Miễu Quan Âm ( tôi dịch sát nghĩa từ tiếng Hoa) còn được cộng đồng người Việt xung quanh vùng gọi là chùa Quan Âm, tuy nhiên tôi thấy dùng từ miễu thì hợp lí hơn, vì miễu Quan Âm không hề có sư sãi ở. Trong miễu chỉ có người thắp nhang giữ chùa được gọi là "Hương Ông" (từ này tôi cũng dịch từ tiếng Hoa luôn). Hương Ông thường là người cô quả, không có gia đình con cháu, tình nguyện sống trong miễu chăm sóc cho miễu hàng ngày. Vào các dịp lễ lạt, tết nhất của cộng đồng người Hoa, thì có thêm sự xuất hiện của các "Thầy Cúng" đọc kinh tụng niệm trong miễu, cầu cho dân trong vùng làm ăn được mùa màng, gia đình bình an, khoẻ mạnh....
"Lễ Cầu An" ( Tả Tài Phán) là một lễ hội lớn của người Hoa, trong dịp lễ này, những hoạt động như giết trâu bò, hành hương, tụng niệm, nghi thức qua lửa (theo quan niệm, qua biển lửa là nghi thức giúp giảm bớt những tai nạn của con người trong cuộc sống)... được thể hiện mang theo những nét rất đặc trưng của cộng đồng người Hoa. Không phải năm nào cũng làm lễ Cầu An, lễ hội này có thể 3, 5, hoặc 10, 20 năm mới diễn ra một lần, và không có chu kì chính xác. Khi dân trong vùng thấy mấy năm liền mùa màng thất bát, làm ăn khó khăn hoặc trúng mùa nhiều năm liên tiếp thì lại tập hợp nhau làm lễ Cầu An. Lễ Cầu An diễn ra trong nhiều ngày liền, cả ngày lẫn đêm, rất vui nhộn, và trẻ con thường rất thích lễ này. Vì trong lễ hội, bất cứ ai cũng có thể đến ăn uống thoải mái, và giúp làm những công việc lặt vặt, thể hiện tính cộng đồng rất cao. Trẻ con hay đi giựt tiền lì xì, bánh kẹo sau một số nghi thức nào đó. Kinh phí trong một lần làm lễ Cầu An là khá nhiều, và chủ yếu do những gia đình "Phú ông" trong vùng đóng góp. Thường khi làm lễ Cầu An, người ta sẽ không tiếc tiền để bỏ ra ủng hộ.
Lên miễu Quan Âm vào dịp tết, bạn còn có thể xin cho mình một quẻ xâm đầu năm, để biết được Quan Âm sẽ khuyến cáo bạn điều gì trong năm nay. Chuyện tình cảm, sự nghiệp, gia đình... như thế nào. Các năm trước, ngày đầu năm chủ yếu là cộng đồng người Hoa lên miễu xin xâm, nhưng những năm gần đây, có thêm cộng đồng người Việt trong vùng cũng đến chùa và xin Bà quẻ đầu năm. Có thể nhiều bạn cho là mê tín dị đoan, nhưng tôi lại rất thích hoạt động này, nó có cái gì đó hay hay, của thời xa xưa để lại, đầu năm lên chùa xin xâm, cầu bình an cho gia đình. Xin xâm xong sẽ có các vị thầy cúng trong chùa giải xâm cho bạn, các vị thầy cúng đều là người Hoa, thường được cộng đồng người Hoa kính trọng. Nếu bạn không biết nghe tiếng Hoa, thì có thể yêu cầu giải xâm bằng tiếng Việt, các vị ấy sẽ nói với bạn bằng một giọng Việt lơ lớ, nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của quẻ xâm, thỉnh thoảng trong quẻ xâm của bạn có có hình ảnh tượng trưng bằng các câu thơ tiếng Hoa nữa đó, có những câu rất hay, thường là của Lí Bạch, Đỗ Phủ và một số nhà thơ nổi tiếng.... Tôi năm nay được