Cô gái bước vào một ngôi nhà nhỏ lụp xụp cuối xóm của một bà
lão già nua, mang theo một ít nhu yếu phẩm để dành tặng cho bà lão neo đơn ấy
vào dịp Tết đến. Thấy có người, bà lão ngước đôi mắt đục ngầu đã mờ ảo dấu hằn
của năm tháng khắc nghiệt rồi mừng rỡ: - “Cháu lại đến à?”. Cô gái mỉm cười: - “Dạ,
sắp Tết rồi bà nhỉ?”.
Bà lão khi còn trẻ cũng là một người làm ăn chăm chỉ, biết
sống tiết kiệm và dành được ít vàng miếng đem chôn giấu ở đâu đó. Bà có đứa con
gái duy nhất, nhưng lấy chồng xa và cũng rất nghèo khổ, hầu như con gái ít có
điều kiện về thăm bà. Tuổi già, 2 vợ chồng bà lão làm căn nhà cuối xóm nương
tựa nhau lúc cuối đời. Bỗng đâu thằng cháu ngoại hư thân bất hiếu tới ở cùng,
rồi hắn ta không biết làm cách nào biết được chỗ bà lão cất giấu vàng, hắn đào
sạch số vàng cả đời dành dụm của bà rồi đi biệt tích. Bà lão nằm vật vã khóc
than như thế hằng mấy năm trời. Lúc kiếm được tung tích thằng cháu trời đánh
thì hắn đã chơi bời hết số tiền đó lâu lắm rồi.
Từ đó, ông lão hàng ngày đi bộ nhiều cây số vào rừng cao su
kiếm củi, rồi sau đó rừng cao su phá đi làm khu công nghiệp, củi cũng không còn
kiếm được. Mảnh vườn bé tẹo teo ở nơi rừng rú xa xăm, nói là mảnh vườn nhưng
thức chất chỉ là mấy trăm mét vuông đồi đá, nơi khô cằn chẳng cây gì mọc nổi
trừ lèo tèo vài cây khóm và chuối, được ông lão cặm cụi trồng cả năm mới kiếm
được vài đồng lẻ không đủ đong nổi một kí gạo. Nhìn ông lão già khọm, teo tóp
như một đứa trẻ 10 tuổi suy dinh dưỡng, lưng ông còng như một cái móc câu vác
trên lưng một trái khóm đi bộ ngày trời nắng trên một con đường rất dài mà đến
đau cả lòng. Cô gái đã gặp ông lão trong trường hợp ấy trong một lần trên đường
về nhà, rồi cô âm thầm nhờ đứa em nhỏ dò la tin tức của ông già tội nghiệp ấy.
Khi biết được hoàn cảnh tội nghiệp của đôi vợ chồng già, cô đã gom góp số tiền
của một đứa học sinh con nhà nghèo để mua một ít gạo đem đến nhà bà lão, trong
khi gia đình cô cũng đói mắt vàng mắt xanh vì thiếu ăn. Khi ấy cô gái 16 tuổi.
Mỗi năm gần Tết, như thường lệ, cô gái lại mang một ít nhu
yếu phẩm mua từ số tiền ít ỏi cô dành dụm được cho bà lão, cứ như thế bà lão
dần quen với sự xuất hiện của cô gái. Cô gái từng chứng kiến cảnh ông lão bị
đau nằm liệt giường mà không hề có một chút thuốc thang, còn bào lão đi nhặt
nhạnh ve chai vứt ngoài đường kiếm chút tiền đong gạo. Mỗi lần như thế, cô thấy
mình bất lực vì không thể giúp nhiều hơn, cô cũng rất nghèo, cũng đi làm kiếm
từng đồng để trải qua số kiếp khó khăn của một đứa học sinh, để đỡ cho bố mẹ
phải gửi nhiều tiền cho cô đi học ở thành phố. Bà thường nắm tay cô gái một
cách thân tình và hỏi cô con nhà ai, sao mà biết bà khó khăn mà tới giúp bà?
Những lần như thế, cô gái thường tránh né câu trả lời, chỉ khuyên bà giữ sức
khoẻ rồi lặng lẽ ra về. Cô không cần nói tên, vì cô không muốn làm trò cười trò
thiên hạ: Ốc không mang nổi thân ốc mà còn mang cọc cho rêu, vả lại cô cũng
hiếm khi xuất hiện trong xóm nên cô tin chắc nếu không nói thì bà lão cũng
không cách nào dò ra. Trong xóm đâu thiếu gì người giàu có, ăn không hết họ sẵn
sang đổ thức ăn xuống cống chứ chẳng hề hay biết sát vách nhà mình có đôi vợ
chồng già không có gạo để ăn. Thêm nỗi hai ông bà lão này thì lòng tự trọng rất
cao, thà nằm nhà chết đói chứ nhất định không bao giờ bước chân đi sang hàng
xóm xin xỏ bất cứ thứ gì, trừ khi có người tự nguyện mang tới cho. Hai ông bà
già có lúc nằm nhịn đói và chống chọi bệnh tất mấy ngày trời như thế đấy.
Ông lão mất sau nhiều tháng năm bệnh tật, bà lão khóc than
mờ mắt, cả xóm gom góp tiền chôn cất ông. Cô gái biết chuyện, nhưng không xuất
hiện trong đám tang, vì không muốn làm lộ bí mật, bà lão có thể sẽ hỏi được
người làng và biết cô là ai. Cô gái chỉ lặng lẽ nhờ người nhà đi viếng đám tang
của chồng bà, người đã để lại bà cô độc sống trong căn nhà dột nát trên cõi đời
này. Những lần sau này cô gái đến thăm, ngôi nhà có vẻ hiu quanh hơn bao giờ
hết. Một lần, khi cô gái chuẩn bị bước ra về thì bà lão bỗng lên tiếng:
-
Cảm ơn cháu, thực ra bà đã hỏi ra được cháu là ai. Lần
đầu cách đây mười mấy năm khi cháu đến thăm bà, bà đã nghi ngờ cháu là con của
bố mẹ cháu rồi, vì cháu rất xinh đẹp. Bà chỉ không ngờ được là lúc đó cháu
nghèo như thế mà cháu đã đến giúp bà.
-
Bà nghỉ ngơi đi, bà không thể biết được cháu là ai đâu,
vì không ai giải đáp được cho bà câu hỏi đó đâu.- Cô gái mỉm cười tự tin.
-
Bà không nói đùa đâu, thực ra cháu là người được rất
nhiều người biết đến.
-
Ai nói bà nghe về cháu thế? - Cô gái có chút chột dạ.
-
Đây là điều bí mật, bà cũng không thể nói cháu nghe
được.
Cô gái trở về nhà, lan man với câu hỏi thực ra bà lão đã
thực sự biết được cô hay chưa. Cô đem thắc mắc đó tâm sự với mẹ cô, người duy nhất
biết cô làm công việc trên. Mẹ cô im lặng một lúc rồi trả lời: “Thực ra mẹ nói
điều đó cho bà lão nghe. Con đừng vội sừng cồ với mẹ vì mẹ đã không giữ bí mật
đó cho con. Một lần mẹ vào xóm đi mua cơm khô cho đàn gà nhà mình, thì gặp bà
lão cũng đang phơi cơm trước hiên, bà đi thu cơm thừa trong xóm rồi phơi khô
bán cho những nhà có nuôi gia xúc, thế là mẹ giúp bà mua. Bà tâm sự với mẹ là
mười mấy năm qua có một cô gái bí ẩn vẫn thường lui tới giúp đỡ bà nhưng hỏi
tên gì, con ai thì không bao giờ nói. Bà lão không hề biết gì cô này, chỉ biết
là khá xinh đẹp, bà đi tới đâu trong xóm cũng hỏi thăm xem có ai biết chút tin
tức gì về cô gái này không. Bà đã gần đất xa trời, có nguyện vọng muốn được
biết thông tin cô gái trên, sợ rằng đến khi nhắm mắt cũng không biết là ai thì
áy náy trong lòng vô cùng. Mười mấy năm qua gặp ai bà cũng hỏi nhưng không ai
biết gì về cô gái đó cả, người trong xóm họ còn tưởng bà bị chứng hoang tưởng
tâm thần gì đó nữa. Mẹ thấy tội quá nên nói luôn, khi biết là con bà lão đã rất
nhẹ nhõm”. Cô gái nhìn mẹ mình, định sừng cồ lên như tính khí vốn có, nhưng cô
lại lặng lẽ đi ra ngoài sân, ngắm nhìn những chiếc lá vàng đong đưa trước gió.
Thôi thì mọi thứ chỉ là tương đối. Từ mai cô không chơi trò người bí ẩn nữa, dù
gì cái bí mật mười mấy năm qua cũng bị phát hiện rồi.
Hay quá!!!!
Trả lờiXóaCám ơn chị :) Hoá ra em có năng khiếu viết truyện, hahaha.
Trả lờiXóa