (kì thật, số Yun đi tới đâu là có trai đẹp ở bên cạnh tới đó). Yun tạm gọi tên anh ta là Sky, dù đó không phải là tên thật (Yun muốn giữ bí mật về tên người này). Anh ta bắt đầu làm quen với Yun như một thủ tục thông thường, như từ đâu đến? đi du lịch à?... Mỗi lần anh ta hỏi Yun được một câu thì anh ta lại phiên dịch lại cho bố mẹ anh ta nghe. Bố mẹ anh ta cũng đang mắt tròn mắt dẹt nhìn Yun. Rồi hai vị phụ huynh cũng đặt một số câu hỏi cho Yun như: đi du lịch một mình à? Có sợ không? Đi Mã lần nào chưa?...Anh chàng Sky cứ phải phiên dịch suốt. Chừng được nửa câu chuyện, bố mẹ anh ta đã hiểu phần nào, mẹ anh ta nhìn Yun tỏ thái độ sợ hãi, bố anh ta thì giơ ngón tay cái lên, tỏ ý Yun là number 1. Rồi hai vị phụ huynh ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, Yun nghe được nên hỏi anh chàng Sky có phải bố mẹ anh ta hỏi Yun đang định đi đâu đúng không. Anh ta gật đầu với Yun và phiên dịch cho bố mẹ lời Yun vừa nói. Nghe thế hai vị phụ huynh im bặt không dám nói chuyện luôn. Sky hỏi Yun biết tiếng Thái à, Yun bảo chỉ là đoán thôi, heheh. Mẹ anh ta bắt đầu nhắm mắt ngủ, còn bố anh ta cứ ôm lấy cái túi lớn phía trước ngực, không hỏi han gì Yun nữa. Nhờ vậy Yun và anh ta có dịp nói chuyện với nhau.

Lữ khách (4)

5. Lòng vòng Bangkok
Tôi mệt, ngủ nướng sau một đoạn đường di chuyển dài, sáng hôm sau tôi thức dậy rất muộn, và gần như không muốn rời khỏi giường. Đoán chừng cũng 9h sáng, tôi mới bò dậy, đi ra ngoài ngân hàng đổi tiền. Anh chàng cùng phòng vẫn chưa thấy về, tôi khoá cửa và gửi chìa khoá lại. Vì thời điểm đó tôi không có hứng thú đi chơi lòng vòng Bangkok nữa nên tôi chỉ dạo quanh khu Khaosan ngó nghiêng một chút chứ không đi xa. Tôi tới Khaosan chỉ vì lí do “ẩm thực” chứ không có ý mua sắm gì. Ăn no nê tôi tiếp tục kiếm quán nước có wifi ngồi uống và gửi tin nhắn về cho người thân và thưởng thức kì nghỉ của mình một cách khoái trí. Ở nhà, dù ngày nghỉ chăng nữa chưa chắc tôi đã được yên thân, nên cảm giác lúc đó đối với tôi như là đang bay trên trời. Tôi ghé văn phòng du lịch xin bản đồ Bangkok, để tránh bị lạc đường như lúc ở Cam. Sau đó leo lên xe bus 53 đi nhà ga HuaLamPhong để mua vé đi Malay ngày hôm sau, vì lần đầu đi xe bus Thái, tôi không nhìn vào vé mà hỏi luôn bà soát vé giá bao nhiêu, bà ta bảo 12bath, nhưng tôi thấy mọi người trả ít hơn. Tôi nhìn lại vé thì thấy giá chỉ 6.5 bath thôi, tức không kia chứ. Tôi định làm dữ cho bà ta quê độ, nhưng nghĩ chỉ có mấy bath thôi, coi như trả tiền ngu cho cái tội ưa hỏi linh tinh của tôi. Xe bus 53 có thể đón tại đường Thanon Phra Athit, có 2 chiều ngược xuôi, nếu đi đúng chiều bạn chỉ cần một chuyến là tới nơi, nếu đón ngược chiều, bạn phải đổi xe ở giữa đường, nhưng căn bản là vẫn tới nơi, chỉ là bạn phải mua 2 lần vé và đi lâu một chút thôi. Yun đón chiều ngược nên đi 2 chuyến mới tới. Trên xe thì luôn nhắc nhở người soát vé là nhà ga Hualamphong để khỏi quên, Yun lần đầu đi tới nhà ga nên ngố Tàu mà!!!
Mấy bác hành khách lớn tuổi thấy tôi ngố ngố liền bảo cứ ngồi đó đi, lát tới họ sẽ nói, tôi sợ họ hiểu sai về nơi tôi cần xuống, nên cố gắng phát âm từ Hualamphong, một bác già ngồi kế tôi làm động tác và huýt sáo làm ra vẻ là tiếng tàu lửa đang chạy, tôi liền cười cười, gật đầu khoái trí. 

Quá trưa tôi về tới cửa nhà trọ thì thấy một cô gái mà tôi đoán người VN đang ngồi đó, tôi tò mò liền gọi đại cái tên mà tối qua tôi liếc sơ qua trong cuốn sổ tôi thấy khi check in. Cô gái VN mỉm cười, giới thiệu tên với tôi và bảo cái tên tôi vừa nói là 2 người bạn của cô ấy, đã đến đây tối qua. Cô ấy vừa xuống sân bay, và tối đó 3 người họ sẽ đi Phuket chơi. Vậy là ngày hôm đó, có tới 4 người VN ở Apple GH đó bạn ạ. Tôi tám một lúc với cô ấy nữa thì lên phòng. Anh chàng “cùng phòng” đã về và đang ngủ ngon lành. Tôi nghĩ thầm: “Quái, tối qua thấy mình bỏ chạy mất dép chắc đi đâu lang thang nên hôm nay về ngủ bù à??”. Tôi lôi cuốn Lonely Planet về Lào đọc chơi cho đỡ buồn. Khoảng 2h thì có một thằng tây khác gõ cửa phòng, đập cái anh chàng cùng phòng với tôi dậy, rủ đi ăn, anh ta có lẽ mệt nên bảo không muốn đi ăn để anh ta ngủ. Thằng bạn anh ta vẫn kiên trì phá đám không cho anh ta ngủ. Rồi tên ấy còn mắng yêu: “Thằng quỷ sứ, thế là tao biết nguyên nhân vì sao mày tối qua uống đến sáng không chịu về rồi. Mày sợ gặp đứa con gái xinh đẹp mày không cầm lòng được chứ gì”. Hắn ta vừa nói vừa đấm mạnh vào cái tên đang ngủ kia rồi cười sặc sụa. Có lẽ không thể ngủ yên được, anh chàng cùng phòng với tôi ngồi dậy và đồng ý đi ăn với tên kia. Tôi nằm đọc sách một lúc thì ra ngoài đi dạo, tôi ghé vào chùa cầu nguyện. Hôm đó có khá nhiều người Thái lẫn du khách ra vào chùa, có lẽ là ngày gì đó đặc biệt. Người Thái họ vào chùa là cởi dép ra, cầu nguyện rất im lặng, gần như tôi không hề nghe bất cứ tiếng động nào, dù rất nhiều người đang ngồi trong sảnh. Chỉ có vài tiếng kêu lách tách nho nhỏ của những chiếc máy ảnh. Tôi ngồi im khoảng 30 phút trong sảnh cho tĩnh tâm rồi đi dạo quanh khuôn viên chùa. Đây không phải lần đầu tôi vào chùa này, nên mọi thứ khá quen thuộc đối với tôi. Tôi trở về nhà trọ, thấy cái tên “bạn cùng phòng” và bạn hắn đang ngồi trong đó, tôi lẳng lặng trở về giường của mình. Bạn hắn bắt chuyện với tôi, còn cái tên kia thì nằm im như tượng gỗ, không nói gì. Tôi hỏi đùa: “Tối qua thấy tao vào ở cùng chạy mất dép à?”, hắn nói không phải, tối qua đi uống và đập phá với đám bạn ở khu Khaosan sáng đêm. Tôi bảo hôm nay hắn cứ yên tâm mà ngủ lại phòng, vì tôi sẽ dọn qua phòng đơn mà có khách vừa trả. Hắn bảo không sao đâu, tôi cứ tự nhiên mà ở. Tôi bảo không, tại tối qua hết phòng tôi lười đi kiếm chỗ khác nên ở tạm thôi, hôm nay có phòng tôi ngủ phòng riêng cho thoải mái. Tên bạn hắn nghe thế lại tiếp tục cười sặc sụa: “Đấy, cơ hội duy nhất hôm qua cho mày thôi, mất rồi con ạ”. Nói rồi hắn ta đấm mạnh vào cái tên “bạn cùng phòng” với tôi, cười sặc sụa. Tôi cũng cười, dọn đồ qua phòng khác và đi ra ngoài ăn tối. Sau đó trở về nhắn tin cho người thân, lên mạng tám với Zany Trần một lúc. Zany bảo tôi chuẩn bị sẵn một trăm bath, vì có thể qua cửa khẩu hải quan Thái sẽ đòi, Zany bảo lần trước Zany bị đóng mộc Cancel chỉ vì cãi với hải quan. Tôi nghe thế cũng khá lo lắng, nhưng dù sao cũng đỡ hơn không biết. Tôi ngủ một giấc ngon lành.

6. Phía trước ???
Tạm biệt Bangkok
Ngày hôm sau, tôi ngủ lì, nhằm dưỡng sức cho chuyến đi dài vào buổi chiều, tôi chỉ ra ngoài để ăn. Thể trạng tôi vốn không được tốt, cứ di chuyển là say xe, mệt, không ăn uống được. Tôi mua thêm một phần cơm để dành cho buổi tối. Chuẩn bị bánh mì, nước uống… Đi xa tôi có thói quen mang nhiều chút thức ăn, để lúc mệt ráng ăn cho được. Nếu tôi không ăn hầu như sẽ ngã bệnh sau đó, như vậy đi chơi còn gì vui nữa. Vé ghi 6h chiều, nhưng tôi trả phòng lúc 1h và đi tàn tàn ra nhà ga. Tôi khá hồi hộp cho chuyến này, thứ nhất vì lần đầu đi Mã, có thể có nhiều tình huống tôi không kiểm soát được, thứ 2 là do đi vội, tôi có rất ít thông tin, không chuẩn bị cả bản đồ. Chuyến này gần như thử thách khả năng của tôi, mà tôi hay gọi là “đi bừa”. Tôi ra nhà ga khá sớm nên chờ đợi mỏi mòn luôn, nhưng thà rằng thế còn hơn là đi trễ, tôi ghét cái tính sàng qua sàng lại của một số người. Ai đi du lịch mà có tính đó đảm bảo không đi chung với tôi được. Trên chuyến xe bus tới nhà ga tôi cũng gặp một số thằng tây ba lô, họ hỏi tôi có phải ở Apple GH không , tôi bảo phải, thì ra họ ở cùng nhà trọ với tôi mà tôi không để ý. Bọn họ cũng đang tính ra nhà ga để tìm hiểu giá vé, tôi bảo khi nào tới tôi sẽ gọi, vì hôm qua tôi đã tới ga một lần. 