câu: " Tú tài ra đi, trạng nguyên trở về". hihihih. À, giải xâm xong các bạn nhớ chuẩn bị một phong bao lì xì (trong đó bỏ 5, 10, 20... ngàn là tuỳ bạn) để lì xì đầu năm cho các vị thầy cúng đã giải xâm cho mình nhé. Đầu năm người ta giải xâm cho mình, thì mình cũng nên gửi lại chút tiền may mắn cho các vị ấy (dĩ nhiên là các thầy cúng không hề đòi hỏi, thậm chí nếu thấy bạn là người Việt, có dẫn theo con nhỏ không chừng họ sẽ lì xì cho con bạn cũng nên, tôi từng thấy trường hợp đó rồi)
Đầu năm, viết một chút về Miễu Quan Âm ở gần chỗ tôi, chùa chiền miếu mạo là nơi rộng mở đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi không phải tuyên truyền "mê tín" cho các bạn, mà chỉ là giới thiệu thêm một nét văn hoá cũng đã gắn bó với gia đình tôi. Tôi thấy có những tin đồn chùa này chùa nọ linh thiêng, rồi dân chúng kéo nhau ầm ầm đến cầu xin, gây ra bất ổn trong vùng, thành ra mê tín dị đoan. Vì vậy, cho phép tôi không ghi địa chỉ ngôi miễu này nhé. Không phải là muốn che giấu điều gì, mà tôi không muốn có những kẻ vô công rồi nghề phá hoại một nét văn hoá đã gắn bó với cộng đồng người Hoa sống trong vùng đó bấy lâu nay. Nó thuộc về đời sống tinh thần của họ.
Một số câu chuyện cầu duyên tại Miễu Quan Âm:
Câu chuyện thứ 1: (là câu chuyện của mẹ tôi) Năm mẹ tôi 25 tuổi, cũng đã đến tuổi ế vào thời kì đó, mẹ lên miễu Quan Âm cầu duyên (mẹ có xin 2 tiêu chuẩn của vị hôn phu tương lai), khi đó miễu còn rất đơn sơ. Cuối năm đó, tức là sau đó mấy tháng, ba tôi đến hỏi cưới mẹ tôi (và thật trùng hợp, ba tôi có đúng tiêu chuẩn mà mẹ đã xin với Quan Âm luôn)
Câu chuyện thứ 2: (Cái này tôi tận mắt chứng kiến sự linh thiêng nè). Năm ngoái đầu năm mấy chị em tôi lên chùa xin xâm như thường lệ. Tự nhiên năm ngoái em út tôi dẫn thêm một thằng bạn đi nữa. Lúc giải xâm cho cậu này, thầy cúng bảo là trong năm cậu ấy có hỷ sự, đám cưới bất ngờ. Thấy cậu này còn nhỏ tuổi, lại chưa có người yêu, đang theo đuổi một cô gái mà bị từ chối liên tục nên chúng tôi phá lên cười, nghĩ rằng không thể nào. Tôi còn ghẹo cậu em này, nếu cậu ấy mà lấy vợ vào giữa năm thì chắc là chỉ có chuyện viễn tưởng. Và ngay cả cậu ấy cũng không tin.
Một buổi tối giữa năm ( đúng thời điểm của lá xâm thông báo) cậu ấy gọi điện cho em tôi bảo mai mặc đồ đẹp đi bưng quả đám hỏi cho cậu ta. Em tôi đang ngủ, lại vào lúc nửa đêm liền trả lời: " Thôi, giờ này để tao ngủ đi, giỡn cũng có giờ giấc chứ ". Không ngờ mấy ngày sau em tôi mới biết đêm đó cậu ta gọi điện nhờ bưng quả là thật. Biết lỡ dịp bưng quả vào lễ hỏi cho đứa bạn thân, em tôi cuống cuồng đi sắm đồ đẹp để bưng quả vào dịp lễ cưới. Năm nay cậu ấy đến nhà tôi đã có một nhóc con nhỏ dễ thương rồi đó bạn.
Một vài hình ảnh tại miễu Quan Âm ngày nay:
Cổng chính |
Chờ giải xâm |
Thầy cúng đang giải xâm cho mẹ tôi đó |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét