Chào mừng bạn đến thăm nhà tôi!

This website is updated the latest news about me and belongs to my own.
If you want to use my articles, please contact me :)
Everyone also has some secrets that could not share. Be a polite reader.
Don't be too curious if there is non of your business! Million thanks !!!



Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Vì sao lại là Giang hồ mê chơi quên quê hương???


  
Một vài người làm cho tôi không biết phản ứng thế nào khi vô blog tôi đọc bài rồi ra vẻ am hiểu góp ý tôi thế này: “Làm cô giáo đừng nên để tiêu đề cái blog: Giang hồ mê chơi quên quê hương, lỡ học trò nó nhìn thấy thì sao, giang hồ chỉ dành cho những tay anh chị đầu gấu…”. Tôi mỉm cười gật gù tiếp nhận góp ý, vì thật ra tôi không có lời nào để bình luận về sự “am hiểu” của những người này cả, tôi thà cười trừ rồi thôi còn sướng hơn đi giải thích, mệt.

Nhưng im lặng thì lại uất ức, người khác lại tưởng tôi đuối lí rồi nên đành chịu nghe lời góp ý, còn khuya nhé, biết vì sao tôi cười trừ không??? Vì những cái người tinh tướng ấy chả hiểu gì về tiếng Việt cả, có nói với họ cũng như không. Sẵn tiện hôm nay tôi giải thích cái tiêu đề blog này luôn, sau này đừng ai hỏi tôi những câu tương tự như thế nữa nhé.

Tiêu đề này xuất phát từ một câu thơ của Tản Đà trong bài thơ “Thăm Mả Cũ Bên Đường”.  Câu thơ thuộc vào một đoạn thơ với 4 câu nội dung sau:

Hay là thuở trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường.
Tài cao phận thấp chí khí uất,
Giang hồ mê chơi, quên quê hương.

Tôi rất thích 2 câu cuối cùng của đoạn thơ này, đọc lên nó có cảm giác có cái gì đó lên tới cao trào đỉnh điểm rồi từ từ …buông xuôi. Bạn thông cảm, tôi từ nhỏ đã thích khoa học tự nhiên, ăn no chỉ biết toán - lý, văn chương không phải sở trường, nên không biết những người thuộc con nhà khoa học xã hội “gốc” họ cảm giác thế nào, tôi cứ cảm nhận tự nhiên theo trái tim tôi thôi. “Tài cao, phận thấp, chí khí uất” Câu thơ này bắt đầu bởi rất nhiều dấu sắc, làm ta cảm giác đang leo núi một cách khổ sở, nhưng đã tới  “uất” rồi bắt đầu thả lỏng: “Giang hồ mê chơi, quên quê hương”, thả lỏng một cách nhẹ nhàng. Ngoài việc cảm nhận được cái hay của câu thơ này, tôi còn thấy nó giống giống ai đó, có thể là tôi cũng không chừng, nên đồng cảm với những dòng thơ đó. Tôi dùng blog yahoo từ hồi blog yahoo mới ra đời, sau đó không dùng nữa, rồi sau nhiều năm, bắt đầu trở lại thói quen viết blog nhưng tiêu đề blog không đổi: Giang hồ mê chơi quên quê hương. Hồi đó lúc còn dùng yahoo, vì cái tiêu đề blog này mà tôi đã làm quen được với một người bạn tâm đắc, tới bây giờ tôi vẫn cho là duyên.

Sau nhiều năm không viết blog, trong một ngày buồn chán, bắt đầu muốn thực hiện lời gợi ý của sư phụ của tôi đã dạy chúng tôi trước đây, là nếu có điều kiện nên đi đây đó ngó cho đã mắt và học hỏi thêm về thế giới này. Tôi bắt đầu tập hợp lại những kĩ năng sư phụ đã từng dạy, lên mạng lang thang tìm bài viết các trang đi bụi, vì thực ra lương của tôi có muốn đi theo kiểu “tiểu thư” cũng không được. Tôi bị chết mê chết mệt bởi blogger N. Đ. Q. Dung với các bài viết của chị. Đặc biệt đáng nói là chị là người đủ tầm để tôi nể. Chị ấy có viết một vài bài tự sự, về bản thân, gia đình…rồi có câu úp mở là có lần được may bộ áo dài mới để mặc đi lãnh một giải thưởng lớn, tôi đoán giải thưởng lớn cho học sinh phổ thông thời của chị và của tôi chỉ có giải quốc gia là máu mặt nhất. Biết năm sinh của chị, tôi search google danh sách các HSG quốc gia năm đó xem có chị không, đúng là có thật, vậy là tôi trở thành một độc giả trung thành của chị từ đó, và tôi cũng cảm nhận được tinh thần giang hồ mê chơi quên quê hương từ các bài viết hay status của chị. Tôi tập tành đi giang hồ, và có ý định viết lại blog, thú vui mà tôi đã bỏ rất lâu.

Làm lại blog tôi cũng đắn đo tiêu đề, bởi giờ tôi đã đi dạy,chứ không phải như thời đi học, ngộ nhỡ phát ngôn hầm hố quá người ta đánh giá, đặc biệt là tôi đi ngành sư phạm, sẽ ảnh hưởng đến học trò. Nhưng xét thấy những câu thơ của Tản đà rất hay, tao nhã, đâu có ám chỉ gì về dân “chợ búa, cướp giật” gì đâu.

Hay là thuở trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường.

Một người văn nho tao nhã bị thất chí khoa cử bỏ đi lang thang thôi mà. “Giang hồ” đâu cứ phải là dân anh chị đầu gấu như một số người vẫn từng lầm tưởng. Đây chỉ là một thư sinh chán đời đi ngắm cảnh mà thôi. Vậy tiêu đề blog của tôi mượn câu thơ đó có gì hầm hố đâu mà lên án dữ vậy??????????? Tôi giải thích thế này tôi biết một số kẻ vẫn còn uất ức, cho là tôi nguỵ biện, nói gàn. Nếu ai đọc tới đây mà vẫn chưa thấy thấu tình đạt lí thì tôi đành phải giở…Từ điển tiếng Việt ra cho họ sáng mắt thôi:

Giang hồ: Sông với hồ. Nghĩa bóng : người nay đây mai đó.

Hai từ “giang hồ” vốn rất đẹp, đi giang hồ cũng có nghĩa là đi chu du ngắm cảnh núi sông, không hiểu sao những người học nông hiểu cạn suy ra nghĩa bóng của giang hồ có nghĩa xấu xa, trai giang hồ thì nghĩ đến cướp, còn gái giang hồ nghĩ đến đĩ điếm. Tự nhiên vô tình mấy tay anh chị đầu gấu được sở hữu 2 từ rất đẹp, mà lẽ ra nên dành cho những người nghĩa khí hay người thích đi chu du đó đây. Bạn coi từ điển định nghĩa nghĩa bóng của từ giang hồ mà xem: “người nay đây mai đó”, chứ đâu cứ phải là dân đánh nhau, chợ búa Thật là mất hết cả quan điểm.

Bổ sung thêm ý này: Có nhiều người nghĩ rằng những kẻ đi giang hồ (hay đi bụi ngày nay) là những kẻ vô học, vô văn hoá. Cái đó thì chưa chắc đâu nhé, những người có học thức, không thích sống cảnh cá chậu chim lồng, những người có óc phê phán, óc nhận xét lại là những người ham đi bụi để "mở rộng tầm mắt". Còn ngược lại những người thích nhận xét đánh giá người khác thường có cuộc sống cá chậu chim lồng, tư tưởng hẹp hòi, ích kỉ và chủ quan cá nhân. Đi nhiều rồi bạn sẽ rộng lượng với nhân thế hơn. Và tôi khẳng định là "giang hồ" không là từ dành riêng cho một bộ phận nào, dù là trí thức thượng hạng hay lưu manh đình đám.

2 nhận xét:

  1. Ô cái câu thơ toàn vần bằng nổi tiếng của Tản đà, người nào nếu ko biết đấy là của Tản đà mà tưởng của bà chị đây làm thì phải vái bà chị mấy vái mới phải.

    Trả lờiXóa
  2. Cho nên thế, mới chọc cho mình nổi điên.

    Trả lờiXóa