Phía trước nhà ga Hualamphong
Nhà ga Hualamphong
Nhà ga Hualamphong khá rộng, có bảng điện tử chỉ dẫn cho khách lên tàu đúng giờ. Nếu bạn không chắc chắn, hãy đến quầy thông tin hỏi thăm. Gần đến giờ, bảng thông tin đổi màu hiển thị chữ ButterWorth, tôi xách ba lô và đi vào bên trong nhà ga tìm chuyến xe của mình. Lần đầu tôi đi xe lửa, và đi ở nước ngoài, nên tôi khá lúng túng. Không biết điều gì tôi lại chạy tới hỏi nhân viên soát vé. Vì không chuẩn bị, nên mỗi lần bí là tôi phải hỏi thăm cho chắc ăn, thậm chí cẩn thận hỏi 2 người khác nhau coi thông tin có bị lệch không. Trên tàu người hồi giáo khá đông, có lẽ họ trở về quê hương, bọn trẻ con hồi khá nghịch ngợm, cứ đi lại trên tàu và giỡn suốt. Đối diện băng ghế của tôi có hai mẹ con người Thái, họ không đi Mã, mà về quê nhà ở YatHai hay đâu đó tôi quên mất tên. Thằng bé Thái mập mạp khá dễ thương, rất hay làm nũng với mẹ. Buổi chiều khi tôi lấy cơm ra ăn tối, tôi lấy cả hộp chà bông ra ăn, tôi chia cho thằng bé ấy một chút. Mẹ của nhóc này bảo nhóc cám ơn tôi nữa chứ. Tôi càng ngày càng lì, dù hai bên không biết ngôn ngữ mà vẫn giao tiếp bằng body language được. Hình như tôi bắt đầu lấy lại phong độ giang hồ sau mấy ngày lớ ngớ lơ ngơ như bò đội nón. Thằng bé có vẻ mệt, nên mẹ nhóc yêu cầu người soát vé lắp giường cho em ngủ trước. Tới lúc này tôi mới biết là tàu giường nằm có nghĩa là như thế. Vì lúc lên tàu thấy toàn ghế ngồi nên tôi nghĩ sẽ ngủ vất vưởng trên ghế nữa chứ. Trên tàu bố trí cứ 2 băng ghế quay đầu lại với nhau. Tôi ngồi một mình, băng đối diện không có ai nên tôi chiếm làm chỗ để ba lô và gác chân luôn. Trời tối dần, tôi cứ mơ màng nhìn qua cửa sổ ngắm cảnh cho tới khi chỉ còn thấy một màn đêm tĩnh lặng qua ô cửa kính. Tôi có chút nỗi niềm của một kẻ tha hương vào lúc chiều buông, nhưng lại an ủi: “Mình là kẻ giang hồ mà, không nên uỷ mị”. 
Hai mẹ con người Thái ngồi kế băng ghế tôi

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Lữ khách (3)

4. Gặp rắc rối với hải quan Thái
Đóng mộc xuất cảnh Cambodia, hải quan Cam nhìn tôi chằm chằm, chắc định đòi tiền, nhưng thấy hộ chiếu tôi nhiều mộc Cambodia quá rồi nên ngài hải quan chỉ lườm tôi một cái rồi cho qua. Tôi để ý thấy có một người cũng đang cầm hộ chiếu VN đi phía sau tôi, tôi bắt chuyện thì anh ta bảo người Việt, nhưng hiện đang làm ở bên Nhật cũng được 5 năm rồi, anh ta sang Thái chơi vài ngày rồi bay sang Nhật luôn. Mẹ Lao Sopheap thấy tôi đi một mình, nên dì ấy cũng có ý chờ tôi đi chung, chắc nghĩ tôi lạ nước lạ cái. Tôi thấy dì ấy có nhã ý như vậy nên cũng đi chung cho vui. Khi 3 mẹ con họ làm xong thủ tục bên Cam, chúng tôi xách hành lí đi qua bên cửa khẩu Thái cách đó vài trăm mét, tôi đi chung với mẹ Sopheap, còn 2 chị em cô ấy đi phía sau. Mẹ Sopheap đi khá nhanh, nên tôi cũng đi nhanh để kịp với dì ấy, thỉnh thoảng dì ấy dừng lại quay về phía sau xem đứa con gái của dì ấy đang ở đâu, càng đi chúng tôi càng bỏ xa chị em Sopheap, mà 2 chị em họ cứ đi nhởn nhơ, thỉnh thoảng lại dừng lại chụp hình. Tới phòng nhập cảnh của hải quan Thái, tôi liếc xem chỗ nào phát form để lấy điền thông tin, sau đó chỉ luôn anh chàng người Việt chỗ lấy form, vì nhìn thấy anh ta ngơ ngơ đứng đó, dù anh ta không phải đi Thái lần đầu. Mẹ Sopheap không thấy 2 đứa con gái đâu thì lo lắng vô cùng, tôi thấy thái độ đó trên gương mặt dì ấy. Tôi hỏi dì ấy có điện thoại không thì gọi cho họ, vì tín hiệu sóng chắc chắn chưa mất ở cửa khẩu được. Có vẻ dì ấy không hiểu ý tôi nói, nên cứ chạy ra chạy vào ngóng hoài. Tôi điền xong thì cố dùng body language chỉ cho dì ấy biết là gọi điện thoại, cuối cùng gì ấy cũng hiểu ra và gọi. Sau cú điện thoại, có vẻ đã yên tâm, tôi và dì ấy bắt đầu xếp hàng chờ đóng mộc. Tôi xếp chung hàng với anh chàng người Việt, mẹ Sopheap xếp hàng khác. Tới lượt tôi, hải quan Thái cầm hộ chiếu tôi lên và nhìn tôi soi mói, năng lượng sóng trong người tôi bắt đầu yếu và tôi linh cảm thấy sắp sửa có việc chẳng lành. Tôi chẳng phải chờ lâu mà đoán già đoán non, bố hải quan chỉ gằn mạnh từ “Việt Nam” rồi bố ta loay hoay lục lọi cái gì đó. Sau đó bố giơ cho tôi một tấm giấy A4 bằng tiếng Việt ghi chữ to đùng cách mạng: “Người Việt Nam, show 700usd hoặc 20.000 tiền Thái”. Tôi liếc sơ, nghĩ bố ta tính ăn tiền. Tôi rủa thầm: “Định ăn cướp chắc, nộp cho bố 700usd Yun này lấy gì sống”. Thế là tôi bảo tôi không có tiền, bố ta bảo nếu không có tiền thì không cho qua, và gọi anh chàng người Việt phía sau lưng tôi hỏi có tiền không. Tôi hỏi tại sao kì thế, người VN đi các nước Đông Nam Á nói chung là miễn phí mà. Bố ta không thèm nhìn tôi, bảo không tiền là không qua, rồi bảo tôi không hiểu chữ Việt à, trên tờ giấy ghi rõ thế còn gì. Tôi liền cầm hộ chiếu lại và qua quầy khác xếp hàng chờ. Lúc đó tôi để ý thấy anh chàng người Việt kia loay hoay móc tiền ra, dưới sự chứng kiến của một cô hải quan khác và anh ta qua dễ dàng. Tôi nghĩ thật quái đản, chẳng lẽ anh ta chịu nộp 700usd để được qua cửa khẩu. Tới lượt tôi, bố hải quan này cũng nhìn thấy hộ chiếu VN của tôi rồi loay hoay tìm gì đó, mà tôi biết chắc là bố ta cũng đang tìm tấm bảng show 700usd kia. Bố ta không có tấm bảng, liền chạy qua quầy hải quan lúc nãy mượn tấm bảng và giơ lên cho tôi xem. Tôi vừa tức, vừa buồn cười (nhưng không dám cười), tôi bảo tôi không có tiền, bố ta nói không tiền không qua. Tôi hỏi tại sao thế, bố ta bảo người VN qua bên đây làm bậy rất nhiều, cảnh sát Thái còn giữ một mớ chưa trả về nước được. Tôi hỏi có ngoại lệ không, bố ta quay sang nói gì đó với cô hải quan, cô ta cương quyết không chấp nhận, thế là bố trả hộ chiếu về, không chịu đóng mộc cho tôi. Tôi còn chưa biết phải làm thế nào, những ngưởi khác đang xếp hàng đóng mộc đều nhìn tôi như sinh vật sao hoả. Tôi cảm thấy bị nhục vô cùng, họ cứ nhìn tôi như là tội phạm ấy, trong khi tôi có làm gì đâu, trong khi những người Campuchia còn nghèo hơn mình nhưng họ không bị cái sỉ nhục như tôi đang bị đây. Một ông già cao tuổi (Có lẽ gốc Hoa) cũng đang chờ đóng mộc thấy vậy đến nói với tôi bằng giọng tiếng Việt lơ lớ: “Mềnh muốn đi qua mềnh phải có tèng, không có tèng không đi chơi được, phải đưa tèng cho người ta coi người ta mới tin”. Tôi bảo với ông tiền thì tôi có, nhưng tôi không thể lấy ra cho coi được. Ông ta bảo tôi nếu cất ở chỗ kín thì vào nhà vệ sinh lấy ra đi, rồi ông ta dẫn tôi đến chỗ nhà vệ sinh, nhà vệ sinh lúc đó đóng cửa, ông già thấy có một chỗ khuất liền chỉ tôi đến đó. Vì chỗ khuất người tôi không muốn vào, sợ mấy tên xấu thừa cơ trấn lột. Nhưng xét thấy ông già cũng không phải là người xấu, nên tôi rút dao ra và gỡ chiếc áo khoác cắt 2 túi tiền ra, dù sao tôi cũng phải đi Thái. Cắt xong tôi tới quầy làm thủ tục, cũng không nói chuyện với ông già, vì tôi nghĩ  ở cửa khẩu cũng không nên tin ai, đặc biệt tôi vừa cắt 2 túi tiền ra nữa. Trước khi đi tôi cho 1000usd vào 4 túi đều nhau, chỉ giữ khoảng 50usd lẻ để ngoài ăn vặt. Nhưng tôi nghĩ ngu gì đưa 700usd, lỡ bị lấy mất thì sao. Tôi đưa 2 túi tiền cho hải quan Thái, bố hải quan Thái cầm lên định xem, thì tôi giựt lại và cho vào túi áo. Bố hải quan Thái lúc này mới cười và bảo tôi: “Hoá ra là cô muốn an toàn khi đi du lịch, tôi hiểu rồi. Không phải muốn làm khó, mà vì dân nước cô làm bậy nên mới phải rắc rối thế này”. Có lẽ bố ấy cũng thấy có chút lỗi với tôi khi ép tôi quá, tôi cũng ấm ức vô cùng, nhưng cũng không giận bố ấy, tôi cũng làm việc nhà nước, tôi thông cảm được những thủ tục mà những người làm việc nhà nước làm cũng chỉ tuân lệnh cấp trên.

Qua cửa khẩu Thái, anh chàng người Việt nhìn tôi khinh khỉnh như nạt tôi: “Đi chơi thì phải mang tiền đi chứ, đi Thái nhiều lần mà không biết sao, không có tiền mà cũng đòi đi chơi”. Tôi điên tiết, tôi có làm gì hắn đâu, tự nhiên lại mắng tôi, giờ tôi mới hiểu vì sao chị Dung đi nước ngoài ít chơi chung với dân Việt. Tôi không nói gì, ấm ức nghĩ thầm: “Bố mày chứ, bà làm gì để mày chửi, lúc qua cửa khẩu thấy ngơ ngơ bà còn chỉ đường cho đi lấy form điền vào, sao người cùng một nước không giúp đỡ mà lại đi khinh thường người cùng quốc gia với mình, tưởng bà đây ăn mặc tuềnh toàng nghèo chắc. Đi làm ở Nhật rồi khinh người à? Qua đó cũng làm culi hạng sang là cùng chứ gì”. Bạn thấy tôi ghê gớm và đanh đá không? Tuy không chửi nhau với tên người Việt đó, nhưng tôi ghét hắn vô cùng.

Tôi ngồi đợi xe đi Thái, không nói gì với tên người Việt kia, được một lát tôi thấy Lao
Sopheap cùng chị cô ấy cũng xong thủ tục đang qua cửa khẩu. Tôi gọi nhưng cô ấy không nghe, có lẽ vì đang mải nói chuyện với chị mình. Mẹ cô ấy chắc đang chờ ở đâu đó, tôi không thấy đâu cả. Thấy chừng đã đủ người, nhà xe gọi chúng tôi lên xe,
tôi không thấy gia đình Lao Sopheap đâu cả. Tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ, đoàn người hôm đó cũng không vui nhộn lắm, nên tôi cứ im lặng nằm chợp mắt cho tới khi đến khu Khao San. Tôi không mang bản đồ Bangkok theo, nhưng vì nhớ đường, tôi xuống xe đi thẳng đến nhà trọ quen thuộc: Apple Guest House. Nhà trọ đã hết phòng đơn (180bath), phòng đôi thì tới 240bath lận (đã lên giá so với lần đi trước). Tôi nghĩ có một mình mà đi thuê tới 2 cái giường rất phí, lại không tìm được ai share chung. Tôi hỏi có dorm không, rồi chọn ở dorm. Tôi cũng phân vân lắm, nhưng thôi có phí cũng không thể đại gia thuê tới 2 giường mà không ở hết. Lúc điền thông tin nhận phòng tôi thấy có 2 cái tên VN vừa mới check in, tôi hỏi bố chủ nhà 2 người VN đó ở phòng nào, chỉ hỏi vậy thôi chứ tôi không có ý đến chào hỏi. Phòng dorm chỉ có một anh chàng người tây ở, thấy tôi vào anh ta ra ngoài đi đâu đó rồi không thấy về, tôi cứ thoải mái như ở phòng riêng, tối đó anh ta cũng không về ngủ. Heheheh. Chắc thấy tôi bỏ chạy rồi. Hehehe, công nhận dễ thương thật.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Lữ khách (2)

2. Nói dối cũng không xong!!!
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, ra chợ mua nước và bánh mì mang theo. Thực ra đồ ăn tôi còn rất nhiều, nhưng vẫn mua dư mang theo. Tôi mua 2 ổ bánh mì hết 12.000 tiền Cam, sau đó rủa thầm bà bán: - “Chắc bả tưởng bánh mì bả dát vàng chắc” . Thực ra tôi nghĩ bánh mì không thì làm quái gì đắt thế, mới sáng sớm, không muốn hung dữ bỏ đi nên tôi mua luôn, dù gì cũng không tính quay lại Cam, coi như cho bả luôn phần tiền đó cũng được. Leo lên xe, cũng dân địa phương không, không có dấu hiệu cho thấy có khách du lịch. Một ông chú ngồi ghế đối diện tôi hỏi tôi đi Poipet hả, tôi gật đầu. Thế là ông chú bắt đầu nói chuyện với tôi, hỏi tôi quốc tịch nào, đi cam lần này lần thứ mấy… Tôi ghét cái kiểu hỏi cung ghê lắm, nên nói đi Cam gần chục lần rồi, còn quốc tịch tôi bảo ông chú ấy cứ đoán xem. Ông chú ấy quả quyết tôi là người Nhật, nhìn tôi rất giống (rất nhiều người nghĩ tôi là người Nhật, sao kì thế nhỉ???) Tôi bảo không phải, ông chú lại đoán Hàn, Trung Quốc. Tôi nói dối bảo tôi Quốc tịch Trung Quốc. Vừa mới khai man xong, một cô gái rất trẻ, trang điểm sành điệu bước vào ghế ngồi cạnh tôi. Tôi bắt chuyện với cô gái đó, cô ta bảo: - “Sorry, I can’t speak English”.  Tôi chưa kịp nói gì thì cái ông chú nhiều chuyện kia nói với cô gái gì đó, đại ý tôi là người Trung Quốc. Cô kia nghe thế, liền sổ một tràng tiếng Trung  quốc ngữ ra nói với tôi, làm tôi điếc đặc luôn. Tôi lại nói dối, bảo tôi chỉ nói được tiếng Hoa Quảng Đông, cố ấy lại tiếp tục nói tiếng Quảng Đông với tôi mới ghê, tôi lúng túng, kì này chết chắc rồi. Tại cái ông chú nhiều chuyện kia mà ra cả. Thế là tôi cũng trả lời sơ sơ bằng tiếng Quảng Đông, nhưng nhắm chừng nói một lát thể nào tôi cũng bí, tôi “khai thật” tôi là con lai, giữa Việt Nam và Trung Quốc, mẹ là người Trung Quốc nên biết nói ít thôi. Tôi nghe tiếng Trung còn được chút ít, chứ tôi phát âm tiếng Trung thì í ẹ vô cùng. Khổ thân tôi không kia chứ, nói dối cũng không xong…

3. Lao Sopheap  
Cô gái ngồi cạnh tôi tên là Lao Sopheap, nước da trắng trẻo và thuộc hàng xinh xẻo, như lời cô ấy nói thì cô ấy là Cambodian – Chinese, nghĩa là người Cam gốc Trung Quốc. Oh, hoá ra là 2 thằng Tàu mất gốc đang nói chuyện với nhau (Thực ra chỉ có tôi mất gốc thôi, còn cô ấy vẫn nói tiếng Trung khá liến thoắng). Tôi hỏi Lao Sopheap qua Thái làm gì, cô ấy bảo cô ấy đi làm, tôi hỏi làm gì thì cô ấy không nói. Tôi nghĩ thầm: “Tưởng chị đây ngu lắm chắc, quần thì ngắn tới mông, móng tay móng chân thì đỏ choét, lên xe còn lôi một mớ mỹ phẩm thoa từ đầu đến tận ngón chân, nước hoa nồng nặc, lại còn trang điểm nữa chứ, qua đó làm gái thì nói đại đi, còn làm ra vẻ bí mật”. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn nói chuyện với cô ấy bình thường,  tôi hỏi cô ấy làm bên Thái lâu chưa, cô ấy bảo cũng lâu rồi, hàng tháng thì về nhà, rồi còn tận tình cho tôi biết là mấy giờ chúng tôi mới đến Thái được nữa chứ, cứ như là tôi đi lần đầu không bằng. Trong thời gian nói chuyện với cô ấy, tôi thỉnh thoảng cũng nói chuyện với ông chú nhiều chuyện phía băng đối diện. Ông chú làm tài xế taxi ở Phnom-Penh, hôm đó chú ta đi về quê ăn đám cưới của họ hàng, họ hàng nhà chú gần biên giới, đã lâu lắm rồi chú ta không về thăm quê. Tôi có xin số điện thoại, và hứa sẽ giới thiệu với bạn bè về chú nếu có qua Phom-Penh du lịch mà cần đi taxi sẽ gọi. Bây giờ tôi lục lại ba lô không thấy số điện thoại đâu nữa rồi, có lẽ đã làm mất. Thực ra nói chuyện với chú ta một hồi tôi cũng không còn ghét chú nữa, chú ấy cũng khá chân thành, trừ cái tội hay tò mò chút thôi. Đang diễn ra bầu cử, nên ông chú cũng giải thích cho tôi biết một chút về sự kiện này, tôi hỏi ông bầu cho ai, Hun-sen hả. Ông chú chỉ cười bảo không biết, hehehe.
Tôi lôi bánh mì mua hồi sáng ra ăn và mời Lao Sopheap, nhưng cô ấy bảo không ăn, vì có thức ăn trong ví. Cô ấy chỉ mang một cái sắc tay nhỏ, bên trong toàn mĩ phẩm làm đẹp, và một chai nước, tôi không thấy cô ấy có hành lí gì cả. Cô ấy mời tôi ăn kẹo bạc hà. Dù không thích kẹo lắm, nhưng sau khi kiểm tra kĩ niêm phong của vỏ ngoài, tôi vẫn ăn. Lúc ăn bánh mì thì tôi phát hiện ra lúc sáng tôi rủa thầm bà bán bánh mì là một tội lỗi. Thì ra bên trong ruột bánh mì có thịt chà bông khá ngon. Thế mà tôi nào biết, có thể bà ta chỉ bán hơi đắt chút, chứ không phải loại người lấy giá trên trời như tôi nghĩ, hehehe. Lúc xuống xe ăn trưa, tôi mới phát hiện thêm một bí mật khác là Lao Sopheap không hề đi một mình, cô ấy đi cùng với mẹ và chị gái. Mẹ và chị gái cô ta ngồi phía đầu xe nên lúc đầu tôi không biết. Mẹ cô ta có gương mặt khá phúc hậu là mẫu người phụ nữ gốc Trung hiền lành, chị cô ta nhìn mặt mũi cũng được, nhưng tướng tá thì hơi thô như con trai, khác với cô em gái Sopheap mảnh dẻ và nữ tính. Ba mẹ con ngồi chung bàn với nhau và lấy thức ăn mang theo ăn. Tôi cũng ngồi kế và chào hỏi sơ sơ, vì mẹ cô ấy cũng không nói được tiếng Anh, tiếng Trung của tôi lại rất hạn chế. Tới lúc đó tôi mới từ bỏ suy nghĩ cô ta sang Thái… làm gái, heheheh. Gần tới biên giới, ông chú nhiều chuyện kia xuống xe, Lao Sopheap mượn tôi cây viết để điền vào form nhập cảnh. Tôi mượn hộ chiếu của cô ta xem, là hộ chiếu mới trắng tinh, tôi hỏi cô ấy đi Thái lần đầu à, cô ta gật đầu thừa nhận. Nghe thế tội lỗi nói dối người TQ với cô ta cũng biến mất đi, tôi lôi hộ chiếu VN cho cô ta xem. Ôi dào 49 gặp 50 thôi, hehehehe. Cô ấy hỏi tôi làm hộ chiếu ở VN mất nhiều tiền không, tôi nói khoảng 10usd. Sopheap bảo cô ta chỉ mất khoảng 2usd để làm hộ chiếu thôi, rồi cô ta đưa tôi cái danh thiếp, hoá ra cô ta làm ở hiệu tóc cho chị cô ấy ở Phnom-Penh, cô ấy mời tôi khi nào rảnh ghé hiệu tóc của cô ấy chơi, và làm đẹp luôn, tôi gật đầu đồng ý. Tám thêm một lúc, tôi mới biết là thực ra hôm nay 3 mẹ con cô ấy sang Thái đi đón một người chị ở HongKong về nhà chơi. Chị cô ta làm việc tại Hongkong, đáp chuyến bay về Thái, sau đó 4 mẹ con sẽ sang Malaysia du ngoạn rồi mới về lại Cambodia. Nghe thế, tôi bảo tôi cũng đang tính đi Malay sau khi đến Thái vài ngày!

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Lữ khách (1)

1. Gặp trở ngại do quá tự tin
Trên chuyến xe đi Phnom-Pênh sáng hôm ấy có một chị người Philipin ngồi cạnh tôi. Tôi và chị ấy là 2 người mua vé sau cùng. Lúc tôi mua vé xong thì tôi thấy chị khệ nệ vác 2 cái valy to, chạy xồng xộc đến văn phòng hỏi mua vé, chị ấy không có tiền Việt, nên nhân viên bán vé bảo chị ấy lát sẽ trả tiền usd trên xe luôn. Lên xe tôi có ngồi tám với chị ấy, chị Philipin này đến VN đã nhiều lần, nhưng đây là lần đầu chị sang Cambodia chơi, sở dĩ chị ấy mua vé trễ sáng nay là do chị vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, về khu Phạm Ngũ Lão rồi mua vé luôn. Chị đã 31 tuổi, chưa có gia đình. Lần đi này tôi ít chụp hình hẳn, nên giờ không có hình của chị, cũng không trao đổi email hay thông tin gì, có lẽ lâu ngày không đi bụi nên tôi …quên mất các thao tác cơ bản, hehehe. Tôi lúng túng khi nói chuyện với chị, hậu quả của việc lâu ngày không sử dụng tiếng Anh. Lúc qua cửa khẩu Mộc Bài khá lộn xộn, do ngày chủ nhật lưu lượng người tương đối đông. Chị Philipin khá hốt hoảng khi tất cả mọi người đã được đóng mộc hộ chiếu mà chị ấy thì chưa. Tôi nán lại chờ, để có gì giúp đỡ chị ấy một tay. Cuối cùng thì hộ chiếu của chị đã được đóng mộc, tôi kéo tay chị đi qua bên phía Cam làm thủ tục, tôi bảo lúc nãy tôi và chị là người cuối cùng thì bây giờ sẽ cố gắng đi nhanh qua bên kia để trở thành người đầu tiên (mới xuất biên mà tôi đã hiếu chiến rồi). Chị Philipin mỉm cười tươi rói, bảo tôi là một người VN tốt, hehehe. !!! Trên xe  tôi tám với chị ấy khá nhiều, chị ấy cũng như đại đa số nhiều người Châu Á khá, hay đặt những câu hỏi riêng tư về gia đình, lương bổng, và các mối quan hệ cá nhân. Tôi cũng vui vẻ trả lời chị mà không khó chịu tí nào. Qua bên phía Cam thì xe dừng lại cho khách ăn uống, đổi tiền, đi vệ sinh. Chị Philipin làm quen với một cô bạn khác, tôi đi lòng vòng, không có nhu cầu ăn uống đổi tiền gì sất nên lên xe sớm. Một anh chàng người Tây lúc đó cũng lên xe tìm kiếm gì đó, anh ta khá hốt hoảng, hỏi: - “Oh, where’s my book?”. Tôi ngớ người ra, không hiểu book là gì. Mới ra nước ngoài đã bắt đầu lóng ngóng, ngay cả từ cơ bản cũng quên luôn, bạn thấy tôi tệ chưa. Phải một hơn 1 phút sau tôi mới nhớ ra…có khổ thân tôi không kia chứ!!! Tôi nhủ thầm, kì này chết chắc rồi con ạ. CPU bị ẩm IC rồi. Lúc định thần lại, tôi mới nói anh chàng người Tây bình tĩnh kiếm kĩ lại thử xem, anh ta chạy xuống quán ăn một lúc sau đó quay trở lại bảo với tôi là đã tìm thấy, bạn anh ta đang cầm, rồi cám ơn tôi. Tôi mỉm cười.
Lộ trình xe có một chút thay đổi, do phải chở đoàn khách Tây tới một khách sạn. Thay vì đi theo cung đường quen thuộc, thì xe rẽ sang hướng khác. Tôi lấy bản đồ ra định xem thì mới phát hiện ra là tôi quên mang theo bản đồ Phnom-Penh. Nhưng không sao, những lần đi trước tôi đã học thuộc, nên trong đầu vẫn còn nhớ một số đường chính. Tôi nghĩ vậy nên cũng không lo, yêu cầu nhà xe cho xuống ngã tư Shihanouk- Monivong. Lúc xuống xe tôi mới nhớ là quên xin email chị Philipin. Đi Cam tới mòn dép mà cuối cùng lại lúng túng vào lần đi này, có tệ không kia chứ???? Quang cảnh không có gì thay đổi, nhưng do đi hướng khác đến, lại không có bản đồ tôi không biết phía nào sẽ đi về đường 182. Tôi dừng lại hỏi cảnh sát Cam ở ngã tư, khốn nạn cho tôi, thà họ bảo họ không biết tôi còn đỡ tức. Họ chỉ sai đường, làm tôi đi một hồi mới biết là bị lạc. Không nhớ đường quay lại chỗ cũ. Tôi lại mệt, đi bộ thì cũng được, nhưng lần này đi chơi tôi cũng không cần tiết kiệm lắm, tôi muốn hưởng thụ cho thoải mái nên gọi tut-tut. Họ cũng hét giá bảo 3usd. Tôi trả 1usd thôi, vì tôi biết khá gần. Bác tút- tút này không biết tiếng Anh, nhưng tôi vẫn đi. Cơ bản là tôi không sợ đón tut-tut như lần đầu tới Cam. Không biết vô tình hay cố ý, tôi nghĩ là vô tình, bác ta cũng… lạc đường, rồi dừng xe lại hỏi mấy “đồng nghiệp”  khác của bác. Có người hỏi tôi có bản đồ không, để dễ nhìn, chứ đường Cam toàn đánh số họ không nhớ nổi đâu. Thật là, bà có bản đồ, còn lâu bà mới đi tut-tut. Một cái dở của tôi nữa là thay vì cứ bám chặt vào cái con đường mang số 182 ấy, tôi lại không linh động nhớ chợ O’ russei nằm ở trên đường đó, nói chợ O’russei chắc sẽ có nhiều người biết. Đúng là đi bụi cũng phải rèn luyện để nội công thâm hậu bạn ạ. Lâu lâu ra đường lại không chuẩn bị kĩ Yun ngố Tàu kinh khủng. Cuối cùng Yun cũng nhớ ra và nói với bác tut-tut. Mặt bác ấy méo xệch chở Yun tới chợ, nhưng là mặt phía bên hông chứ không phải cổng chợ trên đường 182. Yun ngại đi bộ nhưng tới chợ bác ta không chịu chở nữa, đểu thật. Thôi kệ, dù gì tới chợ cũng không lạc rồi, Yun móc 2usd ra trả bác, tại thấy bác ta cũng đi vòng vòng tìm đường, coi như boa cho bác ta vậy. Mới đi giang hồ ngày đầu đã không chịu tiết kiệm rồi.
Vòng lại đường 182, Yun tới Capitol mua vé đi Thái vào ngày mai. Sau đó Yun thuê nhà nghỉ. Capitol có đủ loại giá thượng vàng hạ cám, lần trước Yun đã ở phòng 4usd, nhưng lần này máu “tiểu thư” nổi lên, muốn ở phòng 10usd xem có gì khác nên Yun thuê phòng sang một chút. Yun tắm xong thì chạy đi chơi, hôm đó Yun định thuê xe đạp đi dạo, nhưng vì muốn dưỡng sức cho những ngày sau, phần cũng vì lười, muốn cảm giác “tiểu thư” nên thuê tut-tut chạy loanh quanh thành phố ngắm cảnh. Đường xá cũng khá quen thuộc, không có gì lạ. Tối đó Yun ăn một bữa thật ngon ở nhà hàng và ăn vặt linh tinh ở chợ rồi mới về. Hôm Yun ở Cam, đang diễn ra bầu cử, trên đường đi Yun hay gặp đoàn người mặc đồ trắng diễu hành qua các phố phường, nhộn nhịp lắm. Tiếc là Yun không chụp hình, không hiểu sao lúc đó Yun không hề có hứng thú với việc chụp hình mà chỉ muốn tập trung hưởng thụ coi cho đã mắt nên giờ không có hình diễu hành cho các bạn xem, nhìn cũng vui mắt lắm, mới đầu Yun còn tưởng là…đám tang cơ đấy.
Tối đó, Yun không ngủ được, thỉnh thoảng trống kèn lại đánh lên rộn rã, và tiếng la hét ầm ĩ. Phnom-Penh mà Yun biết trước đây hay đi ngủ sớm thì hôm đó lại có nhiều hoạt động về khuya. Yun ra ban công thấy người vẫn còn nhộn nhịp, một số cửa hàng vẫn chưa đóng cửa, muốn xuống đường đi chơi lắm, nhưng lại nhủ thầm: “Thôi đi ngủ, hành trình còn dài, mà Yun chỉ có một mình”